Nói không với thuốc bảo vệ thực vật
Cánh đồng lớn hàng trăm hécta tại huyện An Phú (An Giang) hơn 20 năm không sử dụng thuốc trừ rầy nâu và sâu cuốn lá đã giảm chi phí đầu tư, năng suất ổn định...
Cánh đồng lúa sạch của huyện An Phú
Người tiên phong đi đầu trong phương thức sản xuất này là ông Nguyễn Tự Lực ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc canh tác 7ha lúa. Ông Lực đã tham giá các lớp tập huấn phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, giảm lượng giống phân bón, thuốc BVTV. "Xuống giống đồng loạt né rầy, không sử dụng thuốc BVTV sẽ hạn chế việc tiêu diệt thiên địch, cân bằng sinh thái", ông Lực chia sẻ.
Trong suốt quá trình thực hiện hướng dẫn mô hình, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện An Phú thường xuyên thăm đồng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trừ rầy nâu bằng phương thức sinh học. Ông Nguyễn Văn Ú ở ấp Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Hậu chia sẻ, với tổng diện tích canh tác áp dụng mô hình hơn 5ha, sản xuất 2 vụ, mỗi vụ có thể lợi nhuận từ 10 - 15 triệu đồng/ha, cao hơn 20 - 25% so với sản xuất truyền thống.
Các giống chủ lực được nông dân trồng là IR 50404, OM 5451 cho năng suất từ 6,5 - 7 tấn/ha, giá bán từ 5.100 - 5.400 đồng/kg sau khi trừ chi phí mỗi công nông dân thu lợi nhuận hơn 1,5 - 2 triệu đồng.
Ông Bùi Thanh Tùng ở ấp Vĩnh Thới, xã Vĩnh Hậu đã áp dụng với toàn diện tích hơn 3,5ha. Qua sản xuất qua 2 vụ ông đã thấy rõ rệt hiệu quả canh tác không dùng thuốc BVTV. Ban đầu xuống giống 20kg/công giờ giảm xuống 12 - 13kg/công...
Hiện toàn huyện An Phú có hơn 300 hộ nông dân tham gia mô hình trên với tổng diện tích hơn 400ha. Để hoàn thành và nhân rộng mô hình hiệu quả này, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tập huấn, hội thảo và hướng dẫn nông dân quy trình canh tác “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, công nghệ sinh thái.
Ông Lực (trái) bên cánh đồng không sử dụng thuốc BVTV vẫn đảm bảo năng suất
Ông Nguyễn Văn Khang, cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt và BVTV huyện cho biết thêm, trạm luôn tích cực hỗ trợ nông dân sản xuất, điều tiết thời vụ và kiểm tra mức độ dịch hại trên ruộng. Nông dân là sử dụng sử dụng thiên địch có sẵn trên ruộng để phòng trừ bằng cánh không phun thuốc trừ sâu, rầy và đồng thời cũng bảo vệ được thiên địch có ích. Thiên địch khống chế được dịch hại như sâu cuốn lá, rầy nâu, bọ chỉ, nhện gié…rất hiệu quả.
Ông Phạm Thành Tâm, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện An Phú cho biết, hiện có nhiều Cty đến đặt hàng nông dân làm lúa sạch. Dự kiến năm tới mô hình sẽ tăng lên 800ha và xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa sạch An Phú, ký kết đầu tư để nâng cao giá trị sản phẩm.
“Hiệu quả của mô hình mang lại không chỉ ở mức độ giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận mà còn mang ý nghĩa to lớn trong việc giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người nông dân trực tiếp sản xuất, cung ứng sản phẩm sạch tới người tiêu dùng”, ông Tâm chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
XK gạo nếp tăng mạnh, giá lúa nếp ở ĐBSCL lên cao. Bởi vậy, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân nhiều địa phương vẫn đua nhau mở rộng diện tích
Quả gấc giàu dưỡng chất tốt cho sức khỏe, được khai thác làm thuốc, dầu uống bổ mắt, nước uống thảo dược
Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn hại tăng và khả năng hại nặng tại Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh...