Nông dân Nam Đàn trồng mướp hương thu nhập khá
Thơm đặc trưng, dễ ăn trong mùa hè, mướp hương ngày càng được thị trường ưa chuộng. Nắm bắt được xu thế này, nhiều hộ nông dân ở Nam Anh (Nam Đàn) đã mở rộng diện tích trồng.
Dàn mướp ngọt phát triển tốt của gia đình anh Nguyễn Kim Minh - xóm 1, xã Nam Anh (Nam Đàn). Ảnh: Thúy Tình
Những ngày này, gia đình anh Nguyễn Kim Minh - xóm 1, xã Nam Anh, Nam Đàn đang tập trung vừa chăm sóc, vừa thu hoạch 2 sào mướp hương của gia đình.
Theo anh, điều quan trọng trong chăm sóc mướp hương là phải tạo sự thông thoáng cho cây phát triển tốt. Với kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất rau màu, anh Minh khẳng định trồng mướp luôn cho hiệu quả kinh tế cao.
“Xã Nam Anh có phong trào trồng mướp hương; ngoài thu hoạch quả, bà con còn tỉa lá làm thức ăn cho cá. Trồng cây mướp chỉ mất thời gian cắm choái, buộc dàn, thu hoạch kéo dài 6-7 tháng. Như thời tiết mùa hè thu hoạch hàng ngày, 1 sào trong 1 năm như gia đình tôi thu về hơn 10 triệu đồng. Anh Nguyễn Kim Minh - xóm 1, xã Nam Anh
Đối với gia đình ông Bùi Đình Tuyên, ở xóm 2, xã Nam Anh thì đây đã là tháng thứ 3 thu hoạch mướp hương. Với phương châm luân canh gối vụ, tăng năng suất trên đơn vị diện tích, từ cuối tháng 10 âm lịch gia đình ông đã xuống giống và đã cho thu hoạch từ đầu tháng 1 âm lịch.
Chỉ với 1 sào mướp nhưng cứ 2 ngày là gia đình ông thu hoạch, với thu nhập bình quân 200.000 đồng/lần.
Mướp ngọt là món ăn ngon, cây mướp dễ chăm sóc nên hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thúy Tình
Là xã có truyền thống trồng cây rau màu, trong những năm qua, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Nam Anh là xã rất năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất trên đơn vị diện tích.
Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Nông nghiệp xã Nam Anh, Nam Đàn cho hay: Mướp hương được thị trường ưa chuộng, xã có truyền thống trồng trong nhiều năm qua, bà con có kinh nghiệm trong việc chọn giống và chăm sóc nên hiệu quả kinh tế cao.
Với đặc tính phù hợp nhiều loại chất đất, sinh trưởng mạnh, ít sâu bệnh, chủ yếu mất thời gian ở khâu làm dàn, sử dụng phân chuồng hoai sẽ cho năng suất cao nên bà con nông dân trong xã luôn ưu tiên đối với diện tích rau màu hàng hóa.
Bình quân mỗi sào mướp ngọt cho thu nhập trên 15 triệu đồng/ vụ. Ảnh: Thúy Tình
“Vụ xuân năm nay Nam Anh trồng trên 160 ha rau màu đa dạng gồm có: mướp đắng, mướp ngọt, bí xanh, hoa lý, năm nay thời tiết thuận lợi cho rau màu phát triển, được giá, được sản phẩm nên cho thu nhập cao. Đặc biệt là cây mướp ngọt, năm nay diện tích mở rộng trên 20 ha, được giá, thời điểm cao 18.000 đồng/kg, thời điểm này 7.000-8.000 đồng, nhiều hộ gia đình có thời điểm 1 sào thu 15 triệu đồng, nếu thời tiết thuận lợi như thế này sẽ cho thu hoạch đến tháng 9.” Ông Nguyễn Văn Nam - Trưởng ban nông nghiệp xã Nam Anh (Nam Đàn)
Trồng mướp chăm sóc khá đơn giản, ít bị sâu bệnh, thời gian thu hoạch kéo dài hơn nữa lại tranh thủ được khoảng thời gian nông nhàn, bên cạnh đó vốn đầu tư không nhiều, chủ yếu bà con sử dụng phân chuồng trong chăn nuôi nên chi phí thấp. Mỗi sào mướp cho năng suất bình quân trên 2 tấn, trung bình mỗi sào mướp hương cho lãi ròng trên 15 triệu đồng.
Với số lượng nhiều, thương lái thường tìm đến các hộ dân ở xã Nam Anh để thu mua nên việc tiêu thụ khá dễ dàng. Hiện nay, mướp ngọt được trồng hầu hết tại các xóm trên địa bàn xã Nam Anh, Nam Đàn mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình trồng cây tía tô xuất khẩu sang Hàn Quốc được đánh giá là mô hình tiềm năng, mang lại giá trị kinh tế cao và đang được nhân rộng trên địa bàn.
Từ khi áp dụng hệ thống tự động này, công việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc tưới, bón phân, phun thuốc tự động đem lại hiệu quả rất cao
Đặc biệt, mô hình này còn giúp tránh được mùi hôi thối và không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, điều mà từ lâu nay các hộ chăn nuôi nào cũng mong muốn.