Nỗi lo tôm giống
Con giống tốt hay xấu là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với thành công hay thất bại của nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm nước lợ. Làm thế nào để chất lượng tôm giống không còn là nỗi lo trước mỗi vụ mùa sản xuất của người nuôi rất cần được quan tâm.
Trại sản xuất tôm giống của Công ty TNHH Giống thủy sản Minh Phú - Ninh Thuận Ảnh: CTV
Đầu tư sản xuất giống
Là một tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn khu vực ĐBSCL, đến nay, tình hình nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng vẫn rất khả quan, với tỷ lệ hộ nuôi có lãi đạt cao và số diện tích thiệt hại chỉ mới khoảng 15%. Tuy nhiên, điều làm cho người nuôi tôm và ngành chức năng chưa yên tâm là tình trạng tôm giống trôi nổi, kém chất lượng vẫn còn len lỏi đến với một số mô hình nuôi.
Mỗi năm, Sóc Trăng cần khoảng 10 - 20 tỷ con tôm giống, nhưng hiện vẫn phải nhập hoàn toàn từ các tỉnh miền Trung. Nhận định về chất lượng tôm giống năm nay, ông Đào Văn Bảy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cho biết, qua kiểm tra lượng tôm nhập vào tỉnh từ đầu năm đến nay, 100% mẫu tôm giống do các nhà cung cấp có tên tuổi, uy tín đều có kết quả xét nghiệm các loại bệnh theo quy định và bảo đảm về mặt chất lượng.
Ở ĐBSCL, Bạc Liêu được đánh giá là một trong các tỉnh có tiềm năng phát triển mạnh về nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản, trong đó tôm nước lợ được xác định là đối tượng nuôi chủ lực. Từ những cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ ban đầu, đến nay Bạc Liêu đã hình thành được các khu sản xuất tôm giống tập trung với quy mô và năng lực sản xuất tương đối lớn. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 188 cơ sở sản xuất tôm giống, trong đó có 8 công ty, doanh nghiệp sản xuất giống có quy mô lớn, uy tín và thương hiệu trên toàn quốc gồm: Công ty CP Việt Úc - Bạc Liêu, Công ty TNHH Tôm giống Dương Hùng, DNTN Tôm giống Kim Sa, Công ty Tôm giống Số 1 và 108 cơ sở ương dưỡng tôm giống; công suất thiết kế sản xuất khoảng hơn 35 tỷ post/năm đủ để cung cấp cho người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh.
Câu chuyện chất lượng
Hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cả tháng vừa qua “mất ăn mất ngủ” vì nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng càng nuôi càng còi cọc. Theo phản ánh của các hộ nuôi, tôm bị còi cọc, chậm lớn, bình quân sau 80 ngày tôm chỉ đạt 150 - 200 con/kg, ước tổng thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng; sản lượng giảm 40% so những năm trước; nguyên nhân là do chất lượng con giống. Ông Nguyễn Văn Mại, xã Hộ Độ chia sẻ, vụ xuân hè 2017 ông thả nuôi 12 ha tôm giống của các Công ty là Thông Thuận, Nam Miền Trung và Hồ Trung. Quá trình nuôi, tôm giống của Nam Miền Trung phát triển rất tốt, tôm giống của Hồ Trung thì bị bệnh phân trắng phải bán non, còn giống của Công ty Thông Thuận không bị bệnh, không chết nhưng lại không phát triển. Ông nuôi đến 80 ngày mà chỉ 200 con/kg, trong khi, những năm trước nuôi 75 ngày, 80 con/kg; ước thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Chất lượng con giống kém phần nào là do các cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ không đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất không đảm bảo. Theo Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, cơ sở ương, dưỡng giống thủy sản bắt buộc phải có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp nuôi trồng thủy sản trở lên hoặc có giấy chứng nhận/chứng chỉ được đào tạo về nuôi trồng thủy sản do cơ quan có chức năng cấp. Tuy nhiên, ghi nhận tại Quảng Nam, toàn tỉnh có 52 cơ sở kinh doanh tôm giống nhưng hầu hết không hội đủ điều kiện này. Cùng đó, việc các chủ cơ sở ương, dưỡng tôm giống bắt buộc phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống thủy sản và đảm bảo chất lượng giống thủy sản đã công bố; thực hiện ghi nhãn giống thủy sản khi lưu thông… hầu hết đều không thực hiện. Đại diện phía doanh nghiệp cho rằng, các cơ sở sản xuất tôm giống hiện còn gặp nhiều hạn chế, đó là nguồn tôm bố mẹ khai thác ngoài tự nhiên và nhập khẩu, tuy đã có một đơn vị gia hóa nhưng nguồn tôm bố mẹ vẫn là nhập khẩu nên vẫn phụ thuộc về chất lượng. Tiếp đó, hạ tầng cơ sở kỹ thuật đa phần còn yếu kém, chưa được trang bị đồng bộ, khả năng tiếp thu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống còn hạn chế.
