Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông dân lại tự phát trồng gừng

Nông dân lại tự phát trồng gừng
Ngày đăng: 15/09/2015

Ông Nguyễn Văn Ửng, ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, chăm chút cho liếp gừng.

Giải pháp “lấy ngắn nuôi dài”

Thị xã Long Mỹ được biết đến là nơi khai sinh của thương hiệu “quýt đường Long Trị”, đặc sản “nức tiếng” bởi chất lượng và hương vị đậm đà.

Mặc dù được nhà vườn chăm sóc kỹ, nhưng trong thời gian gần đây, dịch bệnh vàng lá gân xanh bùng phát mạnh, cộng thêm một số diện tích bị thoái hóa đã làm cho năng suất giảm đi rõ rệt.

Vì thế, không ít hộ dân đã đốn bỏ cây trong vườn để trồng lại các loại cây ngắn ngày vừa giúp tăng thêm thu nhập, vừa cách ly mầm bệnh trong vài tháng, thậm chí là cả năm.

Trong các loại nông sản ngắn ngày thì hiện nay, gừng là sự lựa chọn số một của bà con. Vì đây là loại trồng nhẹ chi phí sản xuất, ít tốn công chăm sóc, nhất là có thời gian sinh trưởng ngắn, trung bình từ 7-8 tháng là có thể thu hoạch

. Sau khi “trúng đậm” 2 công gừng vào năm 2014, với lợi nhuận gần 50 triệu đồng, nhưng ông Nguyễn Văn Ửng, ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, vẫn không bỏ hẳn quýt đường. Cụ thể là đầu năm nay, ông đã lên mô để trồng mới lại vườn cây. Nhưng thay vì độc canh, lão nông này đã tận dụng diện tích đất trống giữa các mô, rồi tạo rãnh thoát nước để trồng xen gừng vào đó.

Với cách làm trên, ông Ửng không những có thể lấy ngắn nuôi dài, mà còn giúp đất tơi xốp, tái tạo lại dinh dưỡng cần thiết cho vườn quýt của gia đình mình.

Cặm cụi chăm sóc từng bụi gừng phía sau nhà, ông Ửng háo hức chia sẻ: “Bỏ quýt trồng gừng là chuyện tôi chưa từng nghĩ tới. Do đó, thay vì bỏ trống đất cho cỏ lên, tôi tận dụng trồng xen gừng. Loại cây này “ưa” phân chuồng lắm. Sau khi thu hoạch, chất dinh dưỡng còn lại trong đất rất nhiều.

Lúc này, mình đặt quýt xuống thì không những mầm bệnh đã hết, mà còn giúp cây tăng trưởng khỏe ở giai đoạn đầu, đỡ tốn chi phí phân bón”.

Nhưng cũng lắm rủi ro

Hiện nay, cách trồng xen này đã trở nên phổ biến ở xã Long Trị và Long trị A, thị xã Long Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết nông dân đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình canh tác do không am hiểu các biện pháp kỹ thuật. Ông Huỳnh Văn Lợt, ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, lo ngại vì gần 2 công gừng nhà ông đang bị bệnh khá nặng.

Mặc dù đã tốn công phun xịt nhiều lần nhưng lá cây vẫn vàng ẻo. “Thấy vậy chứ không phải dễ ăn, loại cây này cũng nhiều bệnh. Mà gặp bệnh thối củ chỉ còn nước nhổ liền chứ không cách nào chữa được. Trồng gừng này nhiều rủi ro lắm, đầu ra cũng không ổn định, lỗ như chơi”, ông Lợi cho biết.

Còn ở huyện Phụng Hiệp, nếu như vào năm 2014, diện tích trồng gừng của huyện là 47ha, thì đến nay đã tăng lên 68ha. Dù diện tích tăng đáng kể nhưng khi được hỏi về đầu ra sản phẩm, bà con đều trả lời theo kiểu “may nhờ rủi chịu”.

Theo ông Trần Việt Nhiên, ở ấp Phương Quới C, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, vài năm gần đây, thấy gừng có giá cao nên ông tiến hành trồng thử bước đầu, rồi tiếp tục mở rộng ra hết 4 công đất vườn. Giờ này, ông hy vọng là giá sẽ cao như năm trước thì mới mong kiếm được lời.

Ông Nhiên trăn trở: “Tôi cũng không biết thương lái đến từ đâu, nhưng hễ cuối vụ là xuống tận nơi thu mua. Trồng gừng, đầu ra khó ăn nhất là lúc mưa nhiều như hiện nay”.

Tiểu thương Lê Thị Gấm, chuyên thu mua gừng trên địa bàn xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, để đem bán sỉ cho các chợ ở Kiên Giang, khẳng định: “Không biết tới tết giá có tăng trở lại như vụ rồi không. Chứ giá gừng bây giờ có 10.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Nên mua đi bán lại lời meo lắm”.

Lo ngại câu chuyện “được mùa mất giá” sẽ tái diễn, ngành chức năng ở các địa phương cũng khuyến cáo không nên tăng diện tích trồng gừng tự phát. Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cảnh báo: “Nông dân cần cẩn trọng trong khi mở rộng diện tích trồng gừng, do chưa có đầu ra ổn định, giá cả bấp bênh. Gừng dễ bị thối củ và chưa có thuốc đặc trị nên người dân cần chú ý trong quá trình chăm sóc”.

Trước thực trạng diện tích trồng gừng đang có xu hướng tăng, nhưng giá cả thị trường đang lao dốc thì liệu vào cao điểm thu hoạch rộ cuối năm, nông dân có còn “trúng đậm” mùa gừng như những năm trước?


Có thể bạn quan tâm

Trẻ hóa và thụ phấn nhân tạo cây na trồng xen cà phê Trẻ hóa và thụ phấn nhân tạo cây na trồng xen cà phê

Cây na (còn gọi là mãng cầu ta) là một trong những loại cây ăn quả dễ thích nghi với điều kiện môi trường nên đã được người dân một số địa phương trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột lựa chọn trồng xen trong vườn cà phê

22/10/2015
Phát triển 134 hécta ca cao đạt chứng nhận UTZ Phát triển 134 hécta ca cao đạt chứng nhận UTZ

Theo Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán), hiện doanh nghiệp đã phát triển được 134 hécta ca cao đạt chứng nhận UTZ Certified good inside trên địa bàn Đồng Nai.

22/10/2015
Chanh đào xuống giá thê thảm Chanh đào xuống giá thê thảm

Khác với mọi năm đến thời điểm này, giá chanh đào xuống liên tục. So với đầu vụ, giá giảm gần một nửa. Nhiều hộ dân lo lắng cho tương lai của cây chanh đào. Liệu đây có phải là cây xóa đói - giảm nghèo nữa không?

22/10/2015
Xoài cù lao Giêng được công nhận VietGAP Xoài cù lao Giêng được công nhận VietGAP

Mới đây, 9 hộ dân trồng xoài 3 màu ở cù lao Giêng (xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới, An Giang) đã được công nhận VietGAP.

22/10/2015
Được mùa mất giá nỗi lo của người trồng nho Được mùa mất giá nỗi lo của người trồng nho

Từ đầu tháng 10 đến nay, giá nho đỏ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang giảm mạnh. Thu nhập bị giảm sút, nhiều hộ nông dân trồng nho đang loay hoay “tính kế” phá nho đỏ để trồng các loại cây ngắn ngày... đơn cử tại xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn).

22/10/2015