Nghêu chết ở Cần Giờ mỏi mòn chờ câu trả lời thỏa đáng
Đáng nói là hiện trạng trên kéo dài nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Anh Lê Trung Tín (ở khu phố Miễu Ba, Cần Thạnh) cho biết, tình trạng nghêu chết mùa này tập trung nhiều ở khu vực Cần Thạnh. Các vùng Lý Nhơn, Long Hòa bị ảnh hưởng ít hơn. Theo kinh nghiệm của bà con, hiện tượng nghêu chết vẫn diễn ra hàng năm, tập trung vào mùa lạnh (tháng 11 âm lịch) và thời điểm giao mùa (tháng 4, 5 âm lịch), gọi chung là nghêu chết theo mùa.
Nhưng anh Tín khẳng định, nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân song song dẫn đến tình trạng nghêu chết. “Vì nếu chết do mùa thì phải bị đồng đều như nhau, đằng này chỗ bị ít, chỗ bị nhiều. Nghêu vốn khỏe, có khả năng thích nghi cao. Nghêu chết có thể do nhiễm ký sinh. Nhưng nguyên nhân nào làm xuất hiện ký sinh gây hại thì phải tìm hiểu kỹ”- anh Tín nói.
Bản thân anh Tín có 29ha nuôi nghêu ở địa bàn Lý Nhơn và Cần Thạnh. Mùa này anh ước tính bị thiệt hại khoảng 50% diện tích ở khu vực từ 500m nước trở ra ước lượng khoảng 100 tấn loại nghêu trung (200 con/kg). Còn ở khu vực mép bờ (200 – 500m), thiệt hại lên đến 80 – 90%.
“Hiện tượng nghêu chết kéo dài gần 10 năm nay, các hộ nuôi trồng vẫn liên tục nêu ý kiến nhưng tới giờ tình trạng vẫn không được cải thiện. Nhiều người vướng cảnh nợ nần phải cầm cố tài sản để trả lãi hoặc bỏ nghề. Ngành chức năng không có biện pháp xử lý triệt để nên bà con bức xúc” - anh Tín phân trần.
Ông Đoàn Văn Hoà (ngụ khu phố Miễu Ba, Cần Thạnh) ước lượng, một sân nghêu từ 200m ra 1.000m nước thì vùng gần bờ thiệt hại khoảng 70%; từ 500m trở ra thiệt hại 10 – 15%. Đây là vùng nuôi nghêu thịt cỡ lớn, nhiều người tranh thủ bán non nên con số thiệt hại không cao như vùng gần mép nước. Nuôi nghêu nếu trúng có thể cho 1 vốn 4 lời. Nhưng nghề làm nghêu càng lúc càng khó, khả năng trúng mùa thấp, người làm nghêu cũng không còn nhiều như xưa.
Anh Tín cho biết thêm, trước đây địa bàn huyện có khoảng 18 tổ nuôi nghêu, nay chỉ còn 5 – 7 tổ. Tình trạng nghêu chết cứ âm ỷ kéo dài khiến nhiều người phải cầm cố hoặc bán tài sản trả nợ, lâu dần phải bỏ nghề.
Đồng tình với quan điểm về chất lượng nguồn nước, ông Hoàng than thở: “Giờ chúng tôi cứ cặm cụi làm liều để trả nợ. Kỹ thuật nuôi thì có, mà nước bị ô nhiễm hay không tới giờ vẫn chưa rõ”.
Theo bà con, một khó khăn nữa là nếu nuôi nghêu trọn vòng đời phải mất 16 - 18 tháng mới thu hoạch được, nhưng hiện nay ngân hàng chỉ cho vay trong thời gian 12 tháng. Các tháng còn lại nông dân phải vay nóng bên ngoài.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Minh Trường - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho biết: Việc nghêu chết vẫn thường xuyên diễn ra, trong đó chết nhiều nhất là vào mùa lạnh (tháng 11 âm lịch) và lúc giao mùa (tháng 5-6). Đợt này, mức độ ảnh hưởng chỉ rải rác chứ không chết diện rộng, ước lượng thiệt hại khoảng 500 tấn, tương đương 10 - 15%, tập trung vào nghêu cỡ lớn, loại 50 – 60 con/kg. Đa số chết ở lô 1, lô 2.
Theo ông Trường, hiện Chi cục Thú y đang lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra. Về phía huyện vẫn tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo bà con cải tạo bãi nuôi, thu gom hết lượng nghêu chết để không làm ảnh hưởng đến lượng nghêu còn sống, đồng thời kêu gọi bà con bình tĩnh, thường xuyên theo dõi bản tin quan trắc môi trường của huyện.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, do môi trường nước bị ô nhiễm, nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bị bệnh nên người nuôi tôm chọn giải pháp giảm chi phí đầu tư. Đầu vụ giảm số lượng con giống thả nuôi đồng nghĩa với giảm chi phí thức ăn trong quá trình nuôi, để khi có rủi ro thì thiệt hại thấp. Tuy nhiên, ngược lại nếu nuôi thành công thì lãi không cao.
Từ một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, anh Nguyễn Tượng ở thôn Đạo Đầu (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đã vươn lên thoát nghèo bằng nghề nuôi cá nước ngọt thương phẩm.
Người dân trên thế giới tiêu thụ cá tính bình quân đầu người trên toàn cầu đạt kỉ lục 20 kg vào năm 2014.