Nguồn cung lúa mì suy giảm trên toàn thế giới
Nguồn cung lúa mì thấp hơn có thể tạo thêm áp lực cho chuỗi cung ứng thực phẩm vốn đang vật lộn với tình trạng thiếu lao động và khó khăn trong khâu hậu cần.
Mất mùa ở hai trong số các nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và lo ngại về chất lượng ở các nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba đã đẩy giá lên mức cao trong nhiều năm, làm tăng thêm nỗi lo về lạm phát giá lương thực cho hàng triệu người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Hạn hán và nắng nóng tiếp tục ảnh hưởng đến lúa mì, loại cây được trồng trên nhiều diện tích đất trên toàn cầu hơn bất kỳ loại cây nào khác, của Canada vào tháng 7, vài tháng sau khi mùa đông tàn khốc ập đến với vụ mùa của Nga.
Giá lúa mì kỳ hạn tăng trong tuần trước khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cắt giảm dự báo về sản lượng của Canada và Nga, kéo lượng dự trữ và thương mại toàn cầu đi xuống. Kèm theo đó là diện tích cây trồng bé đi của Hoa Kỳ làm tăng thêm áp lực.
Các hộ gia đình và chính phủ cũng sẽ cảm nhận được tác động đó, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo phụ thuộc vào nhập khẩu. Và ở Hoa Kỳ cũng như các nơi khác, giá bánh mì cao hơn sẽ làm tăng áp lực đối với chuỗi cung ứng thực phẩm vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động và khó khăn trong khâu hậu cần.
James Doyle, Phó Chủ tịch điều hành của King Milling Co. ở Lowell, Michigan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Người tiêu dùng sẽ thấy giá cao hơn. Giá mà chúng ta phải trả cho lúa mì kỳ hạn tăng, bất kể mức giá đó là bao nhiêu tại thời điểm thợ làm bánh mua, bị chuyển ngay lập tức thành giá bột mì”.
Chi phí lương thực
Là thành phần cơ sở của tất cả mọi thứ, từ bánh mì baguette của Pháp đến bánh mì dẹt Trung Đông cho đến mì châu Á, giá lúa mì có ảnh hưởng trực tiếp hơn đến người tiêu dùng so với các loại cây trồng như ngô và đậu nành, vốn chủ yếu được cho động vật ăn.
Sự biến động của hàng hóa có thể mất nhiều thời gian để di chuyển qua chuỗi cung ứng. Giá bán lẻ cũng có thể cao và trong một số trường hợp, chi phí thực phẩm được chính phủ trợ cấp. Nhưng chi phí cao hơn hiện nay có nghĩa là ngũ cốc có thể tiếp tục tăng cho đến khi thu hoạch ở Nam bán cầu vào đầu năm 2022 giúp làm giảm áp lực.
Chi phí vận tải để vận chuyển ngũ cốc trên khắp thế giới cũng đang tăng cao. Nhìn chung, "đòn" này có vẻ đặc biệt khắc nghiệt đối với các quốc gia nghèo hơn, phụ thuộc vào nhập khẩu vốn đã bị đại dịch virus Corona tàn phá.
USDA trong tuần vừa rồi đã hạ dự báo nhập khẩu lúa mì từ năm 2021 đến 2022 cho khu vực Bắc Phi, Đông Nam Á và Afghanistan.
Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế tại Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết: “Tôi e rằng đây là một tình huống mà bản thân tôi cũng không thấy có biện pháp nào cứu vãn được. Thật không may, có rất nhiều yếu tố đang ảnh hưởng đến mức lạm phát trong nước ở nhiều nơi trên thế giới”.
Dự trữ toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, theo dự báo của chính phủ Mỹ, với nguồn cung từ các nhà xuất khẩu đặc biệt căng thẳng.
Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa nông nghiệp tại Rabobank ở London, cho biết: “Thị trường đang xem xét mức thâm hụt toàn cầu hiện nay.“Điều đó làm gia tăng lo ngại lạm phát lương thực. Lúa mì là một thực phẩm thiết yếu”.
Chỉ số giá xuất khẩu lúa mì do Hội đồng ngũ cốc quốc tế có trụ sở tại London tính toán hiện đã tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, chỉ số giá nông sản toàn cầu của Liên hợp quốc đang tăng cao trong một thập kỷ.
Đòn giáng vào các nhà xuất khẩu
Nga là trụ cột của thương mại lúa mì toàn cầu trong vài năm qua, thường là nước xuất khẩu lớn nhất.
Vụ mùa sụt giảm năm nay trùng với nỗ lực của chính phủ Nga trong việc ngăn chặn giá lương thực tăng của chính họ, bằng cách đánh thuế hàng hóa xuất khẩu. Điều đó có thể thấy người mua chuyển sang người bán như Liên minh châu Âu và Ukraine.
Hợp đồng lúa mì xay xát ở Paris tăng 9,5% trong tuần lên mức cao nhất kể từ năm 2012.
Vụ thu hoạch lúa mì của EU năm nay lớn hơn - 138,6 triệu tấn so với 125,9 triệu - nhưng mưa không ngớt ở Pháp và Đức đã ảnh hưởng tới vụ thu hoạch, làm giảm hàm lượng bột của lúa mì.
Các nhà nhập khẩu đau đầu
Nhiều quốc gia dự trữ sẵn một lượng ngũ cốc để ngăn nguồn cung thiếu hụt, vì tình trạng thiếu lương thực thường là dấu hiệu báo trước cho sự bất ổn xã hội. Người mua cuối cùng sẽ cần phải bổ sung hàng và với giá cả tăng cao, điều này ảnh hưởng đến chi phí ngân sách của nhà nhập khẩu.
Tổng thống Ai Cập gần đây phải thúc giục tăng trợ giá bánh mì cho công dân của mình. Trong khi đó, một loạt các nước mua lúa mì lớn trên thị trường từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Jordan đã hủy bỏ hoặc chỉ thực hiện các giao dịch mua thấp hơn dự kiến do các nước nhập khẩu phải đối mặt với cú sốc về giá.
“Đó sẽ là một cuộc đấu tranh”, ông Mera nói. "Dù sớm hay muộn, họ sẽ phải quay lại thị trường và trả giá mua hàng".
Có thể bạn quan tâm
Các vùng đất soi bãi kém hiệu quả được chuyển sang trồng dưa, mang lại thu nhập khá cho nông dân Lục Yên.
Phân bón lá vi lượng không chỉ giúp cây ăn trái, rau màu cho năng suất và chất lượng vượt trội, mà còn giúp ngăn ngừa và khắc phục bệnh trên cây ăn quả.
Lâu nay, nhiều nông dân vẫn hiểu sai về việc phân NPK bón xuống phải tan hết ngay mới là phân tốt, nhưng thực tế không phải vậy.