No đủ nhờ trồng sả Java lấy tinh dầu
Hơn 1 năm qua, Hợp tác xã tinh dầu dược liệu huyện Mường La (tỉnh Sơn La) liên kết với nông dân xã Pi Toong, thực hiện trồng cây sả Java trên đất dốc bạc màu để lấy tinh dầu. Hiệu quả kinh tế được đánh giá cao gấp nhiều lần so với trồng cây ngô, cây sắn.
Công đoạn nấu tinh dầu sả tại xã Pi Toong.
Thu nhập tăng 2 – 3 lần
Nhận thấy triển vọng từ trồng sả, tháng 8/2018, HTX tinh dầu, dược liệu Mường La được thành lập với 15 hộ xã viên, chủ yếu là trồng và chiết xuất tinh dầu sả Java.
Với những thành viên chưa có vốn, HTX đứng ra hỗ trợ 30 – 50% số tiền mua cây giống, hỗ trợ về kỹ thuật, phương pháp trồng, chăm sóc và thu hoạch lá. Đồng thời, HTX trực tiếp thu mua toàn bộ lá sả để chiết xuất tinh dầu.
Hiện nay, HTX đang có 45 ha diện tích trồng sả Java. Trong đó, đang cho thu hoạch 25ha, diện tích trồng mới chuẩn bị cho thu hoạch 20ha. Doanh thu mỗi tháng của HTX đạt trên 100 triệu đồng. Riêng thu nhập bình quân các xã viên ổn định ở mức 6 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Chị Lò Thị Hòe, Bản Nà Trò, xã Pi Toong, huyện Mường La bảo, trước kia đi làm thuê xa nhà, vất vả lắm, nhưng giờ không đi nữa, ở nhà đi làm cho HTX tinh dầu dược liệu Mường La. Công việc của chị là đun nấu chiết xuất tinh dầu sả, thu nhập bình quân 1 tháng cũng được 6 triệu đồng.
Trước đây, gia đình anh Cà Văn Dũng có diện tích đất nông nghiệp rộng 3 ha, chủ yếu là trồng ngô, sắn... nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, sau khi đi tham quan thực tế mô hình trồng sả Java tại tỉnh Tuyên Quang, anh Dũng đã quyết định đầu tư 26 triệu đồng để mua 1,6 tấn sả giống với giá 16 nghìn đồng/kg để trồng vào 3 ha đất nông nghiệp của gia đình.
Cây sả Java là loại cây ưa nắng nóng, rất phù hợp với đất dốc, đất khô cằn. Do đó, diện tích sả Java trồng của gia đình phát triển tốt. Mỗi năm thu hoạch 4 lứa, mỗi lứa cho thu hoạch trên 1 tấn nguyên liệu/ha, với giá dao động từ 1.600 đồng – 2.000 đồng/kg. Thu nhập bình quân 1 ha trồng sả Java đạt khoảng 30 triệu đồng/năm.
Tinh dầu sả đang được chưng cất.
Theo anh Dũng, sả Java là loại dễ trồng, ít tốn công chăm sóc. Loài cây này trồng 1 lần có thể thu hoạch được từ 5 – 7 năm. Chỉ sau 3 tháng gieo trồng là đã có thể thu lượt lá đầu tiên, giá trị kinh tế lại cao gấp từ 2 – 3 lần so với trồng ngô, sắn trước đây.
Ngoài gia đình anh Dũng, anh Lò Văn Thắng mặc dù mới trồng 1 ha cây sả Java vào năm 2018, nhưng hiện nay cũng đã cho thu hoạch được 2 lứa. Anh Thắng cho biết, dù mới mày mò sản xuất hiệu quả chưa được cao nhưng rất tin tưởng đây sẽ là nguồn thu lớn cho gia đình trong thời gia tới.
Mở rộng sản xuất
Hiện nay, HTX tinh dầu, dược liệu Mường La đang sản xuất tinh dầu dạng lọ có vòi xịt và lọ nắp đậy dùng cho đèn xông tinh dầu, giá bán dao động từ 150 – 250 nghìn đồng/chai tùy loại. Sản phẩm của HTX đã và đang được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Tuyên Quang... Qua đó đem lại nguồn thu ổn định cho các hộ thành viên, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Sản phẩm của HTX tinh dầu, dược liệu Mường La.
7 tháng đầu năm 2019, vùng trồng sả tại xã Pi Toong đạt năng suất trung bình 3,5 tấn lá/lượt cắt (tương đương 17,5 tấn/ha/năm). Giá trị kinh tế đạt 35 triệu đồng/ha/năm.
Bà Lò Thị Kim Thương – Giám đốc HTX tinh dầu, dược liệu Mường La cho biết, từ những thành công bước đầu, hiện HTX đang vận động, liên kết với các hộ dân, phấn đấu trong mở rộng thêm 100 ha diện tích trồng cây sả.
Cũng theo bà Thương, sau cây sả Java, HTX có định hướng phát triển thêm vùng nguyên liệu hương nhu trên đất nương kém hiệu quả với diện tích trên 50ha.
Tuy nhiên, hoạt động của HTX tinh dầu, dược liệu Mường La còn gặp không ít khó khăn. Đó là vùng trồng nguyên liệu đa số là đồi núi, khó đưa máy móc thiết bị vào sản xuất; người dân chủ yếu thu hoạch theo cách thức thủ công; diện tích nhà xưởng và khu điều hành còn nhỏ hẹp. Trang thiết bị chiết xuất tinh dầu cần được nâng cấp, sẵn sàng đáp ứng hoạt động khi diện tích vùng nguyên liệu mở rộng...
Cây sả mang lại thu nhập cao gấp 2 – 3 lần trồng ngô, sắn trước đây.
Bên cạnh đó, bà Thương cũng mong muốn, HTX sớm được bố trí đất làm nhà xưởng và vay vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, cùng người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Có thể bạn quan tâm
Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn hướng tới đối tượng phục vụ rộng lớn và phần lớn khách hàng đi lên từ điểm xuất phát thấp.
Hơn 10 năm trước, Phiêng Hỳ là bản đặc biệt khó khăn của xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La). Bản có gần 50 hộ người Mông, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm tới hơn 60%.
Ngày 11.12, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức hội nghị giao ban công tác hội và phong trào ND năm 2015 khu vực các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên; khu vực các tỉnh Đông-Tây Nam Bộ.
Mặc dù mới bước vào đầu mùa khô nhưng nhiều khu vực tại Đông Nam Bộ đang đứng trước nguy cơ đối mặt với hạn hán kéo dài. Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là với những hộ sản xuất nông nghiệp.
Sản phẩm lúa gạo Cát Tiên (Lâm Đồng) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền vào tháng 3.2011.