Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Người nuôi cá bớp và giấc mơ gắn kết du lịch biển

Người nuôi cá bớp và giấc mơ gắn kết du lịch biển
Tác giả: Phương Oanh - Trang Hiếu
Ngày đăng: 15/12/2018

Tiếp cận xu hướng làm ăn theo thời cuộc mới, những ngư dân làng biển Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đang khát khao xây dựng được một mô hình kinh tế theo hướng nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch, thực hiện ước vọng vươn lên làm giàu từ biển.

Nuôi cá bớp trong lồng bè ở vùng biển Mũi Né. Ảnh: Trang Hiếu 

Từ chuyện nuôi cá đặc sản

Chúng tôi xin lên chiếc xuồng máy của một chủ bè ra tham quan khu nuôi cá bớp ở bãi trước biển Mũi Né. Thời tiết đang vào Thu, trời nắng nhẹ, biển xanh trong, từng con sóng nhẹ đẩy những chiếc bè lên xuống dập dềnh. Không gian thoáng đãng cùng tiếng sóng rì rào mang đến cho du khách cảm giác thư thái, an lành của một vùng quê biển lâu đời với những cư dân vạn chài chân chất, quanh năm lặn lội trên bến, dưới thuyền, say sưa bám biển mưu sinh.

Chiếc xuồng chúng tôi cập vào khu bè gần nhất. Người chèo xuồng cho biết, đó là bè của chị Nguyễn Thị Hồng Mỹ, một trong những chủ bè nuôi cá bớp khá thành công. Từ trong nhà chòi trên bè, một thanh niên vóc dáng to, khỏe bước ra, nhanh tay chụp lấy chiếc dây do anh lái xuồng chở chúng tôi quăng tới, kéo mạnh để rút chiếc xuồng cập sát bè rồi cột neo vào cọc trụ.

Người đàn ông này tự giới thiệu mình là người làm công cho chị Mỹ, tên là Nguyễn Văn Chương, có thâm niên hàng chục năm nuôi cá bớp tại bè này. Dẫn chúng tôi đi qua các dãy bè, anh Chương chỉ tay về phía những rổ cá giã tươi vừa được mua từ bến cá, cho hay, lúc nữa anh sẽ ngồi băm vụn số cá này rồi thả xuống bè cho cá ăn. “Cá bớp tại đây được nuôi hoàn toàn bằng cá tươi nên việc chăm sóc kỳ công hơn nuôi bằng thức ăn công nghiệp” - Anh Chương giải thích.

Theo anh Chương, cá bớp ăn tạp, dễ nuôi, mau lớn, tỷ lệ hao hụt thấp và ít rủi ro. Lợi thế của vùng Mũi Né là nước biển lưu thông liên tục nên vùng nuôi sạch, nước trong. Song, để cá khỏe, người nuôi cần phải tuân thủ việc giữ được vệ sinh cho cá. Tức, con cá phải được tắm thường xuyên để tránh bị nhiễm bệnh.

Vừa nói, anh Chương vừa đưa tay lấy một chậu lớn, hứng nước ngọt từ một chiếc thùng trên cao chảy xuống. Tiếp đó, anh dùng vợt, lần lượt vớt những con cá, thả vào chậu nước ngọt, để vài phút cho cá tự vẫy vùng rồi lại vớt lên, thả xuống bè và giải thích, đó là thao tác tắm cho cá. Anh Chương cũng cho biết, nghề nuôi cá bớp đầu tư khá lớn, vì cùng với chi phí làm bè, tiền đầu tư mua con giống, thì chi phí cho ăn là không nhỏ. Chưa tính tiền con giống, mỗi ngày, chủ bè phải chi khoảng 20 triệu đồng bao gồm tiền công người nuôi cá, xăng dầu, vận chuyển thức ăn cho cá, cá tươi làm thức ăn cho cá bớp; như vậy hết khoảng 500 đến 600 triệu đồng mỗi tháng.

Chỉ tay xuống những ô lồng dưới bè, anh Chương giới thiệu, bè nuôi của chị Mỹ có 36 ô lồng, những lứa cá được thả nuôi theo kiểu gối đầu. Tùy theo độ tuổi mà cá thả nuôi theo mật độ khác nhau. Loại cá 6 tháng thì mỗi lồng có khoảng 200 con, cá nuôi được 12 tháng hoặc đến lúc gần xuất bán mỗi ô lồng có từ 120-150 con. Hiện, trị giá của khối tài sản của chị Mỹ ở dưới mặt nước này trên chục tỉ đồng.

Anh Nhàn, một chủ bè bên cạnh cho biết thêm, từ lúc được thả xuống, sau khoảng 12 tháng nuôi, cá bớp đạt trọng lượng trung bình từ 5 đến 7kg một con. Cá bớp ở Mũi Né nói riêng và Bình Thuận nói chung, giá cao hơn so với các địa phương khác từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, nhưng vẫn hút hàng. Tại bè Mũi Né, cá vớt lên được bán khoảng 210.000 đồng/kg, trong khi đó, tại các chợ Phan Thiết, giá cá bớp của địa phương khác đổ về chỉ có giá khoảng 150.000 đồng/kg loại 2-3 kg/con và 185.000 đồng/kg loại 4 kg /con trở lên. “Thịt cá bớp Mũi Né có hương vị đặc trưng không thể nào lẫn thịt cá nơi khác. Cá thơm, dai, vị ngọt tự nhiên, mềm nhưng không bở và không hôi rong bùn. Vậy nên, ai ăn vào cũng đều khen rất ngon. Tại vùng nuôi này, mỗi lứa cá xuất bán các doanh nghiệp xuất khẩu và các chủ nhà hàng đều đến tận nơi mua sạch hàng” - Anh Nhàn nói.

