Nghệ An: Tập trung, bao vây, dập dịch cúm A H5N1
Hai ổ dịch cúm A H5N1 xảy ra liên tiếp ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán cùng với thời tiết khắc nghiệt tại Nghệ An đã gây nhiều khó khăn cho công tác dập dịch.
Trong ảnh: Tiêm phòng vắc xin cho gia cầm tại xã Diễn Thắng
Các ngành chức năng đã quyết liệt vào cuộc, nên về cơ bản dịch cúm gia cầm được khống chế nhưng nguy cơ lây lan ra diện rộng vẫn rất cao.
Diễn biến nhanh, khó lường, nguy cơ lây lan rộng
Ngày 1/2/2017 (mùng 5 Tết Đinh Dậu), Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Diễn Châu nhận được thông tin, hộ ông Nguyễn Mạnh Hùng, tại xóm 5, xã Diễn Lộc có 30 con vịt ốm và 50 con đã chết. Theo chủ hộ, ca bệnh đầu tiên xuất hiện ngày 30/1/2017 với các triệu chứng lâm sàng như vịt bị phù đầu, mắt sưng, thần kinh, phân trắng xanh; bệnh tích buồng như trứng teo, mật sưng, phổi mềm nhũn.
Đàn vịt nhiễm dịch cúm chưa được tiêm phòng các bệnh theo quy định. Sau khi phát hiện gia cầm bị bệnh, gia đình đã tiêm kháng thể, phòng và chữa bệnh viêm gan siêu vi trùng và dịch tả vịt.
Nhận được thông báo, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Diễn Châu đã lấy mẫu gửi Cơ quan Thú y Vùng III xét nghiệm, kết quả dương tính với cúm A H5N1. Ngày 2/2/2017, UBND huyện Diễn Châu đã tổ chức tiêu hủy 497 con vịt của ông Hùng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã cấp cho Diễn Châu 20.000 liều vắc xin H5N1, 60 lít hóa chất Benkocid, bơm tiêm, bảo hộ lao động để phục vụ công tác chống dịch.
Tiếp đó, ngày 3/2/2017, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Diễn Châu lại nhận được thông tin, tại hộ chăn nuôi của ông Đặng Văn Suất, xóm 5, xã Diễn Thắng xảy ra 1 ổ dịch cúm trên đàn vịt 450 con (65 ngày tuổi, trọng lượng 2,5-2,7 kg/con). Ngày 2/2, đàn vịt xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như phù đầu, mắt sưng, thần kinh, đi xoay vòng, phân trắng xanh. Thời điểm phát hiện, đàn vịt có 40 con ốm; 60 con chết. Ngày 4/2, cơ quan chức năng huyện Diễn Châu đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số vịt trên.
Được biết, chuồng nuôi vịt của gia đình ông Hùng và ông Suất cách nhau chừng 5-6 km, nằm ở bìa đồng, cách khu dân cư 500 – 700 m; nuôi theo hình thức thả rông, chạy đồng, trên đồng chăn thả có kênh tưới tiêu nước, có nhiều chim hoang dã, khả năng lây lan dịch bệnh rất nhanh.
Ông Nguyễn Trọng Bốn, Trạm Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Diễn Châu cho biết: Diễn Châu là một trong những huyện trọng điểm về chăn nuôi gia súc, gia cầm của Nghệ An. Hiện toàn huyện có gần 1,2 triệu con gia cầm, mật độ trang trại, gia trại tương đối cao; có QL 1A chạy qua, giao thương, vận chuyển gia cầm hàng ngày lớn. Toàn huyện có khoảng 390 trang trại, gia trại gia cầm. Một số trang trại có quy mô 7-10 nghìn con/lứa.
Tiêu độc khử trùng chuồng trại
Đây đang là thời điểm giáp hạt, đàn vịt chạy đồng đã khan hiếm thức ăn, sức đề kháng giảm, lại quay về nuôi nhốt trong ao tù nước đọng, mầm bệnh có nguy cơ phát sinh cao. Công tác quản lý đàn giống còn nhiều lỗ hổng, bất cập, chính quyền địa phương không thể kiểm soát nổi số lượng, nguồn gốc con giống đưa về nuôi ở địa bàn.
