Năng suất tăng, chi phí giảm nhờ canh tác lúa thông minh
Mô hình canh tác lúa thông minh trên vùng đất phèn mặn ĐBSCL giúp giảm 34 kg lúa giống/ha, tiết kiệm phân bón và thuốc BVTV, năng suất tăng trên 6%...
Nhờ áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), các mô hình lúa rất sạch bệnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tại Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (Bình Điền) vừa tổ chức hội thảo sơ kết chương trình canh tác lúa thông minh ĐBSCL vụ đông xuân 2020-2021 và triển khai vụ hè thu 2021.
Trồng lúa thông minh giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Ông Trần Văn Dũng, Trưởng Văn phòng thường trực Nam Bộ (Trung tâm KNQG) cho biết: Thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm KNQG và Bình Điền về việc phát triển chương trình canh tác lúa thông minh vùng ĐBSCL đã được ký kết tháng 11/2020 tại TP Vị Thanh (Hậu Giang). Chương trình đã được triển khai thực hiện từ vụ lúa đông xuân 2020-2021 trên phạm vi 13 tỉnh vùng ĐBSCL.
Mỗi tỉnh thực hiện mô hình thí điểm canh tác lúa thông minh là 0,5 ha/hộ, 4 hộ/tỉnh, tổng cộng 47 nông dân với diện tích 24 ha tại các địa phương.
Quy trình canh tác lúa thông minh đã được khuyến cáo áp dụng đồng bộ với nhiều giải pháp canh tác và tiến bộ kỹ thuật như: “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, quản lý nước ướt khô xen kẻ, quản lý dịch hại theo IPM…
Về giống, khuyến cáo giảm giống từ 80 kg/ha trở xuống, áp dụng các biện pháp sạ thưa, sạ hàng, sạ cụm, cấy. Phải sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên, chọn giống tốt phù hợp với địa phương và được thị trường chấp nhận. Về phân bón, sử dụng phân bón chuyên dùng lúa do Bình Điền cung cấp 100% từ đầu vụ đến cuối vụ cho các mô hình.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức chương trình còn hỗ trợ lắp đặt các trạm quan trắc với 8 trạm mới được lắp đặt tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang trong vụ đông xuân vừa qua. Song song đó, Bình Điền cũng đã chuyển giao cho các cán bộ kỹ thuật, nông dân bút đo độ mặn cầm tay, bộ test pH để hỗ trợ thêm cho canh tác.
Theo ông Trần Văn Dũng, qua kết quả đánh giá các mô hình được thực hiện trong vụ đông xuân 2020-2021 tại ĐBSCL cho thấy, sản xuất lúa theo mô hình canh tác lúa thông minh đã giảm được 34 kg lúa giống/ha so với canh tác ngoài mô hình.
Các biện pháp làm đất kỹ, đánh rãnh thoát phèn và bón lót phân Đầu Trâu mặn phèn cho thấy hiệu quả tốt, cây lúa sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh khoẻ ngay từ sớm nên đảm bảo được mật số cây trên đơn vị diện tích.
Ngoài ra, nông dân được nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm chi phí và số lần phun thuốc BVTV do mức độ sâu bệnh thấp hơn, cây lúa cứng cây, giảm đổ ngã và góp phần tăng năng suất.
Vụ đông xuân 2020 - 2021, nông dân áp dụng mô hình canh tác lúa thông minh cho năng suất trung bình từ 7,5 tấn/ha trở lên. Bình quân trong các mô hình năng suất cao hơn đối chứng khoảng 6,6%, tương đương 550kg lúa/ha. Sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận từ 3,8 - 4 triệu/ha, tăng 12,1% so với ruộng đối chứng canh tác theo tập quán truyền thống trước đây.
Mô hình được nhân rộng
Bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang cho biết: Vụ lúa đông xuân năm nay, tỉnh triển khai mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn với diện tích thực hiện 8,6 ha (trong đó mô hình 2,0 ha và đối chứng 6,6 ha).
Kết quả cho thấy, năng suất điểm trình diễn lúa đạt trung bình 8,57 tấn/ha, cao hơn hộ đối chứng 380 kg/ha. Các hộ thực hiện đã giảm được phân bón và giảm ít nhất 1 lần bón phân. Tổng cộng giảm chi phí được 749.900 đồng/ha. Giá thành trong mô hình bình quân 2.198 đồng/kg lúa so với đối chứng là 2.391 đồng/kg.
