Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghịch Lý Xuất Nhập Nông Sản

Nghịch Lý Xuất Nhập Nông Sản
Ngày đăng: 29/07/2014

Là một nước nông nghiệp chủ lực nhưng mỗi năm xuất khẩu lúa gạo của cả nước chưa bằng một nửa kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.

Năm nay, kim ngạch nhập khẩu (NK) mặt hàng này lại đang tăng chóng mặt. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), giá trị NK nhóm mặt hàng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và nguyên liệu sản xuất TĂCN trong tháng 7.2014 ước đạt 329 triệu USD, đưa kim ngạch NK 7 tháng đầu năm lên 1,95 tỉ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh

Thị trường NK chính của nhóm mặt hàng này là Argentina (32,8%), Mỹ (14,8%) và Trung Quốc (10,9%). Riêng kim ngạch nhập TĂCN và nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2014 đã tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Chuyển đổi cây trồng không đơn giản chỉ là thay cây này bằng cây khác mà nó còn gắn với hàng loạt vấn đề về hạ tầng, khoa học kỹ thuật, giống, thủy lợi, về đầu ra...

- Một chuyên gia ở Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL

Đối với đậu tương (đậu nành), ước khối lượng NK trong tháng 7.2014 đạt 19.000 tấn với giá trị 120 triệu USD, đưa khối lượng NK mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm đạt 918.000 tấn, giá trị NK đạt 543 triệu USD, tăng 2% về lượng nhưng giảm nhẹ 0,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Đối với mặt hàng bắp, khối lượng NK trong tháng 7.2014 đạt 230.000 tấn với giá trị đạt 63 triệu USD, đưa khối lượng NK mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm đạt 2,62 triệu tấn, giá trị NK đạt 681 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng và 1,9 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Brazil, Ấn Độ và Thái Lan là các thị trường NK chính của mặt hàng này.

Với đà này, nhiều khả năng đến hết năm nay, nước ta sẽ NK đến trên 4,5 triệu tấn bắp (2/3 nhu cầu), kim ngạch NK hơn 1 tỉ USD.

Tổng cộng kim ngạch NK các mặt hàng trên phục vụ cho chăn nuôi từ đầu năm đến nay đã xấp xỉ trên 3 tỉ USD, trong khi đó, xuất khẩu lúa gạo (chiếm phần lớn diện tích ở ĐBSCL) chỉ mới đạt 1,45 tỉ USD.

Bấp bênh

Để cân bằng mức nhập siêu này chẳng còn cách nào khác là phải đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cây lúa bằng những cây trồng cung cấp nguyên liệu TĂCN đang phải NK. Quyết định số 580/QĐ-TTg ngày 22.04.2014 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chính sách chi hỗ trợ 2 triệu đồng/ha giúp nông dân chuyển đổi cây trồng từ ngân sách nhà nước.

Đối với cây trồng biến đổi gien, các bộ ngành cũng đã hoàn thiện khung pháp lý đánh giá an toàn sinh học cây trồng này. Tuy nhiên, hơn một năm nay, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa diễn ra chậm chạp và chủ yếu vẫn còn đang thí điểm.

Ngoài việc chuyển đổi cây trồng, đẩy mạnh phát triển diện tích trồng bắp lai, việc áp dụng công nghệ biến đổi gien cho cây bắp cũng đã được các bộ ngành VN hoàn thiện khung pháp lý đánh giá an toàn sinh học.

Từ tháng 5 đến nay  Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ NN-PTNT đã họp Hội đồng an toàn sinh học để đánh giá hồ sơ của công ty Dekalb VN (Monsanto) và Syngenta, trên cơ sở đó hội đồng tư vấn cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT để đưa ra quyết định phê duyệt cho việc chính thức sử dụng cây trồng biến đổi gien tại VN.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong ngành, chừng nào VN chưa tích cực đột phá để tạo nguồn nguyên liệu thay thế thì chừng đó ngành chăn nuôi vẫn còn phụ thuộc NK, nhập siêu sẽ còn tiếp tục nặng nề.

Theo Cục Trồng trọt, các mô hình thí điểm chuyển đổi cây trồng ở ĐBSCL cho lợi nhuận cao hơn trồng lúa từ 30 - 100%. Dù vậy, việc triển khai đại trà lại là chuyện khác vì nó phải được gắn trực tiếp vào thị trường.

Điển hình là tại Đồng Tháp, dù lợi nhuận cao hơn trồng lúa nhưng diện tích trồng đậu nành chính tại Đồng Tháp lại giảm dần qua từng năm. Cụ thể năm 2005, tỉnh này có đến 11.500 ha trồng đậu nành thì đến năm 2012 chỉ còn 1.700 ha; năm 2013 con số này là 864 ha. 

“Diện tích cây màu vẫn không tăng mà lại còn giảm qua từng năm do chưa hình thành được chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN). Đầu ra bấp bênh nên nông dân chưa an tâm sản xuất”, ông Nguyễn Phước Tuyên, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NN-PTNT Đồng Tháp), phân tích.

