Nhật Bản: Phát triển nghề trồng tảo
Tiêu chuẩn quốc tế liên kết giữa MSC và ASC dành riêng cho tảo biển vừa được triển khai, khẳng định tầm quan trọng của loại cây trồng này trên toàn thế giới. Tại Nhật Bản, tảo biển cũng gắn liền với cuộc sống của người dân hàng nghìn năm qua.
Thu hoạch tảo tại Nhật Bản Ảnh: kopkun
Truyền thống
Tảo biển xuất hiện trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản từ nhiều thế kỷ trước. Vào thế kỷ 18, nó được coi là một thực phẩm thiết yếu trong khẩu phần ăn hàng ngày của người dân. Năm 701 trước Công nguyên, người dân Nhật Bản được phép dùng tảo biển để đóng thuế. Ngày nay, người Nhật sử dụng 9 tỷ miếng tảo mỗi năm trong các món ăn quen thuộc như sushi và súp miso. Tại quận Ryori của Sanriky, một thị trấn ở đông bắc Nhật Bản, tảo biển trở thành một thứ tối quan trọng. Shinichi Sasaki, nhân viên tổng vụ tại Hợp tác xã thủy sản Ryori cho biết: “Tảo có đầy đủ các chất khoáng, lớn rất nhanh và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Chúng cung cấp năng lượng và nơi trú ẩn cho các loài cá biển, làm sạch môi trường biển”.
Người Nhật trồng tảo nâu wakame (Undaria pinnatifida) tại Ryori bằng những sợi dây thừng có mầm tảo, được giữ trong môi trường nước mát hoặc được trồng trong bể tránh nhiệt độ thay đổi đột ngột vào mùa hè. Sang thu, khi nhiệt độ nước biển bắt đầu giảm, các sợi thừng tảo được gắn vào các dây câu cá đặt giữa các mỏ neo bằng bê tông dựng thẳng từ đáy biển. Lá tảo được thu hoạch khi đạt chiều dài 2 m. Phần đầu và phần đuôi lá được cắt tỉa, phần còn lại được làm nhạt màu sơ qua trong nước biển, rồi làm mát và trộn lẫn với muối, bảo quản bằng nước biển bão hòa. Lá tảo sau đó được làm ráo và sấy khô, loại bỏ gân xơ. Sau khi đã sấy khô, phần lá tảo được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng rồi mới đóng gói. Các mầm tảo kombu (Laminaria japonica) được cấy lên các dây thừng để tiếp tục trồng vào giữa tháng 1 và được hạ xuống độ sâu hơn vào tháng 4 để lá tảo phát triển chiều dài. Tảo này sẽ được thu hoạch vào tháng 7.
Nghề trồng tảo tại Ryori không chỉ mang lại nguồn thu ổn định cho người dân mà còn tạo ra nguồn thức ăn tốt cho các loài hải sâm. Ông Hiroshi Sato, trưởng nhóm thợ lặn tình nguyện tại Sanriku cho biết: “Chúng tôi phải chứng kiến rất nhiều hiện tượng đang diễn ra trên đại dương thời gian gần đây, như sự suy giảm nồng độ muối, đáy biển trở nên cằn cỗi, trơ trụi nên không có thức ăn tự nhiên cho hải sâm. Do đó, lá tảo rơi rụng từ dây thừng là nguồn thức ăn giá trị với chúng”.
Tiêu chuẩn quốc tế
Khi các tiêu chuẩn tảo biển MSC và ASC được đưa ra, mọi sự quan tâm đều đổ dồn về vựa tảo Ryori. Tiêu chuẩn này nhằm mục đích bảo vệ môi trường bền vững và nâng cao trách nhiệm xã hội trong hoạt động trồng tảo, góp phần đảm bảo một đại dương có hệ sinh thái khỏe mạnh.
“MSC chưa thực sự phổ biến ở Nhật Bản” ông Makoto Suzuki, Giám đốc MSC tại Nhật Bản cho biết. Theo một cuộc khảo sát vào năm 2016, chỉ có 3% người tiêu dùng tại Nhật Bản thường xuyên nhìn thấy nhãn sinh thái MSC và 12% hiếm khi gặp nhãn này. Mặc dù, MSC tại Nhật Bản đã tiếp cận truyền thông và các nhóm liên quan ngành tảo biển, nhưng người Nhật trong đó có các vùng trồng tảo nổi tiếng vẫn chưa thực sự quan tâm đến tiêu chuẩn MSC.
Dù vậy, người trồng tảo tại Ryori vẫn luôn tin rằng phương thức sản xuất tảo truyền thống của họ luôn đảm bảo môi trường bền vững và trách nhiệm xã hội. Sasaki, một hộ dân trồng tảo tại đây cho biết nếu chứng nhận này giúp giá bán tăng lên, người dân sẽ quan tâm hơn bởi thu hoạch tảo biển là một công việc cực kỳ vất vả. Kentaro Oikawa, thuộc Trung tâm Xúc tiến thủy sản Ofunato cho rằng, giá tảo biển chính là yếu tố quan trọng nhất với người sản xuất nhưng người dân vẫn còn nghi ngờ tiêu chuẩn ASC-MSC chưa chắc đã tạo ra sự khác biệt về giá bán cho các sản phẩm tảo đạt chứng nhận. Người trồng tảo luôn muốn giá bán tăng lên nhưng người tiêu dùng vẫn là nhân tố quyết định cuối cùng.
Thuế tăng cao, cộng với sự cạnh tranh từ các nước khác đã khiến Nhật Bản phải gia tăng nhập khẩu tảo châu Á như Hàn Quốc và Trung Quốc. Khi tảo được coi là một siêu thực phẩm, thì nghề trồng tảo tại Mỹ và Scotland cũng phát triển nhanh. Nhiều hãng sản xuất đang nghe ngóng thị trường Nhật Bản để tìm kiếm cơ hội thâm nhập. Tương lai của ngành tảo biển sẽ tươi sáng, không chỉ tại Nhật mà ở các các nước châu Á và phương Tây, Fiona Houston, Tổng Giám đốc của hãng tảo biển Mara Seaweed khẳng định. Do đó, trong thời gian tới, tảo biển đạt chuẩn quốc tế sẽ vươn lên để trở thành một ngành hàng mũi nhọn trong ngành nuôi trồng thủy sản.
>> Hiện nay, trên thị trường Nhật Bản có rất nhiều dòng sản phẩm tảo biển như tảo ướp muối, sấy khô đến súp và salad. Nếu ăn tại các nhà hàng, cửa hàng thức ăn nhanh và mỳ, tảo biển cũng được sử dụng để phát triển đa dạng các món ăn khác như bim bim tảo và bột tảo. Nhưng chưa có sản phẩm đơn lẻ nào được coi là độc nhất vô nhị tại đây.
Có thể bạn quan tâm
Ông Ngô Văn Đệ ở xã Long Khánh (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) là nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức bình chọn.
Sau nhiều tháng giảm giá mạnh, giá tôm tại các tỉnh thành miền Tây đã bắt đầu tăng 15.000 – 35.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ.
Những tháng cuối năm, diễn biến thời tiết phức tạp, nguy cơ cao về thiệt hại thủy sản nuôi trồng do mưa bão gây ra.
Từ đầu tháng 10 đến nay, giá cua biển, tôm thẻ ở tỉnh Trà Vinh đồng loạt tăng từ 20.000 – 50.000 đồng/kg tùy loại so với 1 tháng trước.
Ở góc độ bán buôn, ngành tôm đang có dấu hiệu phục hồi sau thời gian suy thoái kéo dài.