Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhịp Cầu Dẫn Vốn Ưu Đãi Trên Vùng Núi Tản, Sông Đà

Nhịp Cầu Dẫn Vốn Ưu Đãi Trên Vùng Núi Tản, Sông Đà
Ngày đăng: 21/05/2014

Nhờ “tiếng lành đồn xa” về kết quả thực hiện công tác uỷ thác vay vốn ưu đãi của NHCSXH qua các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn phóng viên báo, đài chúng tôi đã có chuyến đi thu thập tài liệu, viết bài cho đề tài này ở huyện Ba Vì nơi có núi Tản, sông Đà đẹp như tranh vẽ, nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 70km về phía Tây.

Qua khỏi đại lộ Thăng Long và những khu dân cư sầm uất, chiếc ô tô chuyên dụng của NHCSXH đưa chúng tôi lượn vòng men theo các cánh rừng xanh ngắt với những ngôi nhà sàn của người Mường, người Dao cùng những đồi ngô, ruộng lúa xuân đang kỳ trổ bông, đơm đòng.

Chúng tôi đến xã Khánh Thượng lúc mặt trời vừa nhô lên trên núi. Đại diện chính quyền, hội, đoàn thể từ xã đến huyện đã tới trụ sở UBND xã từ sớm để tiếp đoàn.

Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban giảm nghèo, Nguyễn Hữu Thịnh cho biết: Khánh Thượng là một trong 7 xã miền núi thuộc huyện Ba Vì có diện tích tự nhiên 26km2 với 1.982 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số (Mường, Dao) chiếm 66%.

Khánh Thượng cũng là xã vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn), trước năm 2008 có tỷ lệ hộ nghèo khá cao nên được Nhà nước đầu tư nhiều chương trình, dự án, nhất là nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, hiện tổng dư nợ đạt 18,3 tỷ đồng. Các tổ chức hội, đoàn thể như: Phụ nữ, Nông dân, CCB... trên địa bàn đã triển khai tốt công tác uỷ thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Do vậy mà vùng quê xa nhất, cao nhất, khó nhất của thủ đô Hà Nội đang đổi thay không ngừng. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thoát dần cảnh nghèo túng, xây được nhà ở vững chắc, dồn sức phát triển kinh tế, chuyển dịch đúng hướng cây trồng, vật nuôi. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 14,7% năm 2009 xuống còn 7,2% cuối năm 2013.

Có mặt tại buổi làm việc với chúng tôi hôm ấy, chị Đỗ Thị Hằng - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Ba Vì, bổ sung: Cũng như Khánh Thượng, hầu hết 31 xã, thị trấn và các cấp hội, đoàn thể ở huyện trung du miền núi này đều xác định nguồn vốn ưu đãi là một giải pháp hiệu lực nhất giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế nên đã luôn tạo mọi cách để nguồn vốn đến đúng các đối tượng chính sách nhanh chóng, thuận lợi.

Với sự phối hợp, giúp đỡ của NHCSXH, Hội Phụ nữ huyện Ba Vì trong năm qua tập trung chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã, thị trấn củng cố chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện, Hội Phụ nữ huyện đang quản lý 246 Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt tổng dư nợ uỷ thác nguồn vốn vay của NHCSXH là 137 tỷ đồng, chiếm 43,5% tổng dư nợ toàn huyện.

Hầu hết các Tổ trưởng, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn được bầu chọn công khai, đúng quy định, đều là những chị em có phẩm chất đạo đức tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc.

Chính các Tổ trưởng là những người vừa tham gia tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách, về KHKT, vừa trực tiếp hiểu biết nhu cầu vay vốn, sử dụng vốn của người dân nên đã triển khai họp bình xét cho vay phù hợp với từng đối tượng, từng chương trình, đồng thời cũng góp sức, chung tay cùng cán bộ ngân hàng giải ngân nguồn vốn ưu đãi kịp thời, thuận lợi đến đúng địa chỉ.

Chị Nguyễn Thị Diên - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bưởi, xã Khánh Thượng là một trong số gương sáng trong phong trào Hội Phụ nữ huyện Ba Vì thực hiện tốt uỷ thác vay vốn của NHCSXH.

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn miền núi, đảng viên Nguyễn Thị Diên được bà con thôn xóm “chọn mặt gửi vàng”, làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn từ năm 2005 đến nay. Gần 10 năm qua, chị luôn gặp gỡ, gần gũi với người nghèo, giúp đỡ họ cách thức vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, để làm tốt vai trò, chức năng của người Tổ trưởng, chị Diên rất coi trọng công tác giao ban hằng tháng với NHCSXH. Việc làm này giúp chị nắm bắt, tiếp thu rõ ràng, rành mạch những việc liên quan đến công tác tín dụng chính sách cũng như học tập được kinh nghiệm, cách làm hay của các Tổ tiết kiệm và vay vốn khác, để vận dụng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ mình.