Ông Đặng Văn Minh, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi, Thú y Nghệ An: “Trước Tết Nguyên đán, tại huyện Đô Lương cũng xuất hiện 1 ổ dịch cúm gia cầm, đã khoanh vùng và dập dịch thành công. Thời điểm này, thời tiết diễn biến bất thường, mầm bệnh gặp điều kiện thuận lợi sẽ lan ra. Điều đáng lo nhất là đa phần các trang trại, gia trại không chấp hành Luật Thú y, không tiêm phòng các loại vắc xin bắt buộc; nguồn con giống không được kiểm soát khiến khả năng lây lan dịch dễ dàng hơn”.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức tiêm phòng các loại vắc xin của người dân còn kém. Trước đây, khi còn có hỗ trợ từ các dự án của FAO, tỷ lệ tiêm phòng đạt cao. Nhưng từ 2014 đến nay, tiêm phòng vắc xin gần như “trắng”, ngoại trừ một số trang trại lớn.
Tập trung khoanh vùng dập dịch
Ngày 3/2, đích thân ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Nghệ An đã đi thị sát công tác phòng chống dịch cúm A H5N1 tại huyện Diễn Châu; UBND huyện đã ra Công điện khẩn gửi UBND các xã, tăng cường công tác phòng chống dịch cúm A H5N1. Ngày 6/2, các đoàn công tác của UBND huyện Diễn Châu tiếp tục được cử xuống các địa phương để kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A H5N1.
Sau khi gần 1.000 con gia cầm tại trại của ông Nguyễn Mạnh Hùng (Diễn Lộc) và ông Đặng Văn Suất (Diễn Thắng) được tiêu hủy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã cấp 30 nghìn liều vắc xin, 100 lít dung dịch Benkocid để tập trung chống dịch. UBND các xã vận động người dân tự mua vôi bột tổ chức tiêu độc khử trùng chuồng trại, lối đi.
Ngoài 2 xã Diễn Thắng và Diễn Lộc, lượng vắc xin được cấp sẽ được tiêm cho gia cầm ở một số xóm thuộc những xã giáp ranh, xã có nguy cơ cao của huyện. Được biết, tính hết ngày 6/2, toàn huyện Diễn Châu đã tiêm phòng được gần 20 nghìn liều vắc xin, đã hoàn thành công tác tiêm phòng vào ngày 8/2.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Diễn Thắng, công tác dập dịch đang gặp nhiều khó khăn. “Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin cho gia cầm ở xã tương đối thấp. Nguyên nhân do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức phòng chống dịch bệnh chưa cao, người dân có tâm lý chủ quan.
Ông Trần Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Diễn Thắng: Công tác dập dịch đang gặp nhiều khó khăn
Sau khi dịch bệnh phát sinh, xã đã họp triển khai công tác tiêm phòng, dập dịch. Ngoài việc tiêm vắc xin và phun tiêu độc khử trùng được cấp trên cấp, UBND xã Diễn Thắng đã trích kinh phí và vận động nhân dân tự mua vôi bột rải vệ sinh chuồng trại. Nhưng với việc chăn nuôi nhỏ lẻ, lại đang giữa vụ cấy, công tác tiếp cận các hộ dân để tiêm cũng mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, lượng kim tiêm được cấp rất hạn chế nên không thể phân thành nhiều nhóm để đẩy nhanh tiến độ”.
Theo ông Nguyễn Trọng Bốn, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Diễn Châu, ngoài ý thức chấp hành của người dân thì hiện nay, kinh phí chống dịch cũng thiếu, bảo hộ lao động, phương tiện không đủ…
Có thể bạn quan tâm
Hội Nghiên cứu trồng bảo tồn & phát triển cây dược liệu Việt Nam đã tạo ra một vườn bảo tồn dược liệu tư nhân theo hướng hữu cơ đầu tiên với nhiều bài thuốc quý
Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thuận Thiên Thành đã thành công trong việc bảo quản mãng cầu xiêm lên đến 3 tháng vẫn giữ được mùi vị, độ ngọt, giòn, dai.
Hiện nay, giá ớt tươi chỉ còn 30.000-50.000 đồng/kg, thậm chí chỉ 18.000 đồng/kg đối với ớt bán tại vườn, giảm chỉ còn 15-30% giá dịp trước Tết Đinh Dậu