Niên vụ cà phê 2015-16 Khó giữ được sản lượng

Kiệt quệ do hạn hán
Theo thống kê của Sở NN - PTNT, mùa khô năm nay có trên 40.000 ha cà phê trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán, tập trung tại các huyện trọng điểm cà phê Krông Pắc, Ea H’leo, Krông Năng, Buôn Hồ, Cư M’gar…
Bà Nguyễn Thị My, một hộ trồng cà phê ở xã Ea Tul, huyện Cư M’gar cho biết, mùa khô năm nay vườn cà phê của bà không đủ nước tưới nên cây bị cháy lá, quả non khô héo, tỷ lệ quả còn lại trên cây rất thấp, chỉ bằng 50% so với niên vụ trước, thậm chí có những cây cà phê gần như không có quả nào, trong khi đó chi phí đầu tư chăm sóc, chống hạn tăng khoảng 15% nên vụ này gia đình bà coi như không lãi.
Bên cạnh đó, diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng, trong khi tiến độ tái canh chậm, khiến ngành cà phê đang đứng trước thách thức lớn về sản lượng những năm tiếp theo.
Theo kế hoạch, từ năm 2013 - 2020, tổng diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, chất lượng kém cần tái canh trên địa bàn tỉnh là 27.775 ha (bình quân mỗi năm khoảng 4.000 ha), nhưng xem ra việc này không dễ chút nào vì các doanh nghiệp, người nông dân đang đối mặt với nguy cơ thiếu vốn, khoa học kỹ thuật và cây giống… dẫn đến tiến độ tái canh chậm (năm 2013 chỉ tái canh được 3.643 ha, năm 2014 giảm xuống 3.118 ha).
Đặc biệt, giá cà phê vài năm trở lại đây luôn giảm sâu chỉ còn ở mức 35 - 39 triệu đồng/tấn, trong khi giá hồ tiêu tăng mạnh khiến nhiều người dân không còn mặn mà với cây cà phê.
Nông dân xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc làm cỏ cho vườn cà phê.
Không những bị ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường, cà phê già cỗi còn có xu hướng tăng về chủng loại và mức độ dịch bệnh.
Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, các bệnh khô cành, khô quả, rệp sáp mềm xanh, nấm hồng, tuyến trùng, rệp vẩy nâu, ve sầu, rỉ sắt, rụng quả sinh lý, thán thư, đốm mắt cua… là những bệnh phổ biến trên cây cà phê thường xuất hiện với tỷ lệ gây hại ở mức 5 - 15%, nhưng vài năm trở lại đây, mức độ sâu bệnh tăng nhanh, đặc biệt là tuyến trùng hại rễ, khô cành, rỉ sắt…
Bà khuyến cáo, để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, bên cạnh bón phân cân đối, bà con cần chú trọng vệ sinh vườn cây, rong tỉa cành cây chắn gió, bẻ chồi vượt giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái.
Cần giải pháp lâu dài
Đắk Lắk thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên chia thành hai mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau với khí hậu khô lạnh, độ ẩm thấp, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho các loại cây trồng phát triển trong đó có cà phê.
Tuy nhiên, những năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa đến muộn, lượng mưa giảm và thường kết thúc sớm khiến mức độ hạn hán xảy ra ngày càng rộng. Để hạn chế thiệt hại, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân ưu tiên nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày, đặc biệt là cà phê nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Giải pháp lâu dài là tưới nước hợp lý, sử dụng nguồn nước ngầm một cách hiệu quả, khoa học và phát triển hệ thống thủy lợi phù hợp cho cây cà phê.
Ông Nguyễn Xuân Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi cho biết, nhờ chủ động được nước tưới nên năm nay cà phê của các hộ nhận khoán vẫn được mùa theo đúng nhịp độ phát triển, hơn 2.000 ha cà phê của đơn vị và các hộ nhận khoán không bị hạn.
Các hệ thống kênh mương được đầu tư tương xứng góp phần giảm thiểu sự thất thoát nước trong quá trình lưu thông và giảm thiểu chi phí cho người dân. Cùng với đó, việc điều hòa khí hậu bằng hệ thống cây chắn gió cũng được Công ty chú trọng.
Đặc biệt, hệ thống tưới nước phun mưa tự động không chỉ giảm chi phí tưới mà còn mang đến hiệu quả tốt nhất cho vườn cây.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT cho biết, khoảng 85% diện tích cà phê nằm trong dân đều sử dụng nước giếng khoan nên thường gặp hạn vào mùa khô, đây cũng là vấn đề nan giải nhất đối với ngành cà phê tỉnh nhà. Bởi cà phê là cây công nghiệp dài này, nếu năm nay bị hạn sẽ ảnh hưởng lâu dài đến những niên vụ tiếp theo.
Thực tế kiểm tra tại các vườn cây cho thấy, số lượng quả trên cây ít, kích cỡ quả cũng nhỏ hơn so với những năm trước. Do vậy, để tránh rủi ro, người trồng cà phê cần tránh phụ thuộc vào… nước trời; cần phải tập trung chăm sóc, hạn chế tình trạng rụng trái non trên cây cà phê.
Đồng thời, Sở NN - PTNT cũng khuyến cáo bà con nông dân sớm thanh lý những vườn cây già cỗi sang trồng các giống cà phê mới có năng suất cao như TR4, TR5, TR6… để bảo đảm sản lượng. Chuyển đổi diện tích cà phê ngoài vùng quy hoạch, không chủ động được nước tưới sang trồng các loại cây khác.
Có thể bạn quan tâm

Rớt thầu Philippines, gạo thơm đang xuất hiện thêm đối thủ khó chịu là Myanmar đang đặt Việt Nam vào thế cạnh tranh gay gắt trên thương trường. Không chỉ là chọn gạo thơm hay chăm bẳm vào gạo phẩm cấp thấp, chuyện xác lập những phân khúc xuất khẩu gạo của Việt Nam cần đặt trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải làm lại từ khâu giống đến việc tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Sản xuất rau là nghề truyền thống và thế mạnh của xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao. Qua sản xuất, nông dân đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong luân canh, xen canh rau màu và việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (RAT) là định hướng phát triển lâu dài của nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, mô hình trồng RAT tại Tứ Xã được triển khai từ năm 2006, đến nay vẫn chưa thực sự có một hướng đi bền vững.

Vụ đông xuân 2014 - 2015, ngành nông nghiệp và một số hợp tác xã trên địa bàn huyện Duy Xuyên liên kết với Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa (tỉnh Nghệ An) sản xuất lúa giống hàng hóa trên các cánh đồng mẫu. Thế nhưng, gần 2 tháng trôi qua kể từ khi kết thúc mùa thu hoạch, nhà nông vẫn không thấy doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm như đã cam kết…

Đến thời điểm này mới có 12 trong tổng số 68 chủ tàu cá đủ điều kiện vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) được các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp cận. Làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 67?

Từ giữa tháng 6/2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có mưa đều trên diện rộng, do đó các địa phương đã và đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ hè thu, đảm bảo đến cuối tháng 6/2015 kết thúc gieo trồng…