Nguồn cung dồi dào, đường nhập khẩu áp đảo
Các nguồn cung dồi dào, sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 3/2022 và các tháng kế tiếp; ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu.
Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong tháng 2/2022 tất cả các nhà máy của ngành đường Việt Nam đã vào vụ mía. Lũy kế đến cuối tháng, toàn ngành đã ép được hơn 3,8 triệu tấn mía, sản xuất được 365.000 tấn đường.
Trong tháng 2/2022 so với giá đường thị trường nội địa trong khu vực bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam thấp hơn hẳn.
Nguồn cung đường dồi dào từ nhập khẩu trực tiếp chính ngạch đường từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2021/2022 trong khi sức cầu kém vì thị trường sau Tết và sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh phía Bắc khiến cho thị trường tiếp tục hoàn cảnh thừa cung.
Điều này đẩy giá đường thị trường xuống dưới mức giá thành sản xuất của đường từ mía, khiến đường các nhà máy không bán được phải tồn kho.
Dự báo, các nguồn cung dồi dào và sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 3/2022 cũng như các tháng kế tiế; ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu. Giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.
“Tuy vậy, cuộc chiến Nga – Ukraine và các động thái liên quan đến các hoạt động trừng phạt kinh tế có thể gây ra những tác động khó lường đến thị trường nguồn cung năng lượng và ngũ cốc cho thị trường thế giới. Điều này có thể khiến cho thị trường hàng hóa, trong đó có mặt hàng đường có xu hướng tăng”, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá.
Giá đường trong thời gian tới cũng phụ thuộc phụ thuộc vào hiệu quả của các nỗ lực chống gian lận thương mại đường nhập lậu. Nếu việc kiểm soát đường nhập lậu có hiệu quả giá đường sẽ ở mức tiệm cận với giá đường các nước trong khu vực (nhưng vẫn thấp hơn).
Tại thị trường thế giới, theo thông tin từ Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO), trong nửa đầu tháng 2/2022, chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng tiếp tục xu hướng giảm mặc dù giá dầu thô đang ở mức cao nhất trong 7 năm gần đây.
Nguyên nhân của xu hướng giảm là dự báo nguồn cung tăng với các tin tức thời tiết thuận lợi cho phát triển mía tại Bazil và Ấn Độ.
Đến nửa cuối tháng 2/2022, các thông tin và đánh giá khác nhau về khả năng Nga tấn công quân sự Ukraine đã khiến cho thị trường đường không có xu hướng rõ rệt, chỉ chuyển hẳn sang xu hướng tăng vào cuối tháng sau khi chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine đã bắt đầu ngày 24/2/2022.
Có thể bạn quan tâm
Các nhà nhập khẩu ngũ cốc toàn cầu đang cố gắng có được nguồn cung sau khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, làm gián đoạn các chuyến hàng ngũ cốc
Với 2,3 hơn tỷ USD, thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 2/2022 là Hoa Kỳ.
Thị trường cà phê trong nước tuần qua kết thúc ở mức 41.200 – 41.800 đồng/kg và giữ vững trong phiên giao dịch đầu tuần 21/3.