Chị Tổ trưởng Nguyễn Thị Diên chia sẻ, tổ của chị có 44 hộ được vay vốn ưu đãi trên 700 triệu đồng để sản xuất kinh doanh. Một số hộ thành viên trong tổ đã sử dụng vốn vay phát triển chăn nuôi lợn nái, bò sinh sản, mở mang ngành nghề, trong đó đáng kể đến mô hình kinh tế VACR (vườn, ao, chuồng, rừng) của anh Vương Đức Thắng đã phát huy hiệu quả 30 triệu đồng vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động tại chỗ với thu nhập 4 triệu đồng/tháng/người, hay như cơ sở chế biến gỗ của bà Đinh Thị Suốt đã mạnh dạn vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH chủ động mua nguyên liệu, máy móc sản xuất hàng lâm sản xuất khẩu.

Cũng cần kể đến trường hợp hộ bà Hoàng Thị Ngải, dân tộc Mường ở xóm Trại, xã Khánh Thượng là tấm gương xóa nghèo nhờ vốn vay ưu đãi thuận tiện phát triển chăn nuôi.

Bà Ngải tâm sự: Trước đây cuộc sống của gia đình tôi chỉ trông vào 3 sào ruộng, hơn nữa, người dân tộc như tôi quanh quẩn ở thôn quê nên rất ngại vay vốn ngân hàng, vì vay rồi chẳng biết làm gì sinh lợi, do vậy cuộc sống cứ chật vật, thiếu thốn.

Nhưng từ khi tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ, lại được chị Tổ trưởng Nguyễn Thị Diên tận tình hướng dẫn, bà Ngải đã mạnh dạn vay 22 triệu đồng hộ nghèo của NHCSXH đầu tư mua bò sinh sản, nuôi 1 cặp lợn giống. Sau hơn 1 năm, gia đình bà đã có thêm 1 con bê, bán được trên 1 tạ thịt lợn, thoát dần cảnh nghèo khổ.

Cũng như Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bưởi do chị Nguyễn Thị Diên làm Tổ trưởng, hầu hết các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên vùng quê núi Tản, sông Đà Ba Vì đang làm tốt công tác uỷ thác cho vay và quản lý vốn vay vì đã thực sự làm cầu nối chuyển tải đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, giúp đỡ họ làm ăn hiệu quả, vươn lên xóa nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Thời gian tới, các hội, đoàn thể tiếp tục xây dựng mối liên hệ trực tiếp và thường xuyên với NHCSXH, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tác uỷ thác, đưa công tác uỷ thác là một tiêu chí thi đua, chấm điểm trong phong trào xây dựng tổ chức hội vững mạnh, nhằm đóng góp tích cực vào cuộc xóa nghèo, xây dựng Nông thôn mới ở huyện Ba Vì - Hà Nội.


Có thể bạn quan tâm

Góp Phần Làm Tốt Công Tác Phòng, Chống Dịch Bệnh Góp Phần Làm Tốt Công Tác Phòng, Chống Dịch Bệnh

Chăn nuôi đang là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong tỉnh. Để bảo vệ đàn vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh có vai trò đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, mạng lưới thú y cơ sở luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giúp chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi có hiệu quả..

03/11/2014
Nông Dân Thoát Nghèo Từ Các Hoạt Động Hỗ Trợ Nông Dân Thoát Nghèo Từ Các Hoạt Động Hỗ Trợ

Chương trình giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao, cải thiện đời sống được các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh coi là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình hoạt động. Xác định, khoanh vùng, tìm hiểu nguyên nhân để hỗ trợ cái hội viên cần, nâng cao kiến thức còn thiếu của hội viên, đưa ra kế hoạch hành động cụ thể...

03/11/2014
Phát Triển Hội Viên Nông Dân Vùng Đồng Bào Có Đạo Phát Triển Hội Viên Nông Dân Vùng Đồng Bào Có Đạo

Thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh vào dịp lễ của các vùng giáo về tinh thần đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết lương giáo, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi hội viên, nông dân vào việc xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

03/11/2014
Hiệu Quả Từ Dự Án Khai Thác Tài Nguyên Bền Vững Vùng Đất Đồi Dốc Ở Cẩm Thủy Hiệu Quả Từ Dự Án Khai Thác Tài Nguyên Bền Vững Vùng Đất Đồi Dốc Ở Cẩm Thủy

Dự án khai thác tài nguyên bền vững vùng đồi dốc ở huyện Cẩm Thủy được Hội Khoa học thủy lợi Thanh Hóa thực hiện tại xã Cẩm Tâm từ năm 2010. Theo đó, dự án xây dựng 2 mô hình để thực hiện hỗ trợ, gồm: mô hình thu trữ nước mó và mô hình hạn chế lũ quét, bảo vệ môi trường.

03/11/2014
10 Tháng, Xã Quảng Nham Đánh Bắt Được Hơn 520 Tấn Hải Sản 10 Tháng, Xã Quảng Nham Đánh Bắt Được Hơn 520 Tấn Hải Sản

Từ đầu năm đến tháng 10-2014, toàn xã đã đóng mới được 37 phương tiện, trong đó 8 phương tiện có công suất từ 48 đến 63 CV, 29 phương tiện có công suất từ 90 đến 550 CV và thành lập được 1 tổ dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển với 4 tàu từ 250 CV trở lên, chủ yếu khai thác các loại hải sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao ở tầm trung và khơi xa.

03/11/2014