Người trồng cà phê bớt phải tự bơi
70 tỷ đồng cho quỹ
Theo đề xuất, mức thu của Quỹ Phát triển cà phê Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ. Trước mắt, mức thu cho năm 2017 là 2 USD/tấn cà phê xuất khẩu. Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến năm 2017 nguồn thu từ quỹ sẽ vào khoảng 70 tỷ đồng. Các khoản chi từ quỹ được sử dụng để hỗ trợ kinh phí tạo nguồn giống, quy trình kỹ thuật phục vụ cho tái canh cây cà phê. Chi hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn để tạm trữ cà phê xuất khẩu, mức hỗ trợ.
Theo Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam (Vicofa), liên tục trong những năm gần đây, nhu cầu vốn tái canh cho cà phê ở các vùng miền khá lớn. Dù ngành nông nghiệp đã có nhiều chương trình phối hợp giữa các Sở NNPTNT và ngân hàng, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp vay vốn tái canh cà phê, tuy nhiên, việc giải ngân vẫn rất hạn chế, việc tái canh cà phê tại các nông hộ chủ yếu vẫn là “tự bơi”.
Theo đại diện Ngân hàng NNPTNT (Agribank), hiện vốn vay tái canh cà phê không hạn chế, lãi suất chỉ 6,5%/năm. Mỗi ha cà phê được vay 150 triệu đồng, sau năm thứ 4 mới bắt đầu trả lãi và thời hạn cho vay là 8 năm. Tuy nhiên, theo quy trình tái canh cà phê của Bộ Tài chính, nông dân trồng cà phê muốn tái canh vuờn phải cải tạo đất 2 năm mới đuợc vay vốn.
Trong khi đó, cà phê là nguồn thu chính của những nông hộ này, rất khó để thuyết phục nông dân “ngồi không” trong 2 năm cải tạo đất để được vay vốn. Tại chi nhánh Agribank Gia Lai, vốn vay này những năm qua mới chỉ giải ngân được 17 tỷ đồng, chủ yếu cho doanh nghiệp nhà nước vay. Toàn tỉnh chỉ vỏn vẹn 2 hộ nông dân đuợc vay theo diện này. “Nếu giải được bài toán vốn vay tái canh từ Quỹ Phát triển cà phê Việt Nam thì quá tốt, nông dân đỡ phải “tự bơi” khi tái canh hoặc chặt bỏ vườn cà phê”- ông Lê Quang Dần- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glong (tỉnh Đăk Nông) chia sẻ.
Mong tiếp cận được vốn vay
Ông Dần cho biết, toàn huyện Đăk Glong có gần 12.170ha cà phê, trong đó, có khoảng 3.350ha cần tái canh từ nay đến năm 2020. Cũng như nhiều vùng trồng cà phê khác ở Tây Nguyên, cà phê là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình ở huyện Đăk Glong,.
Thế nhưng, những năm gần đây, số vườn cà phê già cỗi tăng mạnh, năng suất giảm nhiều trong khi giá cà phê cũng liên tục giảm, ảnh hưởng tới thu nhập của bà con nông dân. Từ năm 2015, ngành nông nghiệp địa phương đã phối hợp với ngân hàng, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn để thực hiện tái canh cà phê. Tuy nhiên, theo ông Dần, do phần lớn nông dân có diện tích vườn nhỏ lẻ, những nông hộ có diện tích lớn cũng chỉ từ 9 – 10ha nên việc tiếp cận vốn vay rất khó khăn. Hơn nữa, nông nghiệp là ngành có nhiều rủi ro nên đối với ngân hàng, việc cho vay cũng rất hạn chế.
Năm 2016, huyện Đăk Glong đặt mục tiêu tái canh khoảng 126ha. Tuy nhiên, tới thời điểm này, việc tiếp cận vốn vay của nông dân vẫn rất khó khăn. “Nếu có Quỹ Phát triển cà phê bền vững, nông dân chỉ cần tiếp cận được vốn vay với lãi suất ưu đãi là quý lắm rồi. Việc tái canh cà phê không thể chậm trễ nhưng điều kiện vốn vay hiện còn khó lắm, mà ngành nông nghiệp thì chỉ có thể làm cầu nối cho nông dân và ngân hàng”- ông Dần nhấn mạnh.
Trong khi đó, anh Đinh Văn Phong- Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) cà phê A-Z (xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông), cũng cho biết, cà phê là sản phẩm nông nghiệp chính của các xã viên trong tổ, tuy nhiên, một số vườn cà phê đã già cỗi, cần tái canh. Theo anh Phong, dù có kinh nghiệm trồng cà phê hơn chục năm nay, tuy nhiên, việc chọn giống tốt, năng suất cao, kháng chịu sâu bệnh tốt… vẫn là “điểm yếu” của các xã viên trong tổ. Cả chục năm trồng cà phê nhưng theo anh Phong, ban đầu anh chỉ đi làm thuê rồi tự học lỏm hoặc tự rút kinh nghiệm từ thực tế thôi, chưa được hướng dẫn hoặc chỉ dạy gì bài bản cả.
Mới đây, sau nhiều đêm trăn trở về quy trình trồng, chế biến cà phê khép kín, anh Phong cùng một số hộ nông dân cùng sở thích trong xã thành lập THT Cà phê A-Z, đặt mục tiêu phát triển theo hướng bền vững từ trồng trọt đến thu hoạch, rang xay và tiêu thụ. Khi được giới thiệu về Quỹ Phát triển cà phê Việt Nam do Bộ Tài chính vừa ra quyết định thành lập, anh Phong cho rằng, điều cần thiết không chỉ là vốn mà còn là nguồn giống tốt. Theo đó, các xã viên trong THT đều mong muốn có giống cà phê có thể kháng được sâu bệnh, cho nhiều hoa và có khả cho cành thứ cấp khỏe mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi nhiều nhận định cho rằng, khi tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi, nhưng trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng: Vào TPP là cơ hội không thể tốt hơn để chúng ta đổi mới triệt để ngành chăn nuôi trong nước.
“Tôi điện thoại khắp các nơi nhưng thương lái họ lắc đầu dù tôi có giảm giá hay khuyến mãi đến mức nào đi chăng nữa. Nếu 10 ngày nữa không ai mua thì 10 tấn bí kia sẽ thối hết. Tiền đầu tư 12 triệu coi như đổ xuống sông”, anh Mai Công Phụng, thôn 3, xã An Trung (huyện Kông Chro, Gia Lai) chua chát nói.
Sa mạc Sahara sẽ trở thành nơi trồng rau xanh và cung cấp năng lượng sạch cho con người trong tương lai.