Người trồng hoa Tết âu lo
Những cơn mưa dầm vào tháng 11 và những ngày đầu tháng 12 làm hàng loạt diện tích trồng hoa Tết ở ĐBSCL giảm sản lượng.
Trong ảnh: Mai vàng ở làng mai vàng Phước Định 2 đã nở hoa dù còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Ảnh: Nam Hồng
Chưa vào mùa Tết nhưng hàng loạt cây mai đã nở hoa, nhiều loại hoa khác bị ngập úng, thối rễ…, nhà vườn phải tốn thêm chi phí chăm sóc. Dự báo, hoa Tết năm nay sẽ tăng giá do lượng cung giảm.
Mai vàng nở sớm
Làng mai vàng Phước Định 2 (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) là một trong những nơi trồng mai lớn nhất ở ĐBSCL. Làng mai này hiện có khoảng 550 gốc mai cổ thụ từ 50-100 năm, 10.800 gốc 20-50 năm và trên 20.000 gốc mai tiểu (dưới 20 năm).
Để phục vụ thị trường Tết Đinh Dậu, làng mai vàng Phước Định 2 đã chuẩn bị hơn 4.000 gốc cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, đã có hơn 30% cây nở hoa với tỉ lệ từ 30%-70%, thậm chí nhiều cây đã nở hết hoa.
Ông L.H.L (ngụ ấp Phước Định 2) thở dài: “Năm nay, thời tiết thất thường, mưa nhiều, nắng nóng kéo dài nên tỉ lệ mai nở sớm quá cao. Tôi trồng hơn 40 gốc nhưng trổ bông gần hết, trong khi còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết. Năm nay, thất thu nặng rồi”.
Ông Tiêu Hùng Minh, phó ban đại diện làng mai vàng Phước Định 2, cho biết: “25%-30% mai vàng ở đây đã nở từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch. Nếu mai nở sớm hơn vào tháng 8, tháng 9 âm lịch thì Tết còn có thể ra hoa thêm. Còn nở như hiện nay thì chưa biết diễn biến ra sao. Thời tiết khó lường nên người trồng mai rất lo, hy vọng 70% cây nở đúng Tết”.
Để khắc phục tình trạng mai nở hoa sớm, mấy ngày qua, các nghệ nhân của làng mai phải tỉa cành, đắp gốc, hy vọng cây có thể ra nụ lại.
Lao đao vì hạn, mặn
Ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - nhận định: “Các loại hoa Tết năm nay đều giảm sản lượng do mưa kéo dài và xâm nhập mặn. Dự kiến, Tết này, huyện cung ứng ra thị trường trên dưới 10 triệu sản phẩm hoa, giảm 10% so với năm rồi”.
Đợt hạn mặn đầu năm 2016 ở huyện Chợ Lách ảnh hưởng đến hơn 3.000 ha hoa kiểng, cây ăn trái, thiệt hại hơn 100 tỉ đồng. Nhiều hộ phải vay vốn để đầu tư cho vụ hoa kiểng Tết 2017 với hy vọng trúng giá nhằm gỡ gạc lại.
Các hộ trồng hoa tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre thấp thỏm vì thời tiết bất thường
Ông Lê Văn Bé (ngụ xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) đầu tư nhiều tiền của trồng hàng ngàn chậu tắc nhưng kết quả không như mong muốn. “Đầu năm nay, tôi trồng 4.000 chậu tắc, định cuối năm bán. Ai ngờ, từ tháng 3, mặn xâm nhập làm chết một nửa số cây. Số còn lại, tôi đang cố gắng chăm sóc, hy vọng chỉ thu hồi được vốn trong dịp Tết” - ông Bé nói.
Bà Nguyễn Thị Lùn - người trồng cúc lâu năm ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách - cũng bất lực trước hiện tượng thời tiết cực đoan. Bà Lùn ngao ngán: “Năm nay, tới tháng 11 âm lịch mà mưa vẫn dầm dề. Gần 300 chậu cúc Hà Lan tôi vừa trồng bị ngập úng, thối rễ, đành nhổ bỏ hết”.
Nhiều hộ trồng hoa tại phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cũng gặp tình cảnh tương tự, làm chi phí sản xuất đội lên nhiều. Họ hy vọng hoa bán được giá trong dịp Tết để gỡ lại chi phí.
Kiểng hình con gà đắt hàng
Theo ông Bùi Thanh Liêm, năm nay ít có sản phẩm kiểng mới, trừ một số hộ nhập kiểng Đài Loan lá nhỏ về bán.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nhiều hộ ở huyện Chợ Lách đã tạo kiểng hình con gà và được khách hàng đặt mua nhiều. Mỗi cây kiểng hình con gà cao hơn 1 m với khoảng 30 cây gừa ghép lại, có giá khoảng 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, kiểng tạo hình 12 con giáp cũng được ưa chuộng.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 3.12, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã dành trọn một ngày để đối thoại với gần 70 doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư vào nông nghiệp
Cùng với “Lễ hội cam Cao Phong” đã có thêm một lễ hội cam nữa để khẳng định thương hiệu “cam Việt” ngay tại thị trường trong nước đó là thương hiệu cam Vân Chấn
Nghề ươm rau giống 1 tháng trung bình thu về 140 triệu đồng/ ha. vùng nông thôn Đô Lương, ngoài việc sản xuất rau xanh, bà con còn tích cực ươm rau giống