Ninh Bình sản xuất nấm Linh chi từ nguyên liệu phối trộn là thân cây ngô
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nấm Linh chi, góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường sau thu hoạch nông sản, Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Ninh Bình tiến hành thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất nấm Linh chi sử dụng nguyên liệu phối trộn là thân cây ngô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.
Sản xuất nấm Linh chi có chu kỳ ngắn, vốn chu chuyển nhanh, cần ít diện tích đất, kỹ thuật sản xuất không phức tạp nên có thể thu hút lao động ở các độ tuổi tham gia nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Các sản phẩm nấm Linh chi trong những năm gần đây tiêu thụ rất thuận lợi, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó và xu hướng sử dụng các sản phẩm nấm của người tiêu dùng ngày càng tăng.
Nguyên liệu sản xuất Linh chi chủ yếu là mùn cưa của cây cao su được mua từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phối trộn với một tỷ lệ cám ngô, cám gạo nhất định.
Do nguyên liệu phải mua từ các tỉnh khác, giá thành cao từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/tấn mùn cưa cao su, có thời điểm rất khan hiếm mùn cưa, đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất nấm Linh chi của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc tìm nguyên liệu thay thế một phần mùn cưa trong sản xuất nấm Linh chi là rất cần thiết để phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh.
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy thành phần chủ yếu của thân cây ngô là 37,2% cellulose, 24,1% hemicellulose, 17,8% lignin và một số nguyên tố khác tương đương với các thành phần của mùn cưa cao su (cellulose 36,1%, hemicelluloses 25,0%, lignin 17,2% và một số chất vô cơ). Như vậy, thân cây ngô hoàn toàn có thể sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất nấm Linh chi thay thế mùn cưa cao su, đây là yếu tố quan trọng để giảm giá thành trong sản xuất nấm Linh chi.
Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch, người dân dùng thân cây ngô làm thức ăn chăn nuôi trâu bò hoặc làm chất đốt để đun nấu phục vụ sinh hoạt. Nhưng những năm gần đây, đời sống của người dân được nâng cao, nhiều hộ gia đình đã sử dụng gas hoá lỏng hoặc biogas để đun nấu, đàn trâu bò cũng giảm đi do nhu cầu sử dụng sức kéo không còn nhiều, vì vậy hầu hết thân cây ngô không được sử dụng, nhiều hộ đã đốt thân ngô ngay tại ruộng gây ô nhiễm môi trường. Trung bình mỗi năm tỉnh ta thu được khoảng 32.000 tấn thân cây ngô, đây là nguồn nguyên liệu rất lớn để sản xuất nấm thay thế mùn cưa cao su.
Với sự cần thiết đó, Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Ninh Bình đã tiến hành thực hiện đề tài với mục tiêu: Xây dựng mô hình sản xuất nấm Linh chi sử dụng nguyên liệu phối trộn là thân cây ngô trên địa bàn tỉnh với quy mô 30.000 bịch nấm Linh chi, sản lượng đạt 1.000 kg nấm Linh chi khô, đồng thời hoàn thiện quy trình sản xuất nấm Linh chi sử dụng nguyên liệu phối trộn là thân cây ngô trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được mục tiêu đề ra, đề tài đã tiến hành chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết: chọn 2 địa điểm trên địa bàn tỉnh để triển khai mô hình (1 hộ thuộc xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh và 1 hộ thuộc xã Yên Phong, huyện Yên Mô); tham quan học kinh nghiệm xây dựng mô hình sản xuất nấm Linh chi sử dụng nguyên liệu phối trộn là thân cây ngô tại tỉnh Yên Bái và Lào Cai; tiếp nhận công nghệ; tổ chức tập huấn, chuyển giao công nghệ cho nông dân trên địa bàn tỉnh quy trình sản xuất nấm Linh chi sử dụng nguyên liệu phối trộn là thân cây ngô.
