Trang chủ / Trồng nấm / Nấm bào ngư

Nghiên cứu chọn lọc giống nấm bào ngư cho năng suất chất lượng tốt

Nghiên cứu chọn lọc giống nấm bào ngư cho năng suất chất lượng tốt
Tác giả: Thái Hà
Ngày đăng: 14/11/2017

Bào ngư xám là một loại nấm ngon, được trồng phổ biến ở Việt Nam nhưng hiện nó hiện đang bị thoái hóa, trồng khó, cho năng suất thấp. Vì vậy, Trung tâm nghiên cứu linh chi và nấm dược liệu (TP.HCM) đã nghiên cứu chọn lọc giống nấm bào ngư mới cho năng suất chất lượng tốt hơn.

Việc chọn lọc thành công giống nấm bào ngư cho năng suất cao là tín hiệu vui với người nông dân. Ảnh minh họa

Theo tin tức từ báo Vietnamplus, bào ngư xám (Pleurotus sajor-caju) là một loại nấm ngon, màu xám nâu, cuống trắng muốt, thịt chắc, ăn giòn, ngọt, hơi dai, được trồng phổ biến ở miền Nam, nhất là ở TP. HCM và các tỉnh miền Đông, miền tây Nam bộ và là nguồn nấm chủ lực cho thị trường.

Tuy nhiên, nó hiện đang bị thoái hóa, trồng khó, cho năng suất thấp. Hậu quả là nấm không mọc đồng loạt ở các bịch phôi, sản lượng không ổn định, đều đặn, việc thu hoạch kéo dài. Thời gian nuôi trồng kéo dài còn làm tăng tỷ lệ nhiễm bệnh. Vì vậy, hiện nay các nhà trồng nấm đều trồng nấm bào ngư trắng (Pleurotus florida), có năng suất cao, giá thành thấp; nhưng không được ngon và dễ bị rách, giập trong quá trình thu hái, vận chuyển.

Sau một thời gian nghiên cứu, ThS. Phan Thị Nhiều và cộng sự thuộc Trung tâm nghiên cứu linh chi và nấm dược liệu (TP.HCM) đã thành công trong việc chọn lọc, phục tráng giống bào ngư xám. Giống được chọn lọc có đặc điểm sinh học mới là ra quả thể đồng loạt trên tất cả các bịch phôi, chỉ cần thu hái hai lần, sản lượng đạt từ 250 đến 300 g/bịch phôi 1,2 kg, hiệu suất sinh học đạt từ 63 đến 75%; thời gian từ khi cấy giống đến khi thải loại chỉ còn từ 2,5 đến 3 tháng. Việc chăm sóc trở nên dễ dàng hơn.

Anh Huỳnh Trung Tín, ở ấp Tân An (Tân Bình, Tây Ninh) mạnh dạn đầu tư xây dựng 10 nhà lá với diện tích 70m2/nhà bằng cây lá để trồng nấm bào ngư xám. Chỉ trong vòng 4 tháng, với 30.000 bịch phôi, anh thu hoạch được 15 tấn nấm, bán với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, còn lời khoảng 150 triệu đồng.

Nấm bào ngư xám rất dễ trồng. Phôi nấm được nuôi trong nhà kín, được trang bị máy đo để đảm bảo nhiệt độ luôn giữ từ 25 - 30 độ C, độ ẩm từ 80 - 85%, cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ và mức độ sinh trưởng của phôi để điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp. Mỗi ngày phun nước tưới nấm 3 - 4 lần. Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm hệ thống tưới tự động trên nóc nhà.

Trồng nấm bào ngư xám không tốn nhiều đất nhưng quan trọng là phải đảm bảo quy trình trồng hợp lý, khoa học.Trong mỗi nhà, những bịch phôi nấm được chất thành hàng cố định trên kệ. Do nấm bào ngư xám thích nghi với môi trường ẩm ướt nên phần mái nhà được lợp lá, nền đổ cát. Xung quanh nhà bao bằng lưới chắn côn trùng và lưới lan giảm ánh sáng, gió lùa.

Ưu điểm của nấm bào ngư xám là thời gian trồng ngắn, nhanh thu hồi vốn và có lời ngay. Tuy nhiên, người muốn trồng nếu không có kỹ thuật nhất định sẽ gặp nhiều khó khăn như phôi nhiễm bệnh mốc xanh, mốc đen. Thu hoạch không kịp nấm nở to mất giá. Sau khi thu hoạch từng đợt không vệ sinh kỹ cạo hết gốc nấm cũ làm tai nấm mới không thể mọc ra tiếp làm giảm năng suất.


Có thể bạn quan tâm

Cách trồng nấm bào ngư tại nhà hiệu quả Cách trồng nấm bào ngư tại nhà hiệu quả

Nhu cầu thực phẩm sạch hiện nay đang là một đề tài được bàn luận rất sôi nổi. Đây là một nhu cầu rất thiết thực và có ý nghĩa khi mà có quá nhiều thực phẩm kém chất lượng đang được bày khắp các chợ kể cả siêu thị mà không được kiểm tra giám sát.

26/09/2016
Hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm bào ngư (nấm sò) Hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm bào ngư (nấm sò)

Nấm nói chung là loại thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng cần thiết cho con người, hàm lượng protein (đạm thực vật) có trong nấm tương đương với thịt, cá và rất giàu chất khoáng, acid amin. Do nấm được trồng trong môi trường sạch: không phân bón, không thuốc sát trùng, nước tưới cũng phải sạch nên nấm được đánh giá là "rau sạch, thịt sạch", có lợi cho người ăn kiêng nói riêng và cho mọi người nói chung.

26/09/2016
Quy trình kỹ thuật sản xuất nấm bào ngư Quy trình kỹ thuật sản xuất nấm bào ngư

Nấm sò có tên khoa học là Pleurotus spp., còn có tên khác là nấm bào ngư. Nấm sò có nhiều loại, khác nhau về màu sắc, hình dạng, khả năng thích nghi với các điều kiện nhiệt độ: loại chịu lạnh nhiệt độ thích hợp từ 15-20oC, loại chịu nhiệt thích hợp ở điều kiện nhiệt độ 25-30oC.

26/09/2016