Chậm còn hơn không

Đại diện một DN chế biến TĂCN lớn tại Đồng Nai bộc bạch: “Chúng tôi cũng muốn mua bắp trong nước để hỗ trợ người nông dân, và tiết kiệm được nhiều chi phí, nhưng do đặc tính sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên chất lượng bắp trong nước không đồng đều, độ ẩm không đồng nhất… gây ảnh hưởng đến việc bảo quản và chất lượng đầu ra của sản phẩm.

Trong khi đó, bắp NK chất lượng đồng nhất, bắp được sấy với độ ẩm phù hợp và nhập với số lượng không hạn chế. Đó là chưa kể nông dân VN khi thấy sản phẩm bán được thì sẽ sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, bị làm giá…”.

“Diện tích trồng bắp công nghệ cao tại Campuchia của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã được nhiều công ty TĂCN lớn như Cargill VN, C.P VN tiếp cận và đặt hàng tiêu thụ. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ trong nước là hoàn toàn có thật, nếu trong nước sản xuất đạt yêu cầu thì các nhà chế biến TĂCN sẽ thu mua chứ không NK nữa”, đại diện HAGL cho biết.

Cùng chung quan điểm này, một chuyên gia ở Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL nhận định: “Chuyển đổi cây trồng không đơn giản chỉ là thay cây này bằng cây khác mà nó còn gắn với hàng loạt vấn đề về hạ tầng, khoa học kỹ thuật, giống, thủy lợi, về đầu ra… Việc Bộ NN-PTNT triển khai đề án hỗ trợ 2 triệu đồng trên mỗi héc ta chuyển đổi không phải là giải pháp căn cơ. Vấn đề là phải làm sao gắn được sản xuất với tiêu thụ.

Ví dụ nếu chuyển qua trồng bắp và đậu nành thì phải gắn được với các DN sản xuất TĂCN. Muốn gắn hai đối tượng này lại với nhau thì phải tổ chức cho nông dân sản xuất trên một quy mô diện tích tương đối lớn để làm ra sản phẩm hàng hóa với chất lượng đồng nhất. Rồi còn phải đầu tư vào khâu thu hoạch, phơi sấy và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao năng suất, hạ giá thành thì mới có thể cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập.

“Bây giờ chúng ta bắt tay vào làm đã là muộn nhưng còn hơn không. Nếu chúng ta làm chính sách theo kiểu cứ đưa tiền cho nông dân như thế thì sẽ không hiệu quả, chỉ đơn thuần là chạy theo chỉ tiêu, thành tích”, vị chuyên gia trên phân tích.


Có thể bạn quan tâm

Đánh Bắt Cá Ở Hồ Ayun Hạ Đánh Bắt Cá Ở Hồ Ayun Hạ

Cách cửa xả lũ của thủy lợi Ayun Hạ hơn 1 km đã nghe tiếng nước réo ầm ầm giữa núi rừng thâm u. Hai họng nước như dòng thác đổ từ độ cao hơn 30 mét xuống với lưu lượng 200 m3/s, bụi nước bắn ra cả trăm mét. Ngày lũ lớn, lưu lượng xả lên 500-700 m3/s.

21/01/2014
Cào Dính Cá Hô Đỏ Nặng 86 Kg Cào Dính Cá Hô Đỏ Nặng 86 Kg

Cá hô trên sông Hậu và sông Tiền có 3 loại: Cá hô đỏ, cá hô hoa cà và cá hô đất, trong đó cá hô đỏ và cá hô hoa cà có giá cao nhất.

21/01/2014
Ngư Dân Miền Trung Tranh Thủ Ra Khơi Đảm Bảo Nguồn Cung Tết Ngư Dân Miền Trung Tranh Thủ Ra Khơi Đảm Bảo Nguồn Cung Tết

Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, hàng ngàn tàu cá của ngư dân miền Trung hối hả ra khơi đánh bắt để có nguồn hàng dồi dào cung cấp cho thị trường dịp Tết cổ truyền.

21/01/2014
Hàng Nghìn Gia Súc Đã Chết Vì Rét Đậm, Rét Hại Hàng Nghìn Gia Súc Đã Chết Vì Rét Đậm, Rét Hại

Theo thống kê, thiệt hại lớn nhất là Lào Cai với gần 500 con trâu, bò; Lai Châu 475 con trâu, bò, ngựa, dê; Hà Giang 18 con, Cao Bằng 71 con, Bắc Kạn 25 con.

21/01/2014
Nuôi Gà J-Dabaco Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Nuôi Gà J-Dabaco Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, qua gần 3 năm triển khai, đến nay có thể khẳng định giống gà J-Dabaco rất phù hợp với điều kiện, khí hậu của Đắk Nông, có nhiều ưu điểm vượt trội so với giống gà địa phương, được nông dân hưởng ứng, nhân rộng.

21/01/2014