Nông dân Bangladesh làm giàu từ nuôi cá trong bể lọc tuần hoàn
Nuôi cá trong bể giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và đất nông nghiệp, tăng năng suất gấp hàng chục lần so với nuôi trong ao ngoài trời.
Trong ảnh: Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Bangladesh.
Phải mất khoảng 7 tháng thì một trang trại có kích thước bằng một sân bóng đá mới có thể nuôi lớn 2 tấn cá da trơn. Làm thế nào để có được sản lượng tương tự nhưng rút ngắn chỉ còn nửa thời gian nuôi trong diện tích chỉ bằng khu vực vòng cấm địa của sân bóng. Một nông dân nuôi cá ở Bangladesh đã chứng minh có thể hiện thực hóa điều này bằng cách sử dụng hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS).
RAS bao gồm nhiều bể nuôi gắn những bộ lọc nước để giữ môi trường sống thích hợp cho cá quanh năm. Chất lượng nước được đảm bảo nhờ cơ chế xử lý cơ học loại bỏ các tạp chất, đồng thời cơ chế sinh học chuyển đổi các hóa chất độc hại trở thành chất có ích.
Vào năm ngoái ông Shamsul Alam - chủ trang trại Agro3 Fishery, đã bắt đầu nuôi cá trong nhà bằng việc xây dựng 8 bể cá tuần hoàn ở vùng Mymensingh. Mới đây ông đã đưa ra thị trường thành công đơn hàng đầu tiên 500kg cá trèn. 200kg cá khác đang được vận chuyển đến các chợ đầu mối và một lượng lớn cá chốt sẽ bán trong tháng tới.
"Chi phí sản xuất cho 1kg cá bằng hệ thống bể RAS tính ra rẻ hơn 3 lần so với cách nuôi thông thường, tạo lợi nhuận cao", ông Shamsul Alam chia sẻ.
Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Bangladesh (BCSIR), cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của quốc gia, đã đến trang trại Agro3 Fishery để tìm hiểu và tiến hành lắp đặt RAS ngay tại cơ quan thử nghiệm thực tế.
"Mô hình này rất sáng tạo và đầy hứa hẹn. Chúng tôi đã gắn các bể nuôi cá trong nhà để nghiên cứu và giới thiệu đến những người quan tâm. Khi doanh nghiệp bắt đầu chú ý đến RAS sẽ tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực nuôi cá ở Bangladesh", ông Rezaul Karim - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Đổi mới tại BCSIR nói.
BCSIR đang vận hành 11 bể cá với sản lượng tối đa 15 tấn, sử dụng 33.000 lít nước tái sử dụng để nuôi các loại cá rô phi, cá da trơn và cá trèn. Sau thời gian nuôi thử nghiệm thành công, BCSIR đã bán cho siêu thị bán buôn Shwapno 100kg cá rô phi. sắp tới Hội đồng sẽ đẩy mạnh quảng bá hệ thống RAS để khuyến khích mô hình nuôi cá trong nhà trên toàn quốc.
"Đã có khoảng 23 doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan tâm đến công nghệ RAS, liên hệ với chúng tôi để tìm hiểu những máy móc cần thiết và các chi phí để xây dựng hệ thống hoàn chỉnh", ông Rezaul Karim - nhà nghiên cứu tại BCSIR cho biết.
Mẻ cá rô phi do Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Bangladesh nuôi trong bể nuôi trồng thủy sản tuần hoàn vừa được bán cho siêu thị.
Hệ thống RAS giải quyết tốt vấn đề hạn chế diện tích nuôi trồng thủy sản ở Bangladesh, đồng thời tăng sản lượng lên đáng kể. Đầu tư cho một trang trại nhỏ gồm 6-8 bể cá, thiết bị lọc nước tuần hoàn và hệ thống làm giàu ôxi, hệ thống thông khí và một máy phát điện dự phòng.
Ưu điểm của RAS là có thể nuôi cá với mật độ rất cao. So với mức 1-2kg cho mỗi mét khối nước trong ao hồ ngoài trời, cá nuôi trong bể RAS có thể đạt mật độ 20-60kg một mét khối nước, tùy thuộc vào loài cá chọn nuôi. Ví dụ như tại trang trại Agro3, cứ mỗi mét khối nước trong bể ông Shamsul nuôi được 35kg cá trèn, 60kg cá trê lai và lên đến 80kg cá basa. Đồng thời số lượng nhân công cũng giảm đáng kể so với những trang trại lớn.
Giáo sư Wahida Haque thuộc Đại học Dhaka đánh giá bể nuôi tuần hoàn là một cách tốt để làm tăng năng suất một số loài cá nuôi, tuy nhiên nó không thích hợp cho tất cả các loại. Chưa kể chi phí đầu tư ban đầu không hề rẻ nên để phổ biến mô hình này đến mọi người nông dân cần nhiều nguồn hỗ trợ. Vấn đề là các chuyên gia cần nghiên cứu để giảm thiểu chi phí, tối ưu hóa với nguồn lực hiện tại của người dân.
Với sản lượng hàng năm gần 1,8 triệu tấn cá nuôi, Bangladesh là nước đứng thứ 5 thế giới về nuôi trồng thủy sản nội địa, sau Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam, theo số liệu công bố từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này, diêm dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang rất phấn khởi với vụ muối đầu năm. Giá muối hiện được diêm dân xuất bán tại chỗ với mức 600 đồng/kg
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, vụ nuôi tôm năm 2017 mới bắt đầu được hơn 2 tháng nhưng hàng nghìn hộ nuôi bị thiệt hại hơn 100 triệu
Được biết, giá cá tra nguyên liệu hiện dao động từ 22.000 - 23.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm trước.