Nghề nuôi dúi ở bản Kim Tân
Nuôi dúi đã trở thành nghề “hái” ra tiền của một số hộ nông dân ở bản Kim Tân (xã Huy Bắc, Phù Yên), bởi không mất quá nhiều công và chi phí, mà tùy quy mô, các hộ nuôi dúi ở bản có thu nhập từ 200-500 triệu đồng/năm.
Khu nuôi dúi của gia đình anh Đặng Văn Phích, bản Kim Tân.
Để “thực mục sở thị”, chúng tôi đến mô hình nuôi dúi của gia đình anh Nguyễn Văn Huân, hộ đầu tiên nuôi dúi ở bản Kim Tân. Anh Huân chia sẻ: Nhận thấy nhu cầu sử dụng thịt dúi khá cao, nguồn cung cấp lại hạn chế, tôi quyết định chuyển sang nuôi dúi. Thức ăn cho dúi đơn giản, dúi dễ nuôi, bán được giá. Năm 2014, tôi về Trung tâm Nghiên cứu động vật hoang dã Trung ương đặt mua 10 đôi dúi sinh sản, nay đã phát triển lên 200 con dúi sinh sản; tôi duy trì nuôi từ 300-400 dúi giống, dúi thịt. Giá dúi hiện nay khoảng 400 nghìn đồng/kg. Đối với dúi sinh sản, mỗi đôi bán 1,4 triệu đồng. Riêng năm 2018, nhà tôi xuất bán 600 con dúi giống và 400 con dúi thịt, lãi 500 triệu đồng.
Anh Đỗ Ngọc Thuần, một người nuôi dúi trong bản nói thêm: Nhà tôi nuôi dúi từ năm 2017 với 100 đôi. Đến nay, đàn dúi đã phát triển lên 200 dúi sinh sản và 100 dúi đực. Năm vừa qua, gia đình đã thu 200 triệu đồng từ tiền bán dúi.
Còn gia đình anh Đặng Văn Phích, người cùng bản, cũng nuôi dúi được 10 tháng. Do ít vốn nên chỉ nuôi 50 đôi dúi sinh sản, đã có vài con dúi đẻ. Dự kiến cuối năm 2019, tổng đàn dúi của gia đình sẽ tăng lên 200 con, trong đó 100 con sinh sản. Với lượng dúi như hiện tại, gia đình anh Phích chỉ đầu tư 10 triệu đồng làm chuồng trại và mua quạt hơi nước làm mát cho đàn dúi.
Theo các hộ nuôi dúi ở bản, trung bình một con dúi sinh sản đẻ 3 lứa/năm, mỗi lứa 3 con; nuôi 10 tháng dúi nặng khoảng 1,5 kg và có thể xuất bán. Thức ăn của dúi chủ yếu là cỏ voi, thân cây tre, cây mía, ngô hạt..., mỗi ngày chỉ cần cho ăn một lần, chất thải của dúi thu gom làm phân bón cho vườn cây. Với 200 con dúi sinh sản chỉ cần 1.000 m2 đất trồng cỏ voi và mía làm thức ăn. Dúi có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, chuồng nuôi có thể đổ xi-măng, ngăn chuồng bằng gạch ốp lát, rộng 50x50 cm cho 1 đôi dúi sinh sản; chúng thích nghi với nhiệt độ dưới 30 độ C, có thể lắp thêm máy điều hòa khi nhiệt độ tăng hoặc dùng quạt hơi nước để giảm nhiệt. Hiện nay, bản Kim Tân đã có 5 hộ nuôi dúi sinh sản, hộ ít 50 đôi, hộ nhiều 200 đôi.
Dúi được nuôi theo cách dân dã, nên chất lượng thịt dúi thơm, ngon, giàu đạm, có thể chế biến nhiều món như: Lẩu dúi hoa chuối, rựa mận, xào tái lăn, hấp cả con, nướng... dù là đặc sản, nhưng giá mỗi con dúi thịt cũng chỉ từ 400.000 - 600.000 đồng, phù hợp với thu nhập nên dúi thịt của các hộ chăn nuôi bản Kim Tân luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Mô hình nuôi dúi ở bản Kim Tân mở ra thêm hướng đi xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau cần nước bà con có thể quan tâm: chọn địa điểm trồng rau cần nước, làm đất, chuẩn bị cây trồng, cấy trồng cây cần nước, tưới nước
Hướng dẫn quy trình kỹ thuật để bà con có vườn na Thái cho năng suất cao, chất lượng quả tốt: đất đai, ánh sáng và độ âm, nhiệt độ, thời vụ trồng, cách trồng
Giâm cành là một trong những phương pháp nhân giống vô tính, được sử dụng khá rộng rãi trong nghề trồng trọt, nhất là trong sản xuất cây ăn quả, cây công nghiệp