Ngành tôm Thái Lan: Vai trò của hộ sản xuất nhỏ lẻ
Kể từ sau đại dịch EMS, ngành tôm nuôi tại Thái Lan vẫn không ngừng nỗ lực để phục hồi và nhận thấy trên con đường phát triển bền vững không thể bỏ sót các hộ sản xuất vừa và nhỏ.
Nâng cao hiệu quả nuôi tôm của những hộ sản xuất nhỏ. Ảnh: ST
Tầm nhìn xa
Dịch bệnh EMS/AHPND khiến ngành tôm Thái Lan và một số nước châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines bị tổn thất nặng nề. Trong thời khắc khó khăn đó, việc cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh và giảm thiểu rủi ro do AHPND chỉ có cách sử dụng tôm giống sạch bệnh (SPF), chuẩn bị ao nuôi tốt và nâng cao quản lý kỹ thuật để ổn định hệ sinh thái ao và giảm chất thải hữu cơ trong ao.
Từ năm 2014, Sở Thủy sản Thái Lan (DOF) đã áp dụng mô hình thí điểm nuôi tôm thẻ bền vững tại tỉnh Phetchaburi (Phetchaburi Model), với đặc điểm là nuôi tảo trước khi thả tôm để xử lý nguồn nước. Phương pháp này được kết hợp với các kỹ thuật quản lý ao nuôi khác như sử dụng vôi sống (calcium oxide), vệ sinh đáy ao loại bỏ rác thải hữu cơ giai đoạn nuôi đầu tiên nhằm giảm việc hình thành chất thải hữu cơ từ thức ăn còn sót… Đây được coi là mô hình thực tế và hiệu quả trong việc giảm rủi ro của AHPND tại Thái Lan vào thời điểm đó.
Phetchaburi Model đã thành công nhưng tới năm 2018, những nguyên lý cơ bản của mô hình này mới được ứng dụng rộng rãi trên toàn Thái Lan thông qua dự án “Học hỏi kinh nghiệm thực hành nuôi trồng thủy sản bền vững tốt nhất cho các hộ nông dân nuôi tôm vừa và nhỏ tại Thái Lan (SSSF)”. Dự án này được Walmart Foundation và tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan tài trợ thông qua tổ chức Đối tác thủy sản bền vững (SPF) và được thực hiện bởi Mạng lưới các trung tâm nuôi trồng thủy sản tại châu Á - Thái Bình Dương (NACA) và The Food School (TFS) hợp tác với DOF.
Dự án SSSF cho thấy nỗ lực cũng như tầm nhìn của các nhà quản lý ngành nuôi trồng thủy sản tại Thái Lan trong việc nâng cao sự kết nối giữa nông dân nuôi tôm quy mô nhỏ và các hiệp hội nuôi tôm tại Thái Lan nhằm cải thiện quản lý trại nuôi và phát triển các phương thức nuôi tôm thân thiện môi trường, ngăn chặn dịch bệnh, nâng cao lợi nhuận và phát triển kinh tế, thị trường. Mục tiêu mà các nhà quản lý đặt ra là cải thiện hoạt động nuôi tôm bền vững cho 2.000 nông dân nuôi tôm quy mô nhỏ tại Thái Lan.
Tháo nút thắt tài chính
Nông dân vùng ven biển tại Thái Lan thường nuôi tôm trong ao 1 - 4 rai (1 rai = 0,6 ha), sản lượng ước 2 tấn/rai với FCR 1:1,5 và tiêu tốn 3 - 12 tấn thức ăn. Với 1 bao thức ăn 20 kg giá 1.000 baht, tổng chi phí thức ăn sẽ nhân lên 150.000 -600.000 baht/vụ nuôi (4 tháng). Do đó, người nuôi tôm luôn gặp rủi ro trong quá trình sản xuất. Và do dịch bệnh AHPNS từng bùng phát, nên nông dân rất khó mở rộng đầu tư vì không thể vay mượn vốn trừ khi họ thuyết phục được ngân hàng là vụ nuôi chắc chắn thành công. Để tháo gỡ được khó khăn này, Chính phủ Thái Lan đã thông qua dự án nói trên phát triển các nhóm quản lý theo vùng để đồng quản lý ngành nuôi thủy sản địa phương.
Những lợi ích to lớn có thể thấy trước được đó là giảm thiếu tác động lên môi trường của hoạt động nuôi thủy sản nhờ quản lý trại nuôi hiệu quả hơn, giảm xả thải và sử dụng nước; nâng cao quản lý ngành cũng như sự phối hợp giữa các trại nuôi tại địa phương; đồng thời đại diện cho các hộ nuôi nhỏ lẻ trong các cuộc đối thoại quản lý nuôi thủy sản tại địa phương.
Tăng cường kết nối
Để vực dậy cả một ngành tôm gần như kiệt quệ sau EMS là điều rất khó khăn và các nhà quản lý Thái Lan đã phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất là thông qua dự án, trực tiếp gặp gỡ và kết nối các hiệp hội và hợp tác xã nuôi tôm tại địa phương, Hiệp hội Nuôi tôm Thái Lan cùng cơ quan quản lý cấp nhà nước và địa phương qua các chuỗi hội thảo và nhiều sự kiện khác.
Các nhà quản lý cũng tiến hành khảo sát gần 500 trại nuôi vừa và nhỏ về các hình thức nuôi tôm đang được nông dân sử dụng tại các tỉnh Trad, Prajuabkirikhan, Ranong và Trang. Yếu tố xương sống của chiến lược này là sử dụng 5 trại nuôi mô hình tại 4 tỉnh ven biển của Thái Lan và biển Andaman. Với sự hỗ trợ và chỉ đạo từ nhóm quản lý dự án SSSF và trung tâm DOF tại từng địa phương, các trại nuôi đã trình diễn mô hình nuôi tôm trong ao lựa chọn bằng các phương thức quản lý tốt nhất. Nhóm quản lý dự án sẽ ghi chép lại toàn bộ quy trình từ chuẩn bị ao, thả nuôi, nuôi tăng trưởng, thu hoạch và sau thu hoạch để các trại nuôi mô hình dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm, thành công cũng như thách thức với nông dân trong tỉnh.
Thông qua chiến lược “học hỏi lẫn nhau” trong dự án SSSF, các nhà quản lý và ban dự án đều hy vọng những hộ nuôi quy mô nhỏ có thể cải thiện kỹ năng quản lý, ngăn chặn dịch bệnh, nắm được các nguyên tắc nuôi tôm bền vững và cuối cùng là tạo ra các sản phẩm tôm có giá bán cao và thân thiện môi trường.
>> Những thành công của ngành tôm Phetchaburi được coi là hình mẫu cho những phương thức thực hành nuôi tôm tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh. Nhiều hộ nông dân đã học theo Phetchaburi nuôi tôm thân thiện môi trường, cân bằng và kết hợp với nhiều đối tượng thủy sản có tiềm năng nuôi thương mại như cá măng, cá rô phi, tảo biển, rong nho để xử lý chất lắng cạn và cải thiện chất lượng nước ao.
Có thể bạn quan tâm
Cá rô phi được nuôi rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Đây là những loài đa dạng nhất về mặt địa lý, với sản lượng ngày càng tăng
Đánh giá sự hiện diện của mầm bệnh lây lan qua môi trường nước ở ngành nuôi cá chẽm Úc, các nhà nghiên cứu sử dụng một kỹ thuật di truyền
Sản xuất giống tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) là kết quả của quá trình tuân thủ một loạt các biện pháp vệ sinh thú y