Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Ngư dân đoàn kết tự tạo ra sức mạnh trên biển

Ngư dân đoàn kết tự tạo ra sức mạnh trên biển
Tác giả: Vũ Đình Thung
Ngày đăng: 23/06/2016

Tàu cá hành nghề đánh bắt thủy sản luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro thiên tai, máy móc hỏng hóc, bị tàu nước ngoài rượt đuổi để tranh giành ngư trường. Những năm qua ngư dân tỉnh Bình Định đã tự tạo sức mạnh trên biển bằng cách thành lập nhiều tổ đội đoàn kết khai thác thủy sản để hỗ trợ nhau...

Bình Định là tỉnh có lực lượng tàu cá khai thác thủy sản trên biển khá lớn với 7.024 chiếc, trong đó có 3.326 chiếc có công suất từ 90CV trở lên chuyên đánh bắt khơi xa với các nghề: Câu cá ngừ đại dương, câu mực, mành chụp mực, lưới rê, lưới vây rút chì ngày, lưới vây rút chì đêm…

Những năm trước đây, khi còn đi đánh bắt đơn lẻ trên biển, mỗi khi gặp sự cố hiểm nguy thì ngư dân trên tàu gặp nạn phải đơn độc chống chọi và thường thì tai không qua, nạn không khỏi.

Trước thực tế này, ngành nông nghiệp Bình Định đã không ngừng tuyên truyền, vận động ngư dân thành lập các tổ đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển để kịp thời hỗ trợ nhau trong SX và nhất là khi có tàu gặp nạn. Những tổ đội đoàn kết vừa nâng cao hiệu quả đánh bắt, vừa góp phần bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

Hoài Nhơn là huyện có lực lượng tàu cá lớn nhất Bình Định với gần 2.400 chiếc các loại với tổng công suất 465.000CV, trong đó có trên 1.400 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ. Từ một vài tổ đội được thành lập ban đầu hoạt động có hiệu quả, đến nay huyện đã thành lập được 450 tổ đội đoàn kết khai thác thủy sản với 1.550 tàu cùng 14.000 ngư dân tham gia.

Theo lão ngư Bùi Thanh Ninh ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, để các tổ đội đoàn kết hoạt động hiệu quả, cần phải có sự đồng thuận của ngư dân. Nhờ khai thác được yếu tố đồng thuận mà các tổ đội đoàn kết trong đội tàu 16 chiếc của ông luôn hoạt động có hiệu quả.

Ông Ninh cho biết: “Đội tàu cá của tôi có 16 chiếc với tổng công suất 6.000CV, trong đó riêng tôi làm chủ 10 chiếc, 6 chiếc còn lại do các ngư dân khác làm chủ, nhưng tôi cũng có tham gia hỗ trợ đầu tư. Tôi không trực tiếp đi đánh bắt, nhưng ở nhà điều hành đội tàu hoạt động qua bộ đàm tầm xa. Hoạt động của các tổ đội đoàn kết bao gồm cả dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua hải sản từ các tàu đang đánh bắt ngoài khơi vận chuyển vào bờ tiêu thụ; cung cấp nhiên liệu, đá lạnh, lương thực... Riêng gia đình tôi trong năm 2015 có thu nhập trên 1 tỷ đồng”.


Đến nay tỉnh Bình Định có 516 tổ đội đoàn kết khai thác thủy sản với 2.111 tàu cá tham gia. Nhờ hoạt động hiệu quả, trong 5 tháng đầu năm 2016, ngư dân đã đánh bắt được 83.374 tấn hải sản các loại, tăng 5,7% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng sản lượng cá ngừ đại dương đạt đến 4.613 tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ.

Lão ngư Nguyễn Văn Ái ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ cho rằng, khi tham gia tổ đội đoàn kết, ngư dân được gần gũi với nhau như người nhà, hết lòng lo lắng cho nhau khi có tàu trong tổ đội gặp nạn. Khi gặp luồng cá lớn, các tàu trong tổ đội còn chia sẻ công việc cho nhau, nhất là trong mùa mưa bão họ càng gắn kết hơn, liên tục thông tin cho nhau tình hình mưa bão để tìm cách tránh nạn.

Ngoài ra, Bình Định còn đẩy mạnh việc đóng mới tàu cá có công suất lớn với trang thiết bị hiện đại để đủ điều kiện hoạt động trên biển dài ngày nhằm khai thác đạt hiệu quả hơn.

Theo ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, đơn vị đang phối hợp với Đại học Nha Trang xây dựng thêm 2 thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ. Đồng thời thông báo và cung cấp hồ sơ thiết kế, khái toán giá thành từng mẫu tàu cho các ngân hàng thương mại trong tỉnh, cơ sở đóng tàu và ngư dân đăng ký đóng tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67 để thực hiện.

Cũng theo ông Hổ, để đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển, ngành nông nghiệp Bình Định còn đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đăng ký, đăng kiểm tàu cá của ngư dân; tăng cường cán bộ trực tại 2 trạm bờ ở TP Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn để giám sát tàu cá và thường xuyên liên lạc với các tàu đang đánh bắt trên biển. Đồng thời phân tần số thông tin liên lạc riêng cho tàu thuyền từng xã nhằm chống nghẽn mạng, đảm bảo không bị tắt liên lạc.


Có thể bạn quan tâm

Kiên Giang triển khai mô hình nuôi lươn trên bể lót bạt sử dụng thức ăn công nghiệp Kiên Giang triển khai mô hình nuôi lươn trên bể lót bạt sử dụng thức ăn công nghiệp

Sáng ngày 10/6/2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa giao 9.000 con lươn giống cho 5 điểm (1.800 con/điểm) trên địa bàn các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao và thành phố Rạch Giá.

22/06/2016
Nỗi buồn của những vua trang trại Nỗi buồn của những vua trang trại

Dù bỏ ra rất nhiều công sức, tiền bạc, xây dựng được cơ ngơi đồ sộ với những trang trại hiện đại, năng suất hấp dẫn… Thế nhưng, rất nhiều “ông chủ” đã phải thua cuộc vì khi ra thị trường, sản phẩm không có thương hiệu, hoặc phải “núp bóng” những nhà đầu tư nước ngoài. Dần dần rồi cũng thua lỗ thậm chí phá sản...

23/06/2016
Cá ngừ đại dương bị ép giá vì chất lượng thấp quá! Cá ngừ đại dương bị ép giá vì chất lượng thấp quá!

Cá ngừ đại dương hiện dao động 88.000 - 90.000 đồng/kg, giảm 10.000 - 12.000 đồng/kg so với các tháng trước có lẽ đang là câu chuyện “nóng” của ngư dân Nam Trung Bộ. Doanh nghiệp cho rằng đã cố “níu giá” cho ngư dân nhưng vì chất lượng cá quá thấp.

23/06/2016