Nông dân khấm khá nhờ mô hình trồng ớt tại Tiền Giang
Toàn xã Bình Ninh (Tiền Giang) có khoảng 1.800 hộ dân, nhờ mô hình trồng ớt mà tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 1%, thu nhập bình quân đầu người là 60 triệu đồng/năm.
Nhiều hộ dân ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang khá lên nhờ mô hình trồng ớt. Ảnh: Minh Đảm.
Những năm qua, mô hình trồng cây ớt ở tỉnh Tiền Giang cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo là vùng chuyên canh cây ớt nổi tiếng của Tiền Giang. Mô hình này đã giúp cho nhà nông nơi đây thoát khỏi cảnh khó khăn vươn lên khá, giàu.
Cũng như nhiều hộ dân khác ở xã Bình Ninh, gia đình ông Nguyễn Văn Tranh ở ấp Bình Hưng Hạ rất phấn khởi vì trúng mùa ớt. Ông Tranh cho biết, 4 công ruộng trồng cây ớt của gia đình đã cho thu hoạch 3 đợt, giá cao nhất là 110.000 đồng/kg và thấp nhất là 80 nghìn đồng/kg. Năm nay, giá ớt đạt kỉ lục nên nông dân địa phương lãi to.
“Ở cánh đồng Bình Ninh cây ớt chiếm 90%. Năm nay, đầu ra, giá cả ngon rồi, cao nhất 110 nghìn đồng. Hiện nay là 80 nghìn đồng. Nếu giá 30 nghìn đồng trở lên có lãi ngon rồi. Ở đây, hồi đó giờ trồng cây ớt không, mua xe cộ, nhà cửa đều nhờ cây ớt”, ông Tranh phấn khởi.
Cây ớt đã bén rễ trên vùng đất Bình Ninh gần 20 năm qua, chủ yếu trồng dưới chân ruộng. Đây là vùng đất thấp ven sông Tiền, thổ nhưỡng rất thích hợp cho cây ớt phát triển. Lúc đầu, chỉ từ vài chục ha đến nay nông dân đã nhân rộng hơn 300 ha. Cây ớt dần trở thành cây màu chủ lực của địa phương.
Được sự chuyển giao khoa học kỹ thuật của ngành chuyên môn, đa số nông dân trồng ớt đạt năng suất, chất lượng cao. Đối với các loại giống ớt như: Chánh Phong, Sen Hồng…. nông dân trồng đạt năng suất mỗi vụ đạt đến 1 tấn/ ha. Gần đây, giá trái ớt ổn định ở mức cao nên, thu nhập từ mô hình trồng ớt cao hơn lúa hay các loại hoa màu khác gấp nhiều lần.
Năm nay, bình quân mỗi vụ trồng ớt, nông dân thu lãi gần 500 triệu đồng/ha. Ông Đỗ Đông Hòa, nông dân trồng 2.000 m2 cây ớt cho biết, với diện tích này nếu trồng lúa hay hoa màu khác chỉ đủ ăn nhưng nhờ trồng cầy ớt cuộc sống gia đình đã khắm khá, mỗi năm có lãi trên 100 triệu đồng.
Ông Hà chia sẻ: Ở đây, cây ớt rất ngon, tốt, đất phù hợp với cây ớt lắm. Đầu ra thì năm nay giá đắt suốt luôn. Từ đầu vụ đến cuối vụ, lãi khá hơn các loại hoa màu kia. Kỹ thuật thì dân ở đây là ô-kê rồi.
Ông Nguyễn Tấn Tài, Chủ tịch UBND xã Bình Ninh cho biết: Mô hình trồng ớt thương phẩm cho hiệu quả rất cao, rất thích hợp với biến đổi khí hậu. Toàn xã hiện có khoảng 1.800 hộ dân, nhờ mô hình trồng ớt mà giảm còn hơn 1% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người là 60 triệu đồng/năm. Xã Bình Ninh đã được công nhận xã nông thôn mới. Hướng tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục vận động người dân duy trì và phát triển diện tích ớt, xem đây là cây hoa màu chủ lực của địa phương.
Cây ớt là cây màu chủ lực, là một trong những cây hiệu quả nhất, mà trong những năm qua ở Bình Ninh đem lại thu nhập cho người dân rất cao. Vùng đất này cao trình thấp nên cây ớt rất chịu. Quy hoạch trồng cây ớt trên cơ sở diện tích hiện có, thời gian tới còn 20 ha đất lúa còn lại UBND xã sẽ vận động nhân dân chuyễn đổi sang cây ớt hay cây màu ngắn ngày gắn với với vườn dừa, ông Tài chia sẻ.
Cây ớt dưới chân ruộng tại xã Bình Ninh cũng như nhiều địa phương của tỉnh Tiền Giang đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhà nông đổi đời và là mô hình thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện nay, ở các vùng đất ven biển, cù lao Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang đang nhân rộng diện tích cây màu ngắn ngày này để né hạn mặn và cho thu nhập cao.
Có thể bạn quan tâm
Chăn 20 con bò lai Sind sinh sản, kết hợp với nuôi giun quế trên nền phân gia súc thải ra, theo hướng lợi nhuận tuần hoàn khép kín.
Đi bộ xuống cầu thang từ lối ra số 2 của ga Sangdo ở phía tây nam Seoul (Hàn Quốc), thật khó bỏ qua một bảng hiệu có nội dung 'Metro Farms'.
Hiện nay, HTX Làng Nông nghiệp hữu cơ Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm là đơn vị đầu tiên ở Vĩnh Long sử dụng dịch vụ chăm sóc cây lúa bằng máy bay tự động.