Trang chủ / Hải sản / Nghêu

Nâng cao tỷ lệ sống cho nghêu giống

Nâng cao tỷ lệ sống cho nghêu giống
Tác giả: ThS Chu Chí Thiết - Viện Nghiên cứu NTTS I
Ngày đăng: 03/02/2020

Nghề nuôi nghêu phát triển khá mạnh trong thời gian vừa qua, bởi đây là loài có nhiều giá trị về kinh tế và dinh dưỡng. Do đó, việc sinh sản nhân tạo nghêu giống thành công giúp người nuôi chủ động được con giống, đáp ứng chất lượng trong quá trình sản xuất.

Nuôi vỗ nghêu bố mẹ

Lựa chọn nghêu từ các quần đàn phân bố tự nhiên hoặc từ các bãi nuôi. Nghêu có cỡ 3 - 3,5 cm (30 - 40 g/con), có gờ tăng trưởng thưa, đều, không dập vỡ. Nghêu đực có tuyến sinh dục căng, có màu trắng sữa, có độ nhầy, dính; nghêu cái buồng trứng căng, nhìn thấy hạt li ti, có màu trắng hơi vàng.

Đáy ao được phơi khô 5 - 7 ngày, sau đó cày xới, tạo độ xốp. Ao có sử dụng thiết bị sục khí và duy trì 24/24 giờ. Nước được cấp từ ao lắng qua túi lọc cỡ 20 µm, độ mặn 15 - 27‰, nhiệt độ dao động 24 - 300C. Nghêu bố mẹ nuôi với mật độ 150 con/m2. Cho nghêu bố mẹ ăn lượng (2 - 3)x106 tế bào tảo/ml/ngày bằng tảo tự nhiên và bổ sung hai loài tảo thuần N. occulata, C. calcitran với tỷ lệ 1:1; chia thành 2 bữa vào lúc 7 giờ và 17 giờ. Định kỳ 3 - 5 ngày, tiến hành thay toàn bộ nước trong ao, phơi đáy 2 - 3 giờ vào lúc 7 - 9 giờ hoặc 16 - 18 giờ.   

Giải phẫu, kiểm tra, quan sát tuyến sinh dục thấy phát triển căng, màu trắng sữa hoặc vàng nhạt. Nếu cắt màng bao tuyến sinh dục thấy có dịch sệt sệt màu trắng sữa hoặc vàng nhạt (tinh hoặc trứng) chảy ra thì chuyển sang bể kích thích sinh sản.

Kích thích sinh sản nghêu

Nghêu bố mẹ được thu, rửa sạch bằng nước ngọt, để ráo nước qua đêm hoặc bóng râm 3 - 5 giờ. Nước có độ mặn 20 - 26‰, nhiệt độ nước 26 - 300C, được cấp vào bể kích thích sinh sản đã được lọc sạch qua bể lọc cát và lõi lọc cỡ 10 µm. Sục khí nhẹ, đều, liên tục 24/24 giờ. Xếp nghêu vào các rổ nhựa (4 kg/rổ), treo vào bể kích thích sinh sản. Mỗi bể treo 20 - 30 kg. Giảm nhiệt độ nước trong bể khoảng 5 - 70C bằng đá lạnh trong 1 giờ, sau đó đưa nước về nhiệt độ tương tự trong ao nuôi vỗ. Điều chỉnh độ mặn trong bể đẻ khoảng 15 - 20‰ trong 1 giờ, sau đó đưa về độ mặn tương tự trong ao nuôi vỗ. Thời gian kích thích sinh sản từ 3 - 5 giờ, nếu nghêu không sinh sản thì chuyển lại ao nuôi vỗ tiếp tục theo dõi, chăm sóc cho sinh sản lần sau.

Khoảng 30 - 45 phút sau phóng tinh và trứng ra môi trường nước, chuyển nghêu bố mẹ sang ao nuôi. Trứng thụ tinh được ương trực tiếp trong bể kích thích sinh sản bằng cách duy trì sục khí nhẹ liên tục. Sử dụng vợt có mắt lưới cỡ 80 µm thu váng và tạp chất nổi trên bề mặt bể sau mỗi 1 - 2 giờ. Ấu trùng D-veliger được thu bằng vợt có mắt lưới 45 µm chuyển qua ao ương 12 - 15 giờ sau khi thụ tinh.

Ương ấu trùng giai đoạn bơi tự do (ấu trùng D-veliger)

Ao ương được phơi khô trong vòng 3 - 5 ngày trước khi cấp nước vào. Sử dụng lưới lan màu đen để che bề mặt ao khi trời nắng. Nước được cấp vào ao ương từ bể lọc và thiết bị lọc tinh (5 µm), độ mặn dao động 20 - 26‰, nhiệt độ khoảng 26 - 31 độ C. Sục khí nhẹ, liên tục 24/24 giờ.

Chuyển ấu trùng D-veliger từ bể kích thích sinh sản sang ao ương bằng vợt có mắt lưới 45 µm. Mật độ là 10 ấu trùng/ml. 

Ngày thứ nhất và định kỳ 3 - 5 ngày, sử dụng chế phẩm sinh học Super VS với liều lượng 3 - 5 lít/1.000 m2 nhằm phân hủy mùn bã chất hữu cơ trong ao và tạo ra các nhóm vi khuẩn có lợi ở đáy ao. Duy trì mực nước trong ao ương trong suốt quá trình ương; nước chỉ được bổ sung kèm với thức ăn hàng ngày.

Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 6, cho ấu trùng nghêu ăn hỗn hợp 50% các loài tảo đơn bào: N. oculata, I. galbana, C. calcitrans, với tỷ lệ 1:1:1 và 50% tảo tự nhiên trong ao với hàm lượng 5 - 7x105 tế bào/ml/ngày, chia thành 2 bữa vào 7 giờ và 17 giờ. Từ ngày thứ 7 cho ấu trùng ăn với lượng > 15 x 105 tế bào/ml/ngày, tăng tỷ lệ tảo tự nhiên lên 80%. Kiểm tra tình hình sử dụng thức ăn của ấu trùng qua kinh hiển vi quang học (10x10) vào lúc 16 giờ để điều chỉnh ở những ngày tiếp theo. Nếu lượng tảo chiếm đầy trong tuyến tiêu hóa của chúng và nước vẫn còn màu tảo thì nên cho ấu trùng ăn khoảng 1/2 lượng tảo ở ngày tiếp theo. Ngược lại, khi thấy lượng tảo trong tuyến tiêu hóa nghêu không đủ, cho ấu trùng ăn với lượng tảo gấp đôi ở ngày tiếp theo.

Nghêu giống cấp 1 được thu bằng lưới lọc cỡ 500 µm, chuyển sang ao mới để tiếp tục ương, thuần hóa thành nghêu giống cấp 2.

Hình: Sơ đồ bố trí các hạng mục công trình trại sản xuất nghêu giống

Ương nghêu giống cấp 1 lên cấp 2

Ao ương được chuẩn bị như giai đoạn ương ấu trùng, tuy nhiên, độ mặn dao động 10 - 26‰. Mật độ ương khoảng 100.000 - 120.000 con/m2.

Sử dụng hỗn hợp các loài tảo đơn bào (N. oculata, T. chuii) với tỷ lệ 1:1 và tảo tự nhiên với hàm lượng > 1 x 106 tế bào/ml/ngày, chia thành 2 bữa vào 7 giờ và 17 giờ (Cách định lượng tảo tương tự như trên).

Kiểm tra tình hình sử dụng thức ăn của ấu trùng qua kinh hiển vi quang học (10x10) vào lúc 16 giờ để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp ở những ngày tiếp theo (tương tự ương ấu trùng D-veliger). 

Thuần hóa nghêu giống cấp 2

Nghêu giống ở ao ương giống cấp 1 được san thưa đến mật độ 80.000 - 100.000 con/m2. Sử dụng hỗn hợp các loài tảo đơn bào (N. oculata, T. chuii) với tỷ lệ 1:1 và tảo được gây nuôi tự nhiên bằng bón phân gây màu trong ao với hàm lượng tối thiểu 200.000 tế bào/ml/ngày, chia thành 2 bữa vào 7 giờ và 17 giờ.

Trong 2 - 3 ngày đầu, mỗi ngày thay 10 - 20% nước trong ao qua túi lọc 80 - 100 µm. Tăng tỷ lệ 30 - 50% ở ngày thứ 4, 5, tăng 50 - 70% ở ngày thứ 6, 7 và 70 - 100%, từ ngày thứ 8, 10 không sử dụng túi lọc. 

Thu hoạch và vận chuyển

Tiến hành thu hoạch vào lúc chiều tối hoặc sáng sớm. Nước trong ao được làm cạn bằng cách xả tràn nước qua ống xả (ống lù) từ phía trên bề mặt ao một cách từ từ. Độ cao của ống lù được giảm dần cho đến khi nước trong ao được rút hết ra ngoài. Dùng vòi nước bơm nhẹ nhàng dồn cát đáy và nghêu giống về phía ống lù, nơi có phần đáy ao trũng nhất. Thu toàn bộ cát và nghêu ở dưới đáy ao cho vào bao tải nhỏ (cỡ < 1 mm) hoặc túi lưới (cỡ > 1 mm).

Khi vận chuyển, cần đóng gói con giống vào thùng xốp cùng với đá lạnh được bọc trong túi nilon để duy trì được nhiệt độ trong thùng khoảng 23 - 250C. Chuyển cả thùng xốp nghêu giống trong điều kiện bình thường, nếu vùng nuôi ở gần, thời gian vận chuyển < 5 giờ. Chuyển bằng xe ôtô có thùng bảo ôn ở nhiệt độ 22 - 240C nếu vùng nuôi ở xa, thời gian kéo dài 24 - 48 giờ.  

Cơ sở hạ tầng trại sản xuất nghêu giống phải có diện tích trên 2.000 m2, thiết bị, máy móc dùng trong quá trình sản xuất gồm: máy bơm nước, máy nén khí, bể lọc nước, thiết bị lọc nước, túi lọc nước, máy phát điện và vợt lọc ấu trùng.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi nghêu - Phần 1 Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi nghêu - Phần 1

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi nghêu - Phần 1

23/08/2016
Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi nghêu - Phần 2 Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi nghêu - Phần 2

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi nghêu - Phần 2

23/08/2016
Sản xuất giống nghêu Bến Tre - Phần 1 Sản xuất giống nghêu Bến Tre - Phần 1

Sản xuất giống nghêu Bến Tre - Phần 1

23/08/2016