Nhiều chính sách hỗ trợ nông dân duy trì trồng mía
Niên vụ mía 2021-2022, nông dân Khánh Hòa có thể yên tâm phần nào duy trì trồng mía khi Công ty TNHH MTV Đường Ninh Hòa-Biên Hòa đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ.
Ông Cương cho biết, năm nay gia đình ông mở rộng thêm 1,2 ha mía. Ảnh: KS.
Chính sách hợp lý, nông dân quay lại trồng mía
Những ngày đầu tháng 5, ghi nhận chúng tôi trên nông trường Ninh Sim, thuộc xã Ninh Sim, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) nông dân dần phủ xanh cây mía trở lại sau nhiều vụ bỏ đất trống hoặc chuyển sang cây màu.
Niện vụ mía năm 2021-2022, nông dân thị xã Ninh Hòa phủ xanh dần cây mía trở lại.
Nông dân Nguyễn Gia Cương, thôn Nông Trường, xã Ninh Sim bộc bạch: 3 năm gần đây do ảnh hưởng hạn hán nên mía cho năng suất thấp. Cùng với đó, giá mía xuống thấp đã khiến nông dân nhiều nơi bỏ mía, ít đầu tư chăm sóc hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác. Đến niên vụ mía 2020-2021, khi giá mía thu mua đạt gần 1 triệu đồng/tấn những diện tích mía được đầu tư chăm sóc, nông dân có lãi từ 20-30 triệu đồng/ha.
Gia đình ông Cương là một trong những hộ nơi đây đã quay lại với cây mía từ việc chuyển 1,2ha đất trồng màu, nâng diện tích mía của gia đình mình lên gần 3,5ha. Theo ông Cương, để trồng mới 1ha mía tơ, vụ này Nhà máy đường Ninh Hòa-Biên Hòa hỗ trợ cho nông dân tiền cày sâu giúp đất tươi xốp, đồng thời hỗ trợ 1 tấn phân hữu cơ và 2 triệu đồng mua giống mới KK3.
Ngoài ra, nếu nông dân lắp đặt hệ thống tưới nước cho cây mía, Công ty sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng. Đối với cây mía nếu được tưới nước đầy đủ sẽ cho năng suất rất cao. Như vụ mía vừa qua, gia đình ông Cương đầu tư hệ thống tưới phun mưa khoảng 20 triệu đồng nên năng suất mía thu hoạch lên đến 100 tấn/ha.
“Với chính sách hỗ trợ trên, cùng với nhà máy đường ký giá bao tiêu sản phẩm tối thiểu trong 3 năm khoảng 850.000 đồng/tấn, nông dân chúng tôi có thể yên tâm trồng lại với cây mía”, ông Cương bày tỏ.
Tương tự, tại khu 19 xã Ninh Sim niên vụ này nông dân quay lại trồng mía rất nhiều. Ông Nguyễn Văn Tài, một nông dân trồng mía ở thôn Tân Lập, xã Ninh Sim cho biết, đó là nhờ niên vụ 2020-2021, giá mía nguyên liệu thu mua cao, cùng với nhà máy đường Ninh Hòa-Biên Hòa tung chính sách hỗ trợ hợp lý cho nông dân trồng mía.
Ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, cho biết, trước đây diện tích mía của xã có thời điểm trên 3.000ha. Tuy nhiên những năm gần đây diện tích mía trên địa bàn xã giảm. Trong niên vụ 2020-2021, diện tích mía của xã chỉ còn gần 1.500ha. Đến niên vụ mía 2021-2022 diện tích mía của xã gia tăng tăng 300ha, lên 1.800 ha. Diện tích mía tăng nhờ giá thu mua và chính sách của Nhà máy đường Ninh Hòa-Biên Hòa đã khuyến khích nông dân trồng mía.
Giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất
Ông Đoàn Nguyễn Đại Việt, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường Ninh Hòa-Biên Hòa cho biết, niên vụ mía 2020-2021, giá mía thu mua của nhà máy tăng từ 25-30% so với niên vụ trước. Những ruộng mía nông dân đầu tư chăm sóc đạt lợi nhuận từ 25-30 triệu/ha. Đây là cơ sở để nông dân tiếp tục theo cây mía.
Mặt khác, năm nay mưa đến sớm hơn, nhiều hơn giúp việc chăm sóc, tái canh cây mía thuận lợi. Từ đó, Công ty đã có nhiều chính sách đầu tư phát triển diện tích trồng và chăm sóc niên vụ mía 2021-2022, nhằm giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất.
