Nông dân tập trung xuống giống vụ lúa tôm
Ông Thái Văn Nhơn gieo sạ trên đất nuôi tôm vừa cải tạo.
Nông dân vùng chuyển đổi lúa - tôm huyện Phước Long đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để gieo sạ. Do độ mặn nước sông còn khá cao, vì thế, để vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt kết quả như mong đợi, nhiều người phải bơm tát nước tháo chua, rửa mặn cho ruộng.
Ông Huỳnh Nhựt Linh (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) chia sẻ: “Năm nay, nước ngọt đầu nguồn về trễ nên độ mặn trên các ao nuôi tôm còn khá cao.
Những năm trước chỉ cần tháo rửa ruộng 1 - 2 lần là có thể xuống giống, nay phải làm nhiều lần mới đảm bảo đủ độ ngọt cần thiết. Để gieo sạ kịp lịch thời vụ, gia đình tôi gấp rút cải tạo đất”.
Một số hộ tận dụng nguồn nước từ các cơn mưa những ngày qua và tiến hành gieo sạ. Ông Thái Văn Nhơn (thị trấn Phước Long) là một trong những hộ sạ lúa trước so với các hộ lân cận. Với 1,5ha đất canh tác, ông Nhơn trồng giống Một bụi đỏ cho vụ lúa chính trong năm.
Ông Nhơn bày tỏ: “Những năm qua, ở vụ lúa trên đất nuôi tôm, gia đình tôi luôn sử dụng giống Một bụi đỏ. Do giống lúa này có thời gian canh tác dài ngày hơn so với các loại giống khác nên tôi phải gieo sạ trước, để thu hoạch đồng loạt với mọi người”.
Vụ sản xuất này, Phòng NN&PTNT huyện Phước Long khuyến cáo bà con sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày để chủ động nguồn nước sản xuất. Trong đó, các loại giống OM (OM 2517, OM 2395…), Một bụi đỏ là những giống có đặc điểm nổi trội như: cứng cây, chịu được độ phèn mặn cao, cho năng suất khá.
Hiện nay, thời tiết diễn biến khá thuận lợi cho khu vực sản xuất vùng chuyển đổi lúa - tôm. Phòng NN&PTNT huyện Phước Long đang hướng dẫn bà con kỹ thuật tháo chua, rửa mặn để đến hết tháng 9/2015 hoàn thành xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2015.
Kỹ sư Cao Văn Nhạn, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Phước Long, khuyến cáo: “Vào thời điểm này là mùa mưa, vì vậy bà con tận dụng nước mưa để xuống giống kịp lịch thời vụ.
Nên gieo sạ đồng loạt để có thể thuận tiện trong việc tiêu thoát nước và khi thu hoạch. Đề phòng xâm nhập mặn vào những diện tích đất đã được cải tạo nhưng chưa xuống giống để tránh bị thiệt hại”.
Luân canh lúa - tôm là một trong những mô hình được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng, giúp bà con nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác.
Khoảng cách luân phiên giữa 2 vụ lúa và tôm còn làm cho đất canh tác không bị bạc màu, có thời gian phục hồi lượng phù sa cần thiết. Mô hình này còn được xem là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương trong tỉnh.
Để phát huy thế mạnh của mô hình lúa - tôm, các ngành chức năng cần rà soát, quy hoạch hợp lý các vùng chuyển đổi để đầu tư cơ sở hạ tầng; khuyến khích, hỗ trợ việc sản xuất theo hướng hợp tác; tăng cường tập huấn kỹ thuật để bà con áp dụng vào thực tiễn...
Có thể bạn quan tâm
Giữa bốn bề keo lai, đồi chanh trĩu quả của ông Đàm Đại ở thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức - Quảng Ngãi) trở nên nổi bật. Nhờ vào gần 1ha chanh này mà ông Đại thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Nằm trong con hẻm của thôn Tiến An, xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), gia đình chị Nguyễn Thị Thu Sương đang quây quần bên tách trà trong buổi chiều muộn. Đây là gia đình nuôi thành công dự án “Lươn không bùn”.
Gia đình anh Hồ Văn Tuệ ở ấp Bình Nam, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An là hộ nông dân điển hình trong phong trào nuôi cá lóc mang lại thu nhập cao.
Thông thường vào dịp đầu năm, các vùng chăn nuôi thủy sản trên địa bàn Hà Nội sẽ bước vào vụ sản xuất cá thương phẩm mới.Việc chuẩn bị đầy đủ các yếu tố kỹ thuật trước khi thả cá giống có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo tỷ lệ cá sống cao, tăng trọng nhanh trong thời gian nuôi.
Cá bống dừa có hình dạng bên ngoài giống như cá bống tượng và cũng là một loài cá dữ. Cá bống dừa có màu đen đậm hay nhạt tùy vào môi trường nước đang sống. Cá bống dừa (CBD) là sản phẩm mà tự nhiên ban tặng cho vùng sông nước tiếp giáp với biển.