Lợi nhuận thu được của ruộng trình diễn là 39.441.900 đồng/ha và ruộng đối chứng thu được 36.108.000 đồng/ha. Ruộng trình diễn đạt hiệu quả cao hơn bởi đã áp dụng quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm lượng giống gieo sạ, bón phân cân đối giảm lượng đạm, quản lý dịch bệnh tổng hợp theo IPM,
Còn tại vùng đất phèn ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang), lâu nay rất khó khăn trong canh tác lúa. Riêng vụ đông xuân năm nay, tỉnh triển khai mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu bước đầu đã đem lại kết quả thành công khá tốt.
Ông Phù Khí Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang nhận định: Qua kết quả cho thấy lúa trong mô hình ở vụ đông xuân năm 2020-2021 đạt năng suất trung bình 8,5 tấn/ha, cao hơn hộ đối chứng 800 kg/ha.
Các hộ thực hiện trong mô hình đã giảm được phân bón, thuốc BVTV và giảm ít nhất 2 lần phun thuốc trừ sâu rầy và thuốc bệnh. Tổng cộng giảm chi phí được 3.206.000 đồng/ha. Giá thành bình quân 1.905 đồng/kg, giảm rất đáng kể so với ruộng đối chứng (đối chứng giá thành 2.520 đồng/kg).
Điểm trình diễn sử dụng phân bón chuyên dùng Đầu Trâu TE A1, Đầu Trâu TE A2, bón thúc các giai đoạn sinh trưởng rất phù hợp cho cây lúa.
Quy trình canh tác lúa thông minh sử dụng mật độ sạ thưa, bón phân cân đối hợp lý, từ đó giúp giảm chi phí, gia tăng hiệu quả kinh tế, lợi nhuận thu được của ruộng trình diễn trên 43.300.000 đồng/ha.
Cũng theo ông Nguyên, quy trình canh tác lúa thông minh trên vùng đất phèn mặn còn giảm được lượng giống gieo sạ, bón phân cân đối, giảm lượng đạm, quản lý dịch bệnh tổng hợp theo IPM, ứng dụng hệ thống ống cảm biến canh tác ướt khô xen kẽ giúp giám sát mực nước trên bề mặt ruộng.
Các ứng dụng này đều được sử dụng trên điện thoại di động giúp người nông dân giám sát mực nước canh tác, nhận thông báo đóng mở van để cung cấp nước khi cần thiết.
Đặc biệt trong canh tác, sử dụng phân Đầu Trâu TE A1, Đầu Trâu TE A2 bón thúc có tác dụng khử chua, khử độc, hạ phèn và mặn cho đất, giảm thất thoát đạm và tăng hiệu quả sử dụng phân lân. Từ đó giúp cây trồng tăng khả năng quang hợp, tổng hợp protein và chuyển hoá chất dinh dưỡng tốt làm tăng năng suất.
Ông Mai Thành Phụng, Ban cố vấn chương trình canh tác lúa thông minh cho biết: Theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT, vụ hè thu 2021 toàn vùng Nam Bộ gieo sạ trên 1,6 triệu ha.
Riêng vùng ĐBSCL gieo sạ 1,52 triệu ha. Đến cuối tháng 3/2021 tiến độ xuống giống lúa vụ hè thu ước trên dưới 400.000ha, đạt 30% kế hoạch.
Trong đó, tiến độ xuống giống trong tháng 2/2021 sớm hơn cùng kỳ 40.000 ha. Ở vụ lúa hè thu 2021, Trung tâm KNQG và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tiếp tục triển khai mô hình canh tác lúa thông minh vùng ĐBSCL để nông dân tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
Từ đó giúp nông dân trờ thành “nhà chuyên gia” phổ biến kỹ thuật mới từ mô hình canh tác lúa thông minh cho nhiều nông dân khác biết và làm theo.
Có thể bạn quan tâm
Xoài Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc tăng mạnh trong năm 2020 và Việt Nam đang đứng thứ 4 trong những thị trường cung cấp xoài cho nước này.
Với cách trộn để xử lý hạt giống, thuốc xử lý hạt giống trừ sâu Fortenza Duo giúp phòng chống sâu keo mùa thu cho cây ngô suốt giai đoạn cây non (15-21 ngày).
Tình cờ gặp tổ ong dú trong bộng cây mục ruỗng, hiếu kỳ, anh cưa cả khúc cây mang tổ ong về, nào ngờ lũ ong này đã cho anh nguồn thu nhập bất ngờ.