Trong đó, nhóm giải pháp khoa học, kỹ thuật, Công ty áp dụng chính sách sách hỗ trợ người trồng mía dùng máy cơ giới cày sâu và Kobelco đào rãnh nhằm phá tầng canh tác. Khi trồng với phương pháp này, tổng chi phí đầu tư 9,6 triệu. So với canh tác thông thường cao hơn 5 triệu, nhưng Công ty đã hỗ trợ phần phát sinh này.
“Do đất nghèo dinh dưỡng và quanh năm khô hạn nên chúng tôi hỗ trợ 5 triệu cho cách làm mới này để khuyến khích nông dân thay đổi quy trình sản xuất, phá được tầng canh tác, giúp đất tươi tốt. Cùng với đó, Công ty đưa ra những giống mía phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng này và có chính sách hỗ trợ 2 triệu/ha (mía tơ) để nông dân trồng loại giống mía được Công ty khuyến cáo”, ông Việt cho biết.
Bên cạnh đó, do đất trồng mía ở Ninh Hòa có tỷ lệ cát, đá nhiều nên khô hạn xảy ra nhanh. Vì vậy, Công ty đưa ra phương thức canh tác bền vững bằng cách hỗ trợ 1 tấn phân vi sinh/ha (2,4 triệu) cho nông dân nông mía. Ngoài ra, còn hỗ trợ chế phẩm sinh học cho nông dân bổ sung dinh dưỡng cho mía. Từ đó, góp phần giúp cho cây mía phát triển vươn lóng nhanh hơn, cây đẻ nhánh mạnh hơn, cải thiện được năng suất”, ông Việt chia sẻ và tin tưởng rằng, thông qua chính sạch trên, nông dân sẽ mở rộng diện tích mía trở lại.
Theo Công ty TNHH MTV Đường Ninh Hòa-Biên Hòa, tính đến giữa tháng 5/2021, diện tích mía của Công ty đầu tư đã tăng 20% so với niên vụ trước. Và, với tình hình thời tiết diễn biến thuận lợi như hiện nay, đến cuối 5 này khi kết thúc vụ trồng mới, diện tích mía của Công ty sẽ còn tăng hơn nữa.
Đặc biệt, với chính sách bảo hiểm giá mía 850.000 đồng/tấn của Công ty trong vòng 3 năm sẽ giúp nông dân an tâm canh tác, bên canh đó, thị trường đường thế giới đang có chu kỳ tăng nên giá mía kỳ vọng năm tới còn tiếp tục tăng. Vì vậy Công ty cổ vũ bà con tiếp tục chăm sóc để vụ mía tới được mùa, được giá.
Từng bước đẩy mạnh cơ giới hóa trong trồng mía
Theo ông Nguyễn Đại Việt, Công ty Đường Ninh Hòa-Biên Hòa hiện hướng tới việc áp dụng cơ giới hóa toàn phần từ khâu làm đất cho đến khâu thu hoạch. Do đó, những vùng đất có điều kiện canh tác tương đối bằng phẳng có thể áp dụng được cơ giới hóa Công ty đã quy hoạch thành vùng trồng, chăm sóc mía bằng cơ giới và hướng tới thu hoạch bằng máy. Diện tích áp dụng cơ giới hóa trong canh tác trồng và chăm sóc mía đến thu hoạch bằng máy của Công ty gần 500ha và đã quy hoạch thêm 500ha sử dụng cơ giới hóa từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch bằng máy trong niên vụ tới. Đồng thời, hiện nay Công ty đã có đầy đủ dàn máy móc thiệt bị phục vụ từ khâu trồng đến khâu thu hoạch. Và định hướng trong thời gian tới Công ty sẽ đầu tư thêm 2-3 máy thu hoạch để đến năm 2025, tỷ lệ thu hoạch mía bằng máy đạt 30%.
Có thể bạn quan tâm
Năng suất cao (7 - 8 tấn/ha), sạch bệnh; gạo hạt dài, dẻo thơm ngon, giá cao... Lúa lai LY2099 tiếp tục tạo ấn tượng ở vụ đông xuân 2020 - 2021.
Đến thời điểm này, lúa đông xuân tại ĐBSH rất sạch bệnh, được mùa, dự kiến thu hoạch rộ từ cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021. Tuy nhiên cần cảnh giác sâu bệnh cuối
Chủ động ứng phó với nguy cơ nắng nóng kéo dài có thể xẩy ra, Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ hè thu 2021.