Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Ninh Hòa (Khánh Hòa) gỡ khó cho người nuôi tôm

Ninh Hòa (Khánh Hòa) gỡ khó cho người nuôi tôm
Tác giả: HẢI LĂNG
Ngày đăng: 30/06/2016

Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Chi nhánh thị xã Ninh Hòa, giai đoạn 2000 - 2006, ngân hàng đã giải quyết cho nông dân trên địa bàn vay vốn để nuôi tôm. Khi được vay vốn, đa số người nuôi đều chấp hành tốt việc trả nợ vay cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, do ảnh hưởng của dịch bệnh trên con tôm kéo dài nhiều năm, hàng trăm hộ vay vẫn chưa trả được nợ gốc và lãi cho ngân hàng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có 207 hộ vay nuôi tôm ở 12 xã, phường chưa trả dứt điểm nợ cho ngân hàng; đến nay, nợ gốc là hơn 6,4 tỷ đồng và tiền lãi là gần 21 tỷ đồng. Ông Nguyễn Siêng - Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh thị xã Ninh Hòa cho biết, chi nhánh đã áp dụng tất cả các biện pháp để thu hồi nợ như: đôn đốc thu hồi nợ theo cam kết; kê biên, niêm phong tài sản; khởi kiện ra tòa…

Tuy nhiên, do nhiều đìa tôm trước đây được định giá khá cao so với thị trường, lại nằm ở vị trí không thuận lợi cho việc phát mãi, nên dù ngân hàng đã khởi kiện đối với một số khách hàng nhưng việc thi hành án vẫn không thực hiện được. Bên cạnh đó, do thời tiết, dịch bệnh, tôm nuôi thiệt hại nặng, người nuôi thua lỗ nên nhiều hộ dù cố gắng vẫn không thể trả được nợ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Lộc, người dân địa phương chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, tôm bị dịch bệnh liên tục, người nuôi thua lỗ, mất vốn nên hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, không có khả năng trả nợ. Ngoài vay ở Ngân hàng NN-PTNT, người nuôi tôm còn vay ở ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Khánh Hòa.

Những hộ vay ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Khánh Hòa đã được miễn hoàn toàn phần lãi, chỉ thu tiền gốc. “Chúng tôi đề nghị Ngân hàng NN-PTNT xem xét miễn tiền lãi cho người nuôi tôm bị dịch bệnh để giảm bớt khó khăn, tạo động lực cho người dân cố gắng tích lũy thu nhập, tìm nguồn hoàn trả phần gốc cho ngân hàng”, ông Luận nói.

Ông Nguyễn Minh Nhật - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hà cũng cho rằng, hiện nay vẫn có rất nhiều hộ nuôi tôm ở 2 thôn Tân Tế và Hà Liên (phường Ninh Hà) không có khả năng trả nợ vay cho ngân hàng. Các hộ vay hầu hết đều có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Nhiều hộ hiện không dám mạo hiểm với con tôm, ao đìa bỏ hoang, công việc của họ chủ yếu là đi biển, làm thuê, vớt rong kiếm sống qua ngày. Nếu Ngân hàng NN-PTNT xem xét miễn tiền lãi, chỉ thu tiền gốc của người vay nuôi tôm sẽ giúp họ có động lực trả nợ tiền gốc.

Ông Nguyễn Siêng cho biết: “Vốn Ngân hàng NN-PTNT đầu tư cho hộ vay là vốn của Nhà nước nên ngân hàng phải thu tiền gốc đầy đủ 100%. Để giảm bớt khó khăn cho hộ vay, ngân hàng đề xuất chỉ tính lãi vay trong khoảng thời gian vay ghi trên hợp đồng tín dụng, không tính lãi suất phạt quá hạn, không tính thời gian quá hạn.

Đối với các hộ vay có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, tùy theo trường hợp sẽ đề xuất giảm thêm số tiền lãi trong hạn nhưng không vượt quá 50% tổng số lãi; thời gian tất toán nợ gốc và lãi trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách miễn, giảm lãi”.

Theo ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, UBND thị xã sẽ kiến nghị UBND tỉnh, Ngân hàng NN-PTNT tỉnh cho phép chỉ thu tiền gốc và tiền lãi vay trong hạn, trong thời gian ghi trên hợp đồng tín dụng. Đồng thời, đề xuất giảm thêm số lãi vay trong hạn nhưng không vượt quá 50% tổng số lãi đối với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

UBND thị xã cũng đề nghị phía ngân hàng khẩn trương tính toán số tiền gốc, lãi của từng hộ vay; UBND 12 xã, phường có hộ vay cần tuyên truyền, phân tích cho người dân hiểu rõ đây là chính sách ưu đãi của Nhà nước, của ngân hàng để giúp người dân giảm bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống; giúp các hộ vay trong việc tìm nguồn trả nợ; vận động người dân tìm nguồn trả nợ trong thời gian 3 năm…

Trước thông tin UBND thị xã Ninh Hòa tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người vay nuôi tôm trên địa bàn, nhiều hộ vui mừng cho biết nếu được miễm giảm lãi vay sẽ giúp họ giảm bớt áp lực trả nợ. Thế nhưng, để trả được tiền nợ cho ngân hàng trong vòng 3 năm không phải là điều dễ dàng. Bởi đối với nhiều hộ, nuôi tôm bây giờ không dễ, hầu hết người nuôi đều chịu cảnh thua lỗ.


Có thể bạn quan tâm

Tăng cường công tác quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản Tăng cường công tác quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác nguồn lợi thủy sản, chống đánh bắt bằng xung điện trên địa bàn TP Cần Thơ.

30/06/2016
Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững

So với những địa phương khác, Bạc Liêu được xếp vào một trong những tỉnh, thành có diện tích nuôi tôm lớn và cho chất lượng tốt. Đặc biệt, trong những năm qua Bạc Liêu đã tiên phong trong xây dựng thành công nhiều mô hình nuôi tôm bật nhất cả nước như: nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm chỉ sử dụng chế phẩm vi sinh gắn với ứng dụng công nghệ cao…

30/06/2016
Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cá thát lát giảm 10.000 đồng/kg Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cá thát lát giảm 10.000 đồng/kg

Hiện nay, nhiều nông hộ nuôi cá thát lát ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) bắt đầu thu hoạch, tuy nhiên giá cá giảm đã khiến cho nhiều hộ nuôi không có lời.

30/06/2016
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.