Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông dân điển hình tiên tiến chia sẻ trước giờ vinh danh

Nông dân điển hình tiên tiến chia sẻ trước giờ vinh danh
Ngày đăng: 05/09/2015

Ông Nguyễn Hữu Năm (xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, Bình Phước): Lần nào ra thủ đô cũng bồi hồi

Tôi đã từng nhiều lần ra thủ đô, nhưng chuyến đi lần này ra nhận biểu dương, giải thưởng “Nông dân điển hình tiên tiến” toàn quốc của Trung ương Hội ND Việt Nam lần thứ 4, tôi vẫn rất mừng và bồi hồi.

Với tôi, việc sáng chế, làm ra máy nông nghiệp được bà con tin dùng, đó mới là cái quan trọng, nhưng khi được Nhà nước quan tâm, biểu dương cũng thấy mình được động viên, nên cảm thấy mãn nguyện.

Hiện 2 loại máy thổi lá cao su để phòng cháy mùa khô và máy xịt thuốc trị bệnh cho cao su do tôi chế được ND áp dụng đạt hiệu quả cao. Song tôi chưa muốn nhận bằng sáng chế độc quyền của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) một phần là muốn kinh doanh, và không muốn giữ làm của riêng, nếu bà con ai cần thì tôi sẽ tận tình hướng dẫn, hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp tăng thu nhập. (Với diện tích 30ha, gia đình ông Năm thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động).

Ông Nguyễn Quốc Hùng (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang): Chúng tôi cảm thấy tự tin hơn 

Theo tôi, giải thưởng hay việc biểu dương các điển hình tiên tiến rất cần thiết, không chỉ giúp tôi mà còn giúp ND trong cả nước thấy tự hào và tự tin hơn trong quá trình làm ăn.

Nhiều người gọi tôi là “Vua lúa”, “Vua trang trại”, nhưng với tôi không nhất thiết cần cái danh đó, bởi gia đình tôi xuất phát từ thuần nông nghèo khó, cũng làm lúa thường như nhiều ND trong vùng. Từ năm 2005, tôi chuyển qua sản xuất lúa giống. Thấy có hiệu quả, tôi phát triển thêm 50ha nữa qua hợp đồng với các nhà nông giỏi.

Sau nhiều năm nhân giống lúa cung cấp cho ND trong tỉnh rồi mở rộng ra cả vùng ĐBSCL, tôi đăng ký thương hiệu giống lúa, lập doanh nghiệp, đầu tư dây chuyền sản xuất lúa giống từ gieo cấy, thu hoạch, bảo quản, mạng lưới phân phối với các loại máy móc, thiết bị hiện đại... Hiện tôi tiêu thụ bình quân 700-800 tấn lúa giống/năm, tổng doanh thu 4,5 tỷ đồng/năm.

Ông Bùi Văn Viên (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận):“Gửi gắm” 1.000 con cừu cho… bà xã

Lần này tôi ra Bắc rất thuận lợi, trong lòng cảm thấy rất phấn chấn. Tôi vui vì được Nhà nước quan tâm, chia sẻ với thành tích của bản thân, phấn khởi vì được gặp nhiều người, toàn ND giỏi. Đây là cơ hội để tôi học hỏi kinh nghiệm làm ăn…

Năm nay thời tiết Ninh Thuận quê tôi khắc nghiệt chưa từng thấy, việc nuôi cừu thì rất khó khăn vì không tìm đâu ra nước, ra cỏ cho đàn cừu hơn 1.000 con, khiến đàn cừu yếu lắm.

Đến giờ, tình hình đã dịu bớt. Tôi ra Bắc chuyến này để bà xã ở nhà điều hành, chăm lo cho đàn cừu, thấy an tâm hơn nhiều. Sau nhiều năm cố gắng, đến giờ, gia đình tôi đã có hơn 2ha mặt bằng làm muối, mỗi năm thu gần 750 tấn, có doanh thu trên 500 triệu đồng. Doanh thu từ muối và cừu mỗi năm cũng lên tới tới tiền tỷ. Ngoài ra, tôi còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục người, với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lâm Văn Giàng  (dân tộc Tày, xã Minh Đức, Hớn Quản, Bình Phước): Nản chí mới là thất bại

Về thủ đô nhận biểu dương, khen thưởng “Nông dân điển hình tiên tiến” toàn quốc của Hội lần này, tôi thấy rất vinh dự và tự hào. Đây là một sự ghi nhận cần thiết để giúp nông dân chúng tôi yên tâm làm việc, vươn lên trong gian khó.

Hiện tôi đang canh tác trên 54ha đất, trong đó có 18ha trồng điều và cà phê, còn lại là cao su. Ngoài ra, tôi còn có một trại nuôi heo hợp đồng với công ty cổ phần có quy mô 800 con và một cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Công việc quản lý 25 lao động của tôi cũng tương đối nhẹ nhàng. Có được cơ ngơi tiền tỷ ngày hôm nay, tôi cho rằng không phải chỉ gặp may mắn.

Tôi đã gặp thất bại rất nhiều, nhưng không nản chí vì nản chí mới thực sự là thất bại. Những lúc đó, tôi lại càng cố gắng hoàn thiện mình, không bằng lòng với hiện tại. Nếu trước kia tôi làm nhiều hơn nghĩ, thì bây giờ tôi đã có nhiều thời gian để chiêm nghiệm cuộc sống. Tôi mong có thể làm được nhiều việc hơn để đóng góp cho xã hội.

