Người làm nông nghiệp hữu cơ mong tiếp cận nguồn gen quý
Nếu không có quỹ hạt giống bản địa việc tái thiết hệ sinh thái sẽ gặp khó khăn trong khi nhiều nguồn gen vẫn nằm trong hộc tủ.
Các giống lúa đặc sản được bảo tồn tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Loan.
Từ ngày 15/10, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sẽ được nhận nhiều ưu đãi từ Chính phủ theo Nghị định 109.
Theo đó các cơ sở sẽ được hỗ trợ 100% chi phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện theo các văn bản đã được ban hành trước đó.
Bà Nguyễn Thị Phương Liên, Nông trại hữu cơ Tuệ Viên cho rằng, đây là tin vui vì t trước đến nay Chính phủ chưa có bất cứ văn bản, quy định gì về nông nghiệp hữu cơ. Nông trại của bà đã làm nông nghiệp hữu cơ cách đây hơn 10 năm nhưng theo cách tự đi, tự mò. Cái khó mà nhiều người làm nông nghiệp hữu cơ đang gặp đó là tìm giống bản địa. Trong khi để khai thác được lợi thế vùng miền với giá trị đặc sắc, hương vị nguyên bản sản phẩm phụ thuộc nhiều vào hạt giống.
Hiện bà con phải lưu giữ hạt giống cho mùa vụ sau thay vì mua giống lai, năng suất cao trên thị trường. Nếu dùng hạt giống lai, rủi ro là không tương thích đa dạng sinh học, có thể phá vỡ môi trường sinh thái. Vì thế người làm nông nghiệp hữu cơ mong có chính sách của Chính phủ trong bảo tồn, tiếp cận nguồn gen bản địa.
"Bảo tồn gen nhưng không nằm ở đề tài, trong hộc tủ mà đưa ra thực tế để những người làm nông nghiệp hữu cơ tiếp cận được dễ dàng. Nếu không có quỹ hạt giống này việc tái thiết hệ sinh thái sẽ gặp khó khăn. Hiện các giống rau thông dụng đã có nhưng ở các địa phương khi làm nông nghiệp hữu cơ gặp khó khăn khi tìm lại hạt giống quý", bà Liên nói.
Giải độc tố trong đất, tìm cặp cây bổ trợ
Bà Liên cho biết, ở Tuệ Viên 10 năm qua đã tập trung cho việc cải tạo nên hiện đất rất phì nhiêu và màu mỡ. Trên từng centimet đất, các hệ vi sinh vật hoạt động rất tốt. Có được như vậy là do nông trại kết hợp với các đơn vị nghiên cứu ra chủng vi sinh vật để cải tạo đất, thải độc bằng các chế phẩm vi sinh.
Trên mặt bằng chung các diện tích đất canh tác rau màu đã đi quá xa với tự nhiên sau nhiều năm canh tác lạm dụng hóa chất. Vì vậy con đường quay trở về canh tác hữu cơ truyền thống sẽ rất chông gai.
"Chúng ta chỉ còn trông chờ vào khoa học, công nghệ làm thế nào để giải phóng độc tố, đưa vi sinh vật trở lại hoạt động trong đất nhanh nhất để tái thiết hệ sinh thái", bà Liên nói.
Bên cạnh đó, cũng cần có những nghiên cứu để biết được cặp cây nào có thể bổ trợ dinh dưỡng cho nhau, cặp nào không nên trồng cùng nhau. Những điều này, cần sự tham gia của khoa học.
Rau hữu cơ được trồng xen canh. Ảnh: P.L
GS Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương cho biết, hiện nhiều viện nghiên cứu ở Việt Nam đã thử nghiệm các cặp cây bổ trợ tốt cho nhau. Ví dụ, trồng ngô xen đậu tương; trồng chè dưới các cây che bóng mát sẽ giúp cho chè tổng hợp chất tốt hơn. Thậm chí có những loại cỏ cũng hỗ trợ cho cây như cỏ trong vườn lạc giúp cố định đạm trong đất, che phủ những diện đất không canh tác để nuôi dưỡng hệ sinh thái.
Điều này giải thích cho việc tại các khu vườn trồng theo phương pháp hữu cơ sẽ có nhiều loại rau được trồng xen lẫn nhau. Nhìn có vẻ manh mún những đều có chủ đích. Ngay cả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát sẽ không ảnh hưởng toàn bộ khu vườn.
Hiện Việt Nam có 35.000 mẫu giống được lưu giữ tại hệ thống bảo tồn cây trồng quốc gia do Trung tâm Tài nguyên thực vật làm đầu mối. Các giống thuộc nhóm nguồn gen: Cây ngũ cốc, cây đậu đỗ, cây rau và gia vị, cây có củ, cây ăn quả và cây công nghiệp, cây thức ăn chăn nuôi và cây cải tạo đất, cây hoa, nấm ăn và nấm dược liệu.
Nghị định 109 quy định 5 nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ:
1. Quản lý các tài nguyên (bao gồm đất, nước, không khí) theo nguyên tắc hệ thống và sinh thái trong tầm nhìn dài hạn.
2. Không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất, tránh trường hợp con người và môi trường tiếp xúc với các hóa chất độc hại, giảm thiểu ô nhiễm ở nơi sản xuất và môi trường chung quanh.
3. Không sử dụng công nghệ biến đổi gen, phóng xạ và công nghệ khác có hại cho sản xuất hữu cơ.
4. Đối xử với động vật, thực vật một cách có trách nhiệm và nâng cao sức khỏe tự nhiên của chúng.
5. Sản phẩm hữu cơ phải được bên thứ ba chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được áp dụng trong sản xuất sản phẩm hữu cơ.
4 yêu cầu:
Bộ tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành có hiệu lực từ 29/12/2017 gồm 4 phần:
Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Phần 2: Trồng trọt hữu cơ.
Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ.
Phần 4: Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.
Có thể bạn quan tâm
Trái mít chín khi xẻ ra màu vàng ươm, mùi vị rất thơm. Đặc biệt, mít hầu như không có xơ, múi to nhất có thể đến 200 gr và hạt rất nhỏ.
Nắm được nhu cầu sử dụng nấm của người dân rất cao, chị Trần Thị Bích Phượng (Gia Lai) đã bắt tay xây dựng trang trại nấm và thu lợi hàng trăm triệu đồng
Thật thú vị vì vùng đất này đổi thay từng ngày. Dân giàu lên trông thấy. Họ thực sự hạnh phúc. Những gia đình thu tới bạc tỷ trong năm không còn hiếm nữa.