Trang chủ / Thống kê / Thống kê nông sản

Nhận định thị trường cà phê (13-18/01/2020): Kỳ vọng giá phục hồi sau nhiều ngày giảm

Nhận định thị trường cà phê (13-18/01/2020): Kỳ vọng giá phục hồi sau nhiều ngày giảm
Tác giả: Phạm Hoà - VITIC/Reuters
Ngày đăng: 18/01/2020

Tuần qua, khủng hoảng địa chính trị tại Trung Đông khiến nhiều sàn phái sinh nông sản chịu thiệt, trong đó có hai sàn cà phê. Thị trường nội địa giao dịch khá nhộn nhịp do lượng hàng ra nhiều trước Tết Nguyên đán. Chuyên gia Nguyễn Quang Bình phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta tuần này cho thấy bức tranh kỹ thuật sáng dần.

Hôm nay (16/01), thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ được ký kết tại Washington. Xa hơn trong tháng 01/2020, hai cuộc họp quan trọng định hướng thị trường tài chính của hai Ngân hàng Trung ương: BCE châu Âu (23/01) và Fed của Mỹ (29/01). Tiếp ngay sau đó là Brexit, ngày nước Anh chia tay khối EU (31/01/20).

Bên cạnh những tác động bất lợi do khủng hoảng Trung Đông, giá hai sàn cà phê phái sinh tuần trước mất giá khi thị trường tiếp nhận ước báo sản lượng niên vụ 2020/21 Brazil được mùa. Cơ quan thống kê Brazil (IBGE) cho rằng năm mới cà phê Brazil ước đạt 56,4 triệu bao (loại 60 kg), tăng 12,9% so với mùa 2019/20. Trong đó arabica tăng 22% chừng 42,2 triệu bao. Dù sẽ là năm được mùa theo chu kỳ 2 năm một lần, sản lượng niên vụ tới vẫn thấp hơn năm cao kỷ lục 2018, bấy giờ IBGE ước 59,9 triệu bao. Nhiều người trên thị trường cho rằng con số của IBGE thường thấp hơn số liệu công bố từ 5%-10%.

Xuất khẩu cà phê thế giới 3 tháng đầu niên vụ 2019/20 (10-12/19) đạt 18,3 triệu bao, giảm 10,8% so với cùng kỳ vụ trước là 20,51 triệu bao. Như vậy, trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 11/19 đạt 83,22 triệu bao arabica so với 77,08 triệu cùng kỳ 2018, robusta đạt 46,01 triệu bao so với 44,96 triệu (ICO).

Tuần trước, giá arabica rớt mạnh hơn robusta. Vì thế, mức chênh lệch giữa 2 sàn đã co lại mạnh có thể gây bất lợi cho giá robusta so với arabica trong tuần này.

Dẫn nguồn Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, một tuần giá phái sinh robusta giảm, giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ lại có dịp tăng. Mức chào mua bán hiện nay đang chừng +70/+80 USD/tấn FOB so với mới đây là +30/+50 USD/tấn. Cũng chính nhờ vậy, giá cà phê mua bán các ngày trong tuần không giảm sâu hơn. Dù thỉnh thoảng có ghi nhận dưới mức 32 triệu đồng/tấn, sau đó giá vẫn bật lên lại 32+ triệu đồng/tấn.

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Canh Tý. Giao dịch hàng hóa ít dần. Lực bán hàng thực (xuất khẩu) càng về cuối tuần càng giảm. Với tình hình này, ông Bình kỳ vọng giá cà phê trong nước phục hồi dần từ thấp lên cao, dự kiến từ 32,3-33 triệu đồng mỗi tấn cho tuần này.


Có thể bạn quan tâm

Thị trường hạt tiêu tuần 2: Thêm một tuần đứng yên Thị trường hạt tiêu tuần 2: Thêm một tuần đứng yên

Giá tiêu tại Đồng Nai tuần qua (06 – 11/01/2020) không biến động. Mức thấp nhất ở 39.000 đồng/kg tại Gia Lai và Đồng Nai, cao nhất ở 42.000 đồng/kg

14/01/2020
Thị trường cà phê tuần 2: Giá vẫn giảm tại khu vực Tây Nguyên Thị trường cà phê tuần 2: Giá vẫn giảm tại khu vực Tây Nguyên

Tuần qua (06/01/2020 - 11/01/2020) giá cà phê có 1 phiên đầu tuần đứng yên, 3 phiên giảm và 1 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá trong nước mất 300 - 400 đồng

14/01/2020
Nhìn lại thị trường hồ tiêu năm 2019 và dự báo giá trong 3 năm tới Nhìn lại thị trường hồ tiêu năm 2019 và dự báo giá trong 3 năm tới

Giá xuất khẩu giảm mạnh do cung vượt cầu. Năm nay, nhiều khả năng giá tiêu vẫn sẽ tiếp tục giảm nhưng đến năm 2021, 2022 dự báo giá sẽ tăng dần lên.

16/01/2020