Cũng theo Thông tư 26, tôm giống xuất tỉnh mới bắt buộc kiểm dịch, các chủ cơ sở sản xuất tôm giống không nhất thiết phải kiểm tra chất lượng con giống trước khi tiêu thụ nội địa; điều này phần nào ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của người dân. Mặt khác, các lô tôm giống đều có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng việc kiểm tra đánh giá thực sự chất lượng con giống, nguồn gốc con giống thì chưa ai khẳng định được.
Liên quan đến tình trạng con giống trôi nổi, ông Mã Thanh Hồng, Giám đốc HTX Nông ngư Hòa Đê (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), dẫn chứng: “Hồi đầu vụ, cũng có một số người xuống chào hàng con giống chỉ bằng 2/3 giá giống trên thị trường lại còn khuyến mãi mua 1 tặng 1 và bảo đảm sẽ hoàn tiền nếu tôm thiệt hại trong vòng 1 tháng. Một số người ham rẻ mua về nuôi chỉ hơn nửa tháng thì chết sạch và cũng không được bồi thường đồng nào như cam kết vì không thể liên lạc được với người bán”.
Về tình trạng tôm giống trôi nổi, ông Bảy thừa nhận: “Tình trạng tôm giống trôi nổi hầu như năm nào cũng có, nhất là vào những thời điểm thị trường khan hiếm tôm giống chất lượng. Nguồn giống này chủ yếu được bán trực tiếp cho những hộ nuôi nhỏ lẻ theo mô hình quảng canh cải tiến hay tôm - lúa, chứ ít khi qua các cơ sở ương dèo tại địa phương, nên việc kiểm soát là rất khó khăn.
Giải pháp nào
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, để tiếp tục giữ được niềm tin và thương hiệu cho tôm giống Bạc Liêu trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát bổ sung quy hoạch, đầu tư kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh cho các khu sản xuất tôm giống tập trung trên địa bàn tỉnh và sẽ chỉ đạo các ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra để hạn chế thấp nhất tình trạng tôm kém chất lượng được bán tràn lan trên thị trường. Địa phương sẽ lựa chọn ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ post đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.
Để có được tôm giống chất lượng, theo các chuyên gia, trước hết phải là từ các cơ sở sản xuất giống, đến việc kiểm soát hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm và cả ý thức của người nuôi. Với các trại sản xuất tôm giống cần đáp ứng 5 yếu tố: Nguồn tôm bố mẹ tốt, đảm bảo khả năng sản xuất giống tốt; Trại giống đảm bảo điều kiện an toàn về mặt sinh học; Nguồn nước phục vụ sản xuất tôm giống phải đảm bảo và được xử lý kỹ không để ô nhiễm; Thức ăn cho tôm giống có chất lượng cao; Sử dụng các vi sinh, enzyem, không dùng kháng sinh, hóa chất trong quá trình sản xuất tôm giống.
Liên kết để có nguồn con giống đảm bảo cũng là giải pháp được một số địa phương áp dụng, như tại Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng). Ông Ngô Công Luận, Phó Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ, nhờ mạng lưới hội viên trải đều khắp 4 huyện, thị nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, nên Hiệp hội có điều kiện phối hợp cùng ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền và ngăn chặn tình trạng bán con giống trôi nổi.
Theo TS Nguyễn Tấn Sỹ, Viện Nuôi trồng thủy sản, ĐH Nha Trang, trong hoàn cảnh Việt Nam chưa chủ động được về giống, để đảm bảo nguồn giống chất lượng cao cho người nuôi, cần có chính sách chấn chỉnh tình trạng lưu hành, sử dụng tôm bố mẹ, tôm giống không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm nghiệm, khảo nghiệm; ngoài ra, cần có cơ chế truy xuất nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu để ngăn chặn sản phẩm chất lượng kém, nguồn tôm bố mẹ và tôm giống nhập lậu.
>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Để nâng tầm được tôm Việt thì cần phải nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo giá trị tăng liên tục bằng cách tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực cho ngành tôm. Trong đó, một trong những khâu then chốt để tăng chất cho ngành tôm, đó chính là nguồn giống.
Có thể bạn quan tâm
Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia đã đưa ra một giải thích sâu hơn về lý do tại sao cá dự kiến giảm kích thước.
Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản Cái Bát đã liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản
Dù không phải là nước nuôi tôm lớn trên thế giới, nhưng Nhật Bản vẫn luôn được coi là khởi đầu cho sự phát triển ngành tôm với nhiều kỹ thuật công nghệ nuôi tôm