Trang chủ / Gia súc-Gia cầm / Nuôi vịt

Nhận biết phòng và trị bệnh tụ huyết trùng trên vịt

Nhận biết phòng và trị bệnh tụ huyết trùng trên vịt
Tác giả: Thúy Liễu
Ngày đăng: 12/11/2019

Thời điểm này, người chăn nuôi bắt đầu chuẩn bị đàn vịt thịt cung cấp thị trường Tết Nguyên đán năm 2020. Do đó, để đàn vịt nuôi thuận lợi cho đến lúc xuất chuồng, người chăn nuôi cần lưu ý cách phòng tránh và trị một số bệnh thường gặp trên vịt, trong đó có bệnh tụ huyết trùng - dịch bệnh thường xuất hiện trên đàn vịt nuôi.

Để đàn vịt nuôi phát triển tốt đến lúc xuất bán cần phòng tránh dịch bệnh trên vịt hiệu quả. Ảnh: Thúy Liễu

Thạc sĩ Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA chia sẻ, bệnh tụ huyết trùng trên vịt xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhất là thời điểm giao mùa, diễn biến bệnh rất nhanh, tỷ lệ vịt chết cao, chết đột ngột và các vết tụ huyết tím bầm. Nguyên nhân dẫn đến vịt bị bệnh tụ huyết trùng là do vi khuẩn tụ huyết trùng Pasteurella multocida gây ra.

Triệu chứng vịt khi mắc bệnh là ở thể cấp tính vịt đang đứng ủ rũ một chỗ, đi lảo đảo, quay cuồng, kêu to, giãy giụa mạnh rồi lăn ra chết; ở thể cấp tính vịt ủ rũ, bỏ ăn, đầu và mắt sưng to, màu đỏ tím, thở rất khó, khi thở phải há mỏ, vươn cổ, nằm bệt một chỗ, tiêu chảy, phân xanh, lỏng, đôi khi có máu; ở thể mãn tính các triệu chứng thấy như viêm phế quản, phổi mãn tính, thở khò khè và sưng khớp chân, đi lại khó khăn, sau bị bại liệt.

Đồng thời, bệnh tích ngoài da có từng đám tụ huyết xuất huyết đỏ tím từng mảng, các cơ quan nội tạng đều xuất huyết tràn lan, đỏ sẫm, bao tim có tương dịch màu vàng, niêm mạc ruột xuất huyết và tróc ra.

Nếu phát hiện vịt có những triệu chứng bệnh trên, điều trị bằng một trong các loại kháng sinh như: Sulfamerazine hoặc Sulfadimerazine với liều lượng 100mg/kg thể trọng, liệu trình từ 3 đến 4 ngày hoặc dùng Sulfathiazole liều lượng 100mg/kg thể trọng, liệu trình từ 3 đến 4 ngày và trợ sức thêm cho gia cầm bằng các loại vitamin B1, C, D cùng với dung dịch điện giải.

Cũng theo thạc sĩ Lê Thanh Hải, để phòng tránh bệnh tụ huyết trùng trên vịt nên tiêm ngừa vaccine 1ml/con, tiêm dưới da vịt khỏe mạnh trên 1 tháng tuổi; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng vào mùa hè, kín ẩm vào mùa đông, không bị mưa tạt gió lùa; sát trùng chuồng trại định kỳ 1 tuần/lần; tẩy uế chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng và để trống chuồng từ 2 đến 4 tuần mới nuôi trở lại. Lưu ý, khi nhập đàn mới cần cách ly 2 tuần, tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm mới cho nhập đàn.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi vịt siêu thịt bố mẹ V52, V57 Nuôi vịt siêu thịt bố mẹ V52, V57

Để tham gia dự án, yêu cầu các nông hộ phải có kinh nghiệm trong nuôi vịt bố mẹ siêu thịt; đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, chuồng trại, ao hồ chăn thả

11/06/2019
Nuôi vịt theo tiêu chuẩn VietGap Nuôi vịt theo tiêu chuẩn VietGap

Giống vịt Đại Xuyên được nuôi theo tiêu chuẩn VietGap cho chất lượng thịt thơm ngon, hiệu quả kinh tế lại cao hơn rất nhiều. Đó là khẳng định của các hộ dân

11/07/2019
Nuôi vịt VietGAP Nuôi vịt VietGAP

Triển khai mô hình chăn nuôi vịt Đại Xuyên thương phẩm nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi từ quảng canh sang thâm canh, hạn chế dịch bệnh và rút ngắn thời gian

24/07/2019