Người Trung Quốc trục lợi giá hồ tiêu
Lại xảy ra tình trạng người Trung Quốc vào Việt Nam 'làm loạn' thị trường hồ tiêu ẢNH: CHÍ NHÂN
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu đang tăng, các doanh nghiệp cần cẩn trọng với những chiêu trò làm loạn thị trường của thương nhân Trung Quốc.
Trong thông báo của VPA, tuần đầu tháng 8, giá hồ tiêu trong nước tăng nhẹ do một số thị trường đẩy mạnh nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam, đặc biệt là tiêu sọ (tiêu trắng) bởi lượng hồ tiêu từ Indonesia giảm hơn năm trước và thị trường Mỹ lại đẩy mạnh mua. Tuy nhiên, giá hồ tiêu lại đang có xu hướng chững lại do người dân bắt đầu bán ra nhiều và các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hạn chế xuất khẩu.
Người Trung Quốc "làm loạn" thị trường
VPA cũng nhắc lại thông tin cảnh báo về việc các “thương nhân” Trung Quốc đang “làm loạn” thị trường. Cụ thể, giá hồ tiêu trong nước đang có biểu hiện lên xuống bất thường từ cuối tháng 7 đến nay. Ngày 28.7, giá tiêu xô trong buổi sáng đang từ 80.000 đồng/kg vụt tăng lên 86.000 đồng/kg đến đầu giờ chiều lại đột ngột hạ xuống 82.000 đồng/kg. Hiện nay giá vẫn trong tình trạng trồi sụt bất thường.
“Có bằng chứng cho thấy có một nhóm DN Trung Quốc đang điều khiển thị trường hồ tiêu Việt Nam những ngày qua”, VPA dẫn lời các hội viên khẳng định. Minh chứng là tại một số đơn vị kinh doanh hồ tiêu của Việt Nam đều có hiện tượng nhóm thương nhân Trung Quốc đến đặt mua hồ tiêu với giá bất kỳ và yêu cầu làm hợp đồng ngay cho chắc ăn. Sau đó, họ thuê khách sạn ở gần đó và ngày nào cũng tới công ty này để hối thúc thực hiện hợp đồng. Theo thông lệ thường sau 3 ngày kể từ khi ký hợp đồng, họ sẽ chuyển tiền đặt cọc nhưng quá hạn 3 ngày họ đều không chuyển và luôn khẳng định là nhất định sẽ mua và giải thích lý do chậm chuyển tiền là do ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ… để trì hoãn. Hành động này được đánh giá là tạo tín hiệu giả về việc thị trường đang cần nhu cầu mua với số lượng lớn.
Song song với việc đặt mua hồ tiêu từ DN, nhóm thương nhân Trung Quốc tỏa đi nhiều địa phương giao dịch với các đại lý thu mua hồ tiêu và hứa sẽ bán cho đại lý với giá thấp hơn giá thị trường. Các đại lý này thấy lời tốt nên đồng ý mua để bán lại cho các DN. Tuy nhiên, thương nhân Trung Quốc chỉ thực hiện bán một phần rất nhỏ với giá thấp trong thời gian rất ngắn, sau đó họ kêu không có hàng rồi đẩy giá thị trường tăng nóng và bán cho đại lý thương mại theo giá cao của họ.
Không tìm thấy thương nhân Trung Quốc
Đến giờ một số DN Việt Nam điện thoại lại với thương nhân Trung Quốc thì tất cả đều “không liên lạc được”. Cách làm này không mới nhưng gây nhiều hậu quả xấu. Theo VPA, thứ nhất DN Việt Nam mải lo thực hiện hợp đồng với Trung Quốc nên ít quan tâm các thị trường khác. Thương nhân Trung Quốc bỏ trốn khiến DN vừa thiệt hại về doanh số vừa bị mất uy tín với các đối tác khác. Thứ hai, nhóm người Trung Quốc gây lũng đoạn thị trường, tạo giá cả biến động trồi sụt liên tục khiến các nhà làm tiêu trong nước e dè không dám mua bán, ảnh hưởng đến các giao dịch giữa nhà cung ứng với nhà xuất khẩu. Thứ ba, nhóm người Trung Quốc thu lợi lớn từ việc làm giá theo ý đồ của họ, gây thiệt hại cho nông dân và ngành hồ tiêu Việt Nam bởi việc mua bán đã không theo quy luật thị trường.
“Hiện tượng này có thể sẽ còn tiếp diễn do nhóm người này (có cả thương nhân nước ngoài và người Việt) vẫn đang nằm khá nhiều ở các vùng trồng hồ tiêu. Các DN và đại lý kinh doanh hồ tiêu cần thận trọng, cảnh giác hơn trong giao dịch mua bán không phải chỉ có với thương nhân Trung Quốc mà với cả những đối tượng khác khi có những hành vi tương tự. Các DN cần theo dõi sát tín hiệu giá cả thị trường thế giới, tập trung vào việc giữ các thị trường truyền thống, đa dạng thị trường, tập trung vào phương thức xuất khẩu chính ngạch, tránh giao dịch với những thị trường đã có nhiều bài học rủi ro cao”, VPA khuyến cáo.
Các chuyên gia cho rằng trên thực tế đó là hành vi của một nhóm người Trung Quốc chứ thật sự không phải thương nhân. Các DN, đại lý khi phát hiện những hành vi trên cần báo với cơ quan chức năng để điều tra về hành vi bất chính này.
Giá hồ tiêu xuất khẩu giảm gần 30%
Tính đến hết tháng 7, xuất khẩu hồ tiêu ước đạt 145.000 tấn với trị giá 800 triệu USD, tăng 20,4% về khối lượng nhưng giảm 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2017 đạt 5.662 USD/tấn, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ, Pakistan và Đức.
Có thể bạn quan tâm
Mục tiêu chính của dự án là chuyển giao các mô hình chuyển đổi cây trồng và biện pháp sử dụng nước tiết kiệm nhằm tăng khả năng chống chịu và nâng cao thu nhập
Ðến thăm trang trại chăn nuôi của anh Võ Văn Thoại ở thôn Thọ Lộc 1, xã Nhơn Thọ, TX.An Nhơn (Bình Định) - một nông dân dám nghĩ, dám làm và đang ăn nên làm ra
Từng có thời gian làm việc tại Nhật Bản với mức lương tương đương 40 triệu đồng/tháng, một kỹ sư điện tử ở Quảng Nam lại trở về quê lập nghiệp và thành công