Đến sản phẩm du lịch biển

Từ bè của chị Mỹ nhìn ra, chúng tôi bắt gặp một nhóm thanh niên trẻ trên khu bè cá gần bên đang đưa giỏ hứng lấy những con cá bớp to bằng bắp chân người lớn, được vớt lên từ một ô lồng. Sau khi cân cá xong, họ thu dọn túi hành lý, chuẩn bị xuống xuồng để quay vào bờ. Một bạn trẻ trong nhóm hào hứng kể, họ đến từ thành phố Hồ Chí Minh, đã hai, ba lần đi du lịch Mũi Né và không lần nào không chọn món cá bớp trong thực đơn, mỗi lần ăn theo một kiểu chế biến khác nhau. “Lần đầu tụi tui vào nhà hàng ăn lẩu cá bớp, thấy cá bớp nơi này ngon hơn nhiều so với các tỉnh khác nên hỏi thăm rồi thuê xe ra thẳng những bè nuôi ở bãi này. Thấy các chủ bè và ngư dân nơi này thân thiện, dễ mến nên vài anh em làm quen rồi năn nỉ xin được theo xuồng đến tận nơi, mục sở thị vùng nuôi” - Bạn trẻ tên là Văn nói. Bây giờ, được tự tay bắt con cá tươi rói từ dưới lồng nuôi đem vào bờ, nấu món mình ưa thích đã là một điều lý thú trong chuyến du lịch Mũi Né của họ.

Theo các chủ bè, ngoài việc được thưởng thức thực phẩm ngon, sạch, nhiều du khách muốn ra bè tham quan, ăn uống, ngủ trưa trên lồng bè, nhưng chủ bè e ngại vì người nuôi không được cấp phép dịch vụ du lịch để đưa khách  xuống bè.

Chúng tôi trở về bờ mang theo những suy tư khi cảm nhận rằng, cùng với thương hiệu cá bớp Phan Thiết nói chung và Mũi Né nói riêng, nghề nuôi cá bớp tại Mũi Né này đã là một hình thái du lịch hấp dẫn du khách. Việc xây dựng mô hình nuôi cá bớp lồng bè thân thiện môi trường gắn với du lịch cũng là một ý tưởng hay. Du khách đến tham quan lồng bè sẽ cùng ngư dân chăm cá, thả mồi, câu cá và thưởng thức món ăn từ cá bớp trong không gian thanh bình. Một khi trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, trị giá cá bớp Mũi Né sẽ tăng hơn nhiều, góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân.

Việc chăm sóc cá bớp đòi hỏi rất kỳ công, vì thức ăn cho chúng hoàn toàn bằng cá tươi. Ảnh: Trang Hiếu 

Tâm sự với chúng tôi, người phụ nữ chủ bè cá bớp nổi tiếng ở Mũi Né không giấu niềm tự hào cho biết, thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho dải đất Bình Thuận này nguồn nước trong xanh, môi trường nuôi sạch, đáy biển rất ít bùn. Khu vực này nước trao đổi liên tục nên nhiều năm nay không có tình trạng ô nhiễm môi trường, không có tình trạng cá bị dịch bệnh. Thêm vào đó, độ mặn nước biển lý tưởng, lưu lượng dòng chảy thích hợp đảm bảo lượng ô-xi nên con cá sống ở nơi này thịt thường ngon, đậm đà hơn nơi khác. “Tôi nghĩ thương hiệu cá bớp Mũi Né, cá bớp Phan Thiết, Bình Thuận đã được nhiều người biết. Để thương hiệu đó tiếp tục lan xa, cần phải cho du khách thấy được cách nuôi, vùng nuôi của bà con mình thực sự uy tín, đảm bảo an toàn” - Chị Mỹ chia sẻ.

Chị Mỹ cũng tự tin nói rằng, mình và bà con nơi này sẽ thích ứng với phương thức phát triển kinh tế theo xu hướng kết hợp vừa làm du lịch, vừa nuôi trồng thủy sản, xây dựng được mô hình làm ăn căn cơ, vùng nuôi an toàn, tạo sinh kế cho đông đảo người lao động nơi này. Chị tâm sự, mình sinh ra, lớn lên bên bờ chân sóng này, đã thấm đẫm cái mặn mòi của biển nên yêu biển, yêu vùng đất này còn hơn yêu cả bản thân mình. “Chúng tôi thực sự muốn làm giàu và đóng góp xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển bằng chính công việc làm ăn của mình” - Chị Mỹ bộc bạch.

Ước mơ là thế, nhưng tương lai của nó có như ý nguyện của người nuôi trồng thủy sản nơi này hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, người nuôi cần có sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền.


Có thể bạn quan tâm

Sử dụng kháng sinh đúng cách và hiệu quả Sử dụng kháng sinh đúng cách và hiệu quả

Để xử lý và cải thiện môi trường, kiểm soát dịch bệnh người nuôi tôm cần sử dụng một số loại hóa chất, thuốc và chế phẩm sinh học

14/12/2018
Độc đáo đặt xà di bắt cá rô miền Tây Độc đáo đặt xà di bắt cá rô miền Tây

Gần đây phát minh rất độc đáo của nhiều người dân là dùng xà di bỏ mồi vào dụ bắt cá rô, tuy rất đơn giản mà đem lại hiệu quả cao.

14/12/2018
Nâng cao hiệu quả mô hình rươi - lúa Nâng cao hiệu quả mô hình rươi - lúa

TT Khuyến nông Quảng Ninh triển khai thử nghiệm mô hình “Canh tác rươi - lúa hữu có bổ sung rươi giống”. Đến nay, mô hình phát triển tốt, hứa hẹn hiệu quả cao

14/12/2018
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.