Cùng với đó, đề tài đã mua sắm nồi hấp bịch, máy nghiền thân cây ngô phục vụ sản xuất nấm Linh chi sử dụng nguyên liệu phối trộn là thân cây ngô bàn giao cho các hộ làm mô hình. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu và điều kiện cần thiết, đề tài đã xây dựng mô hình sản xuất nấm Linh chi sử dụng nguyên liệu phối trộn là thân cây ngô với công thức nguyên liệu thực nghiệm (trộn 50% mùn cưa cao su, 50% thân cây ngô nghiền và phụ gia) và công thức nguyên liệu đối chứng (sử dụng 100% mùn cưa cao su và phụ gia).
Đánh giá về kết quả của đề tài, ông Trịnh Đình Thể - chủ nhiệm đề tài cho biết: Qua theo dõi cho thấy, các chỉ tiêu về tốc độ sinh trưởng, phát triển của nấm Linh chi cũng như nhiệt độ và ẩm độ của đống ủ có sử dụng nguyên liệu phối trộn là thân cây ngô đều cao hơn so với đối chứng. Kết quả, năng suất nấm trồng trên nguồn nguyên liệu phối trộn thân cây ngô (công thức thực nghiệm) cao hơn so với nấm trồng trên nguồn nguyên liệu truyền thống.
Về hiệu quả kinh tế, lãi của mô hình thực nghiệm cao hơn mô hình đối chứng là 1.240.000đồng/1.000 bịch. Việc triển khai thành công đề tài là cơ sở khoa học để xây dựng quy trình sản xuất nấm Linh chi sử dụng nguyên liệu phối trộn là thân cây ngô trên địa bàn tỉnh, tìm ra nguyên liệu mới là thân cây ngô thay thế mùn cưa cao su để sản xuất Linh chi. Các cơ sở sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh chủ động được nguyên liệu để sản xuất nấm Linh chi, do đó chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất Linh chi.
Việc sử dụng thân cây ngô để sản xuất nấm Linh chi vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường do đốt thân cây ngô, giúp tận dụng nguồn phế thải dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch ngô, giảm chi phí sản xuất nấm Linh chi, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân trong sản xuất nấm Linh chi.
Ngoài ra, bã nấm sau thu hoạch Linh chi chuyển sang làm nguyên liệu để sản xuất nấm sò sẽ giảm chi phí sản xuất nấm sò, tăng thu nhập cho người dân trong sản xuất nấm sò. Bã nấm sò được sử dụng làm phân hữu cơ thay thế lượng phân chuồng đang khan hiếm hiện nay để bón cho cây trồng, giảm những chi phí đầu tư phân bón, góp phần làm tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Có thể bạn quan tâm
Tổng sản lượng thu hoạch toàn tỉnh ước đạt 245,3 nghìn tấn, đạt 100,12 % kế hoạch, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó sản lượng tôm biển đạt 54,3 nghìn tấn, đạt 101,9% kế hoạch năm tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh ở tỉnh Sóc Trăng, cho biết, Hiệp hội có trên 2.000 ha ao nuôi, đến nay đã thả gần 50% diện tích nhưng cũng có 40-50% trong đó thiệt hại, phần lớn tôm chết do bệnh đốm trắng.
Theo Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, trên đoạn sông Hậu dài khoảng 1 km nằm dọc theo cồn Sơn, thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy hiện có 52 bè cá của người dân chủ yếu là nuôi cá điêu hồng, thát lát cườm. Hằng năm cung cấp trên 530 tấn cá các loại ra thị trường Cần Thơ và các tỉnh lân cận.
Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức chương trình "Đối thoại bàn tròn về nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL".
Năm 2014, hoạt đông nuôi tôm nước lợ vẫn còn nhiều khó khăn, do thời tiết bất lợi, tỷ lệ dịch bệnh khá cao, giá tôm lên xuống bất thường... Tuy nhiên, nhìn chung năm nay tôm thẻ chân trắng vẫn là đối tượng được ưu tiên chọn nuôi và đa số bà con nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh có một vụ mùa thắng lợi.