Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Nông dân Hà Giang bắt nhịp chuyển đổi số trong nông nghiệp

Nông dân Hà Giang bắt nhịp chuyển đổi số trong nông nghiệp
Tác giả: Hữu Thắng
Ngày đăng: 28/06/2022

Áp dụng CĐS tạo “đầu ra” thuận lợi

Một trong những hạn chế trong tiêu thụ hàng hóa của người nông dân là thường rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” hoặc không tìm được kênh cung ứng ổn định. Đơn cử như vụ cam năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Anh Tài, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) có hàng nghìn tấn cam đang trong giai đoạn thu hoạch.

Song, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố và tiêu thụ sản phẩm cam Hà Giang theo phương thức truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng CĐS, thúc đẩy thương mại điện tử, xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến đã trở thành phương án hữu hiệu giúp HTX tiêu thụ được cơ bản số cam của mình.

Anh Phạm Quang Tuyên, Giám đốc HTX Anh Tài, cho biết: “Trước tác động của dịch Covid-19, để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ, HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, Fanpage và sàn thương mại điện tử. Theo đó, các thành viên HTX đã tích cực sử dụng Facebook, Zalo để đăng tải hình ảnh, video giới thiệu về quá trình chăm sóc, thu hoạch cam và tìm kiếm thêm khách hàng mới. Qua đó đã kết nối được với chuỗi siêu thị Vinmart và thương lái tiêu thụ sản phẩm cam của HTX, giúp HTX có đầu ra ổn định”.

Tương tự, HTX sản xuất rau sạch và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Tân Đức, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) là một trong những mô hình tiêu biểu thực hiện sản xuất nông nghiệp thông minh và CĐS trong nông nghiệp bằng các giải pháp đồng bộ như: Nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, tem truy xuất nguồn gốc QR code. Ngoài ra, HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua các trang mạng xã hội, nên dù dịch Covid-19 tác động nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của HTX vẫn duy trì, phát triển ổn định.

Ông Đoàn Công Oánh, đại diện HTX, chia sẻ: “Tôi không ngại tiếp cận cái mới, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi mô hình sản xuất mà năng suất, chất lượng các loại cây trồng tăng lên; giúp  giảm công sức, chi phí đầu tư và tăng thu nhập. Áp dụng CĐS, tôi hy vọng sản phẩm có đầu ra tốt, tăng sức cạnh tranh trên thị trường với toàn bộ quy trình sản xuất đều thể hiện rõ ràng và dễ dàng truy xuất nguồn gốc”.

Dẫn dắt nông dân tham gia CĐS

Hiện nay, với vai trò cầu nối để người sản xuất nông nghiệp tiếp cận công nghệ hiện đại, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị cho người nông dân những kiến thức cần thiết về CĐS để tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, qua đó tự nguyện tham gia tiến trình CĐS với phương thức phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang, bà Nguyễn Thị Thúy cho biết: CĐS là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra với giá cao nhất. Để nông dân nâng cao năng lực CĐS, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet và thương mại điện tử cho cán bộ, hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp...

Có thể khẳng định, trong thời đại 4.0 hiện nay, việc ứng dụng CĐS trong sản xuất đang được người nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang sử dụng để giải bài toán năng suất, chất lượng và giá trị. Từ thực tế đó, việc đẩy mạnh tuyên nhằm dẫn dắt người nông dân tham gia tiến trình CĐS cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương nhằm góp phần thực hiện thành công chương trình CĐS toàn diện của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang xác định, CĐS là xu thế, nhu cầu tất yếu, để phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng công nghệ thông tin. Trên cơ sở kế hoạch và chương trình hợp tác, các sở, ngành phát động phong trào thi đua CĐS. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo CĐS của các sở, ngành và địa phương. Tham mưu tăng cường nhân lực công nghệ thông tin. Mỗi sở, ngành phải tiết kiệm chi phí để đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin của đơn vị mình. Đặc biệt, trên cơ sở nội dung CĐS, huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin. Triển khai các nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu và tạo lập hệ thống để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng số, chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn yêu cầu: Các sở, ngành, huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về CĐS đến các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp; tuyên truyền về các sự kiện kinh tế, văn hóa, du lịch, chính trị trên kênh truyền thông số; Nâng cao nhận thức và đồng hành với đoàn viên thanh niên trong phong trào thi đua CĐS; Thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực giao thông, du lịch, y tế, nông nghiệp... để thực hiện ba đột phá, năm nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.


Có thể bạn quan tâm

Để nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc Để nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc

Thực tế nhiều năm qua, nhất là những lúc khó khăn nhất của đất nước, vai trò của nông nghiệp càng được thể hiện rõ.

27/06/2022
Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị

Nông nghiệp đô thị là xu hướng mới, là ngành kinh tế tổng hợp của đô thị và vùng ven đô thị.

27/06/2022
Hai điểm sáng trong tiêu thụ nông sản chính vụ Hai điểm sáng trong tiêu thụ nông sản chính vụ

Nhiều sản phẩm trái cây đã, đang và sắp đến thời điểm thu hoạch. Sản lượng lớn hoa quả cùng thu hoạch, việc tiêu thụ sẽ gặp không ít khó khăn.

27/06/2022
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.