Nông dân Bình Thuận sử dụng công nghệ mới ánh sáng đỏ kích thích thanh long ra hoa trái vụ
Tỉnh Bình Thuận với đặc thù nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiều nắng, nhiều gió và khô hạn nhất cả nước lại là tỉnh nổi tiếng của thủ phủ của trái thanh long. Việc trung đầu tư hệ thống cấp điện nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất thanh long Bình Thuận trái vụ cho người dân luôn được Công ty Điện lực Bình Thuận quan tâm. Trong đó, tìm ra những giải pháp tiết kiệm điện năng giúp các hộ trồng thanh long chủ động sản xuất khi vào mùa chong đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ, giảm chi phí tiền điện, tăng lợi nhuận, đồng thời, giảm được sự tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên, góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường...
Vườn thanh long chong đèn trái vụ bằng bóng compact ánh sáng đỏ 15 W
Những năm qua (riêng năm 2014 – 2016), Công ty Điện lực Bình Thuận đã triển khai chương trình hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn tròn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện, sự kết hợp giữa công tác quảng bá ứng dụng công nghệ khoa học trong chiếu sáng thanh long ra hoa trái vụ với đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả của Công ty Điện lực Bình Thuận đã được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Kết quả đến nay, trên toàn tỉnh Bình Thuận sử dụng 13,5 triệu đèn tiết kiệm điện chong thanh long, người dân đã tiết kiệm được khoảng 448 tỷ đồng tiền điện mỗi năm. Đối với ngành điện cắt giảm được công suất đỉnh 540MW, tiết kiệm chi phí đầu tư nguồn và lưới điện cấp điện áp từ 110 kV đến 22 kV khoảng 1.620 tỷ đồng. Đối với xã hội đã tiết kiệm tài nguyên và ngân quỹ Quốc gia, ổn định nguồn cung cấp điện để phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường nhờ giảm khoảng 126.781 tấn khí CO2/năm.
Công tác tuyên truyền tiết kiệm điện trong chong đèn thanh long đã mang lại hiệu quả rõ rệt, các hộ dân sử dụng đèn tiết kiệm điện đạt hiệu quả sản xuất tương đương với khi sử dụng bóng đèn sợi đốt nhưng chi phí tiền điện giảm khoảng 2/3 giá trị. Hệ thống điện đảm bảo chong đèn toàn bộ diện tích thanh long, người dân chủ động được kế hoạch chong đèn; mang lại giá trị kinh tế cao hơn, ngành điện cũng giảm bớt áp lực đầu tư nâng cấp nguồn và lưới điện, giảm sự cố, vận hành an toàn, ổn định cung cấp điện cho tất cả phụ tải khách hàng.
Nhằm tiếp tục phát huy những nguyên cứu ứng dụng công nghệ khoa học phục vụ chiếu sáng thanh long ra hoa trái vụ, một số nhà sản xuất bóng đèn có uy tín trên thị trường đã cho ra đời bóng đèn Compact ánh sáng đỏ chuyên dụng và quy trình lắp đặt, sử dụng cho cây thanh long ra hoa trái vụ. Qua đó, tăng cường các phương pháp kỹ thuật tiết kiệm điện cho thanh long giúp nông dân nâng cao giá trị trái thanh long nói riêng và phát triển nền nông nghiệp nói chung của tỉnh bền vững.
Được biết, việc ứng dụng đèn Compact ánh sáng đỏ chuyên dụng cho cây thanh long ra hoa trái vụ tại Bình Thuận được Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận tiến bộ kỹ thuật đối với sản phẩm đèn huỳnh quang compact chuyên dụng và quy trình lắp đặt, sử dụng trong điều khiển ra hoa cho cây thanh long cuối năm 2017.
Ông Trần Thanh Vân hộ nông dân (Xã Hàm Đức - Hàm Thuận Bắc –Bình Thuận) cho biết, trong quá trình sử dụng, ông Vân đã thu kết quả từ bóng compact ánh sáng đỏ 15 W với lượng hoa ra nhiều 25 – 30% so với đèn Compact ánh sáng vàng 20W, từ đó ông Vân chỉ sử dụng bóng ánh sáng đỏ để chong đèn trái vụ.
Hiện nay, Toàn tỉnh có hơn 27 ngàn ha thanh long với hơn 10 ngàn hộ nông dân tham gia trồng trọt, sản xuất đã tạo thêm việc làm cho hàng vạn hộ dân trong khu vực, đưa cây thanh long thành cây nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế tỉnh nhà. Với những tính năng vượt trội, mô hình chiếu sáng bằng đèn compact ánh sáng đỏ trên cây thanh long không chỉ giải quyết bài toán khó về thiếu hụt nguồn điện cho thanh long mùa cao điểm mà còn giúp người nông dân tiết kiệm sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì vậy, việc tuyên truyền sử dụng điện an toàn tiết kiệm, đẩy mạnh quảng bá ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chong đèn thanh long trái vụ luôn là nhiệm vụ, mục tiêu hàng đầu trong công cuộc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Công ty Điện lực Bình Thuận.
Có thể bạn quan tâm
Sau gần 5 năm nỗ lực phấn đấu, anh đã trở thành ông chủ của một trang trại quy mô với thu nhập lên tới trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên: Rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh đen lép hạt... hại cục bộ trên lúa
Mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt mang lại hiệu quả và mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho nông dân trên địa bàn