Nông dân đưa chè trời về vườn nhà
Loại chè trời này trước đây chỉ sử dụng trong đông y và những người dân quê dùng làm nước uống. Khoảng mười năm trở lại nay, “chè trời” đã thành đặc sản, vì vậy rất nhiều người đã lặn lội khắp các cánh rừng, bờ sông, cánh đồng để tìm hái “chè trời” đem bán. Một trong những nơi được người dân đi săn “chè trời” nhiều nhất là huyện Yên Thành, Nghệ An.
“Chè trời” đắt hàng
Bởi chè trời lên ngôi nên nhiều thương lái cũng nhanh nhạy kiếm bộn tiền từ thu gom để nhập cho các đại lý và các công ty dược. Chị Thanh Hiền - một thương lái ở Yên Thành cho biết: “Ngày trước tôi thu mua chè trời rồi đem ra Hà Nội nhập cho đại lý. Nhưng bây giờ tôi chỉ gom hàng rồi có các công ty dược đến mua rất thuận lợi. Mỗi tháng tôi cũng kiếm được vài chục triệu đồng”.
Anh Thành - người đi tiên phong trong nghề hái “chè trời” ở xã Kim Thành (Yên Thành, Nghệ An) tâm sự: Trước đây anh thường vô rừng hái nhân trần, chè vằng, lạc tiên đưa xuống chợ bán. Những thứ đó ở vùng rừng này nhiều lắm và bán rẻ như bèo. Thế nhưng, khoảng mấy năm trở lại đây, giá cả tăng vọt.
Nhân trần có những khi cao điểm lên đến 100.000 đồng/kg, chè vằng, lạc tiên 50.000 đồng/kg. Thời gian gần đây, các đại lý còn thu mua rau má với giá 100.000 đồng/kg; cà gai leo giá 150.000 đồng/kg phơi khô. Chính vì vậy nhiều người đã ồ ạt vào rừng để săn chè trời đem về bán.
Anh Thành cho biết, nghề này rất vất vả, tầm 3 giờ sáng là đùm cơm đạp xe hơn hai chục cây số lên rừng tìm kiếm, chiều tối mịt mới về. Nhưng bù lại, ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng, gấp cả chục lần làm ruộng.
Theo anh Thành, hiện nay cây được nhiều người săn lùng nhiều nhất vẫn là cà gai leo vì dược tính của nó chữa được nhiều bệnh và giải độc gan rất tốt. Không những nông dân săn tìm bán kiếm thêm thu nhập mà nhiều cán bộ, dân chúng cũng ráo riết săn tìm cà gai leo để làm nước uống nên giờ loài cây này rất khan hiếm. “Trước đây, cà gai leo nhiều vô kể nhưng nay thì cạn kiệt rồi, tui đi săn lùng 3 ngày trời nhưng cũng chỉ được gần 1kg để nhập cho đại lý” - anh Thành nói.
Không riêng gì ở huyện Yên Thành mà các huyện khác như Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn… số người đi săn chè trời cũng rất nhiều. Những cánh rừng , đồi núi, bờ sông… ngày nào cũng có những “đội quân chè trời” lùng sục.
“Chè trời” hiện nay đều có mặt khắp nơi từ nông thôn, đến thành thị. Nó đã trở thành thứ đặc sản rất được mọi tầng lớp dân chúng ưa chuộng vì nhiều thông tin cho rằng tốt cho cơ thể, có tác dụng chữa bệnh. Theo đông y: Rau má là loại rau có tác dụng sát trùng, giải độc, thanh nhiệt, lương huyết.
Ngoài ra, rau má cũng là loại dược liệu có tính bổ dưỡng rất cao, có nhiều sinh tố, khoáng chất, những chất chống ô xy hoá, có thể dùng để dưỡng âm, cải thiện trí nhớ, làm chậm sự lão hoá, cải thiện vi tuần hoàn và chữa nhiều chứng bệnh về da… Còn nhân trần được dùng để trị bệnh vàng da, bệnh gan mật, thông tiểu tiện; là một vị thuốc quý cho chị em phụ nữ sau khi sinh đẻ, giúp sản phụ ăn ngon, chóng hồi phục sức khoẻ.
Cà gai leo có tác dụng bảo vệ gan, giải độc gan rất tốt, được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và trên thế giới đánh giá cao. Chè vằng tính bình uống tiêu độc, giảm béo, cũng rất hợp với chị em phụ nữ sau khi sinh nở nhờ tính mát và lành...
Chè trời có tuyệt chủng?
Người dân Yên Thành vào rừng săn chè trời. Ảnh: T.D
Ngày nay chè vằng, nhân trần, rau má, cà gai leo đã được nhiều cơ sở sản xuất đóng thành những gói lọc nhỏ, đóng hộp rất tiện lợi cho người sử dụng. Nhờ đó chè trời có mặt khắp mọi miền tổ quốc và xuất khẩu ra cả nước ngoài. Dù các cơ sở đã dần hình thành vùng nguyên liệu nhưng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, do vậy vẫn phải thu mua nguồn nguyên liệu trong tự nhiên.
Từ nhu cầu nguyên liệu của các cơ sở sản xuất, người đổ xô đi hái chè trời ngày càng nhiều. Có một số nơi còn thu mua cả gốc rễ. Chính vì thế những loại cây này ngày một cạn kiệt. Trước tình hình đó, một số địa phương nhanh nhạy nắm bắt được quy luật cung cầu của thị trường đã đưa các loại cây này từ rừng về trồng thành những cánh đồng như xã Tiến Thành, Mã Thành (Yên Thành) trồng nhân trần.
Loài cây này chi phí đầu tư ít, 1ha thu lãi gấp hơn chục lần làm ruộng. Ở xóm 4, xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu (Nghệ An) có khoảng 60 hộ dân trồng cây cà gai leo với diện tích trên 1ha, thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Tuy nhiên, đầu ra không ổn định nên nhân trần và cà gai leo ở hai địa phương này cũng có lúc đứng trước nguy cơ rớt giá.
Ông Nguyễn Hữu Đại – Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: “ Đưa các loại cây chè trời về trồng nơi vùng đất khó là bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương. Thế nhưng, chúng tôi vẫn khó khăn về đầu ra. Nếu như được liên kết với các công ty dược, tạo đầu ra ổn định thì không những bảo tồn được những cây dược liệu quý này không bị tuyệt chủng mà còn là những loài cây chủ lực xoá đói giảm nghèo cho bà con nông dân”.
Có thể bạn quan tâm
Trong đợt hạn mặn kỷ lục vừa qua, hàng ngàn nông dân (ND) ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rơi vào cảnh trắng tay, vỡ nợ khi lúa, hoa màu, mía chết cháy, sản xuất thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
Hơn 100 học giả đoạt giải Nobel đã cùng ký bức thư ngỏ kêu gọi Tổ chức Greenpeace (Hoà bình xanh) thay đổi quan điểm phản đối thực phẩm biến đổi gen (BĐG).
Trong các ngày 1 và 2.7, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (BCH T.Ư Hội NDVN) Lại Xuân Môn và đoàn công tác đã thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Giang.