Nỗi niềm làng nghề nước mắm ngày Tết
Năm năm về trước, ngay khi vừa qua khỏi cầu Đức Lợi, một mùi thơm đặc trưng của hương vị mắm truyền thống đã quyến rũ người đi đường.
Giờ về làng, len lỏi khắp xóm chúng tôi mới tìm được số ít cơ sở sản xuất nước mắm còn hoạt động.
Đến thăm gia đình anh Trần Văn Nhân- Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Đức Lợi, trong sân của anh, hàng chục can mắm xếp hàng, nhộn nhịp cảnh mua bán.
Anh Nhân ngậm ngùi: “Thấy thế mà chỉ có tháng Tết mới hoạt động, chứ ngày thường sản phẩm làm ra bán không chạy.
Có khi can treo giàn bếp”.
Những ngày gần Tết là những ngày vui nhất trong năm của những người yêu cái nghề gắn với vị mặn mòi của biển.
Bởi không khí làng nghề mới được như xưa, con đường vào làng cũng tấp nập hơn hẳn.
Người dân ở các vùng phụ cận về đây để trực tiếp thu mua, nhiều người còn mua nước mắm làm quà biếu cho bà con phương xa.
Nước mắm thủ công được ủ chượp trong các thùng gỗ lớn.
Làng nghề nước mắm Đức Lợi nổi danh cả nước, với hơn 350 hộ theo nghề.
Làng nghề đã tận dụng nguồn cá cơm dồi dào từ biển, một ký cá được trộn đều với một ký muối, rồi cho vào thùng gỗ lớn ủ chượp suốt 12 tháng trời ròng rã để làm nên loại nước mắm thơm lừng, được rút đợt đầu gọi là nước cốt.
Phần cốt còn lại được cho nước bổi vào, thêm muối lên men tiếp rồi rút tiếp nước hai.
Cứ 100kg cá sẽ cho ra 45kg nước cốt.
Nước mắm thủ công để càng lâu càng ngon.
Thời hoàng kim, thị trường đầu ra của nước mắm Đức Lợi khắp nơi trong và ngoài tỉnh, từ đồng bằng đến trung du, từ miền xuôi đến miền ngược.
Cứ sáng sớm, kẻ xe máy, người xe đạp xe đạp kệ nệ chở cả trăm lít nước mắm hành trình vài chục kilômét để bán nước mắm đến tận nhà.
Gia đình anh Nhân làm nghề chế biến nước mắm cha truyền con nối.
Mỗi năm trung bình gia đình anh chế biến đến vài chục nghìn lít nước mắm bằng phương pháp truyền thống.
Đó là chuyện của mấy năm về trước.
Câu chuyện của anh Nhân khiến chúng tôi cảm giác thật buồn.
Cả năm ủ chượp mới cho ra những giọt nước mắm thơm lừng.
Nước mắm truyền thống Đức Lợi thơm ngon, vị ngọt đậm đà, mặn mà, giữ được nguyên chất nhưng ba năm trở lại đây không thể cạnh tranh với các loại nước mắm công nghiệp với mẫu mã, nhãn mác phong phú và giá thành rẻ.
Mặc dù đã được công nhận làng nghề, thương hiệu nhưng đối mặt với nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng, nước mắm Đức Lợi vẫn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Hơn 30 năm chuyên nghề chế biến nước mắm, lúc thị trường nước mắm chưa có sự cạnh tranh như bây giờ thì mỗi năm cơ sở Hồng Út muối được vài chục tấn cá, còn bây giờ chỉ sản xuất cầm chừng.
Bà Bùi Thị Nga, chủ cơ sở cho biết, mùa tết năm nay, cơ sở xuất ra thị trường 12.000 chai nước mắm các loại, tăng hơn 2.000 chai so với năm ngoái, chủ yếu là theo đơn đặt hàng, nhưng bấy nhiêu chẳng là bao với thời kỳ hưng thịnh.
Đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp dần.
Mặc dù hiện nay mỗi tháng gia đình chị Nga không thu lãi từ nghề này bao nhiêu, nhưng cái nghiệp đeo đuổi khiến chị không dứt bỏ, cũng chưa bao giờ có ý định sản xuất nước mắm theo công nghiệp.
Đó là nguồn sống cũng là đam mê của mỗi người con Đức Lợi.
“Dù ít hay nhiều, nhưng chất lượng, an toàn thực phẩm, uy tín vẫn được đặt lên hàng đầu.
Mắm làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào”- chị Nga nói.
Để khẳng định thương hiệu cho sản phẩm nước mắm truyền thống, duy trì các sản phẩm làng nghề, người làng nghề cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực trong khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ vay vốn để phát huy truyền thống của làng nghề, tăng thu nhập cho bà con cũng là góp phấn giữ gìn nét văn hóa dân tộc.
Có thể bạn quan tâm
Trận rét lịch sử đã khiến gần 200 trâu, bò bị chết, cùng hàng trăm ha rau, hoa thiệt hại nặng đẩy nông dân huyện Sa Pa (Lào Cai) rơi vào cảnh điêu đứng.
Hiện nay, nông dân các xã ven sông La Ngà, thuộc huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận bắt đầu thu hoạch vụ dưa hấu tết. Mặc dù được mùa, nhưng giá dưa hấu quá rẻ, thậm chí không có người mua, đang khiến nhiều nông dân lao đao.
Nhiều người cho rằng, anh Huỳnh Thanh Tâm "tính chuyện không đâu" khi quyết định đầu tư nghiên cứu in chữ chìm nghệ thuật lên trái dừa tươi. Thế nhưng, những ý tưởng được cho là “không thể nào làm được” đó đã trở thành hiện thực.