Bà Hoàng Thị Loan - Chủ tịch Hội ND xã Phù Hóa (Quảng Trạch, Quảng Bình): Bất ngờ khi được nhận vinh dự

Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương điển hình tiên tiến Hội ND toàn quốc, đây là vinh dự lớn lao, là dấu ấn quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi không biết phải diễn tả hết những cảm xúc của mình như thế nào khi được hòa cùng không khí đại hội.

Trong suốt thời gian qua tôi đã có gắng hết sức, tham gia tích cực để thúc đẩy phong trào Hội ND sôi nổi hơn, vững chắc hơn nhằm đưa lại quyền lợi thiết thực cho người ND. Tôi rất bất ngờ khi biết tin mình là một trong những đại biểu của tỉnh tham gia đại hội, và những nỗ lực của mình đã được cân nhắc và ghi nhận.

Tôi rất cảm ơn sự ghi nhận của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là Trung ương Hội ND Việt Nam, Hội ND tỉnh Quảng Bình cho những nỗ lực của tôi trong thời gian qua. Tôi sẽ lắng nghe và ghi nhớ một cách cẩn thận các tham luận của các đại biểu để học hỏi kinh nghiệm, phục vụ tốt hơn cho công tác hội của mình.

Ông Lê Đình Loan - Chủ tịch Hội ND xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương, Nghệ An): Quà về nhà là những câu chuyện làm giàu

Về dự đại hội lần này, tôi cảm thấy rất vinh dự, vì mình là một trong số những cán bộ cán bộ cơ sở hội của tỉnh Nghệ An được tham dự ngày hội lớn, được biểu dương là điển hình tiên tiến của Hội ND toàn quốc. Trong chặng đường 5 năm qua tôi đã rất nỗ lực tham gia xây dựng nông thôn mới, là một trong những người góp phần làm thay đổi bộ mặt xã Thanh Lĩnh.

Xã của chúng tôi hiện nay rất khang trang sạch đẹp, đường đi lối lại được xây mới, nhiều trường học được sửa chữa, xây mới, con em ở xã của tôi ai cũng vui mừng phấn khởi. Về cá nhân tôi, bên cạnh vinh dự được giới thiệu là cán bộ tiêu biểu của Hội, tôi còn là hội viên ND sản xuất kinh doanh giỏi, kinh tế gia đình tôi hiện nay đã vững vàng.

Về dự đại hội lần này có rất nhiều gương ND điển hình làm ăn giỏi của cả nước. Tôi rất mong sẽ có dịp tìm hiểu để kể lại những câu chuyện làm giàu của họ cho bà con xã Thanh Lĩnh cùng học hỏi.


Có thể bạn quan tâm

Ngư Dân Nhơn Lý (Bình Định) Trúng Đậm Cá Nục Gai, Cá Giò Ngư Dân Nhơn Lý (Bình Định) Trúng Đậm Cá Nục Gai, Cá Giò

Từ ngày 26.5 đến nay, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn - Bình Định) hành nghề mành trủ trúng đậm cá nục gai, cá giò; có thuyền trúng lớn đến 26 tấn cá. Giá cá nục gai ngày đầu 90 ngàn đồng/két (1 két 12 kg), cá giò 50 ngàn đồng/két, do sản lượng đánh bắt nhiều hiện giá cá nục gai giảm còn 70 - 75 ngàn đồng/két và 40 - 45 ngàn đồng/két cá giò.

02/06/2014
Sản Phẩm Cá Tra Đã Có Mặt Ở 142 Quốc Gia Và Vùng Lãnh Thổ Sản Phẩm Cá Tra Đã Có Mặt Ở 142 Quốc Gia Và Vùng Lãnh Thổ

Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, hiện sản phẩm cá tra đã có mặt ở 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 90% thị phần thế giới.

02/06/2014
Xã An Phú (TP Tuy Hòa - Phú Yên) Ổn Định Cuộc Sống Nhờ Nuôi Bò Lai Xã An Phú (TP Tuy Hòa - Phú Yên) Ổn Định Cuộc Sống Nhờ Nuôi Bò Lai

Nhờ nuôi cho lãi cao, ít dịch bệnh nên nhiều người dân ở xã An Phú (TP Tuy Hòa - Phú Yên) tập trung đầu tư phát triển đàn bò lai, góp phần ổn định cuộc sống.

02/06/2014
Thanh Hóa Xóa Đói, Giảm Nghèo Nhờ Trồng Ớt Thanh Hóa Xóa Đói, Giảm Nghèo Nhờ Trồng Ớt

Vài năm trở lại đây, cây ớt xuất khẩu đã trở thành một trong những cây trồng hàng hóa có hiệu quả kinh tế thuộc loại cao nhất trên các xứ đồng trong tỉnh Thanh Hóa. Nhiều địa phương đã liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để ký hợp đồng trồng ớt cho các doanh nghiệp. Nông dân cũng có lãi cao và đem lại thành công trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

02/06/2014
Nông Dân “Vàng Mắt” Trước Mùa Thu Hoạch Cao Su Nông Dân “Vàng Mắt” Trước Mùa Thu Hoạch Cao Su

Mùa thu hoạch cao su đã đến nhưng hầu hết các hộ dân vẫn băn khoăn có nên tái đầu tư để mở miệng cạo hay không. Giá mủ hiện đã xuống thấp nhất trong gần 10 năm qua, dao động từ 280 đến 330 đồng/độ.

02/06/2014