Nâng cao thu nhập từ mô hình vỗ béo bò
Hiện nay, mô hình vỗ béo bò đang là hướng đi phù hợp, mang lại lợi nhuận khá ổn định cho nhiều bà con ở huyện Mỹ Tú, bởi phương thức chăn nuôi đơn giản, rủi ro thấp, vốn đầu tư ít nhưng giá trị kinh tế lại cao, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng đàn bò thịt của địa phương.
Anh Nguyễn Thanh Phương ở ấp Trà Lây 2, xã Thuận Hưng chăm sóc đàn bò.
Mỹ Tú là huyện nông nghiệp, có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc, đặc biệt phát triển đàn bò. Hiện nay, huyện có diện tích đồng cỏ cho bò thịt khoảng 40ha, chủ yếu là đất vườn tạp, đất bờ đê và trồng xen trong vườn cây ăn trái. Đây sẽ là nguồn thức ăn dồi dào, phong phú để địa phương phát triển mạnh đàn bò. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng đàn bò của huyện là 6.285 con và đàn bò có xu hướng tăng do huyện nhận được các chương trình, dự án hỗ trợ.
Năm 2015, mô hình vỗ béo bò sữa của huyện được triển khai thực hiện và đến nay đã thực sự lan tỏa khắp các địa phương trong huyện. Trước đây, đa số bà con tăng đàn bò cái sinh sản, còn khi bò đẻ bê đực thì được bà con bán cho thương lái để đi làm thịt hoặc bán ra các địa phương khác để nuôi thịt nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ thực tế đó, được sự khuyến khích, hướng dẫn của ngành chuyên môn, nhiều bà con đã mạnh dạn đầu tư mô hình vỗ béo bò đực sữa, giúp tăng thu nhập.
Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú Phạm Minh Tú cho biết: “Bò được chọn vỗ béo chủ yếu là bò đực sữa, bò trưởng thành trên 20 tháng tuổi, bò già ốm và bò loại thải không sinh sản. Thời gian vỗ béo từ 3 đến 4 tháng, tăng trọng con bò rất lớn, giá trị kinh tế tăng thêm từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/con so với lúc chưa vỗ béo. Việc nuôi bò vỗ béo khá đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc, không tiêu tốn nhiều thức ăn, đầu tư vốn ít, hiệu quả kinh tế lại cao”.
Cũng theo đồng chí Tú, trong quá trình vỗ béo bò, bà con cần thực hiện tốt các quy trình để đạt hiệu quả cao. Theo đó, chuồng nuôi phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, chọn con giống khỏe mạnh, có bộ khung to để đạt được tốc độ tăng trọng nhanh, bò phải đảm bảo đủ thức ăn thô, xanh và thức ăn tinh. Ngoài ra, công tác phòng tránh bệnh cho bò rất quan trọng, trước khi vỗ béo phải tẩy nội, ngoại ký sinh trùng cho bò và đặc biệt phải đảm bảo thời gian vỗ béo bò. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, thông qua các lớp tập huấn, ngành chuyên môn lồng ghép hướng dẫn kỹ thuật, quy trình vỗ béo bò, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Vì vậy, mô hình vỗ béo bò ở địa phương ngày càng lan tỏa, thu hút bà con ở các xã có đàn bò phát triển như: Mỹ Thuận, Thuận Hưng, Phú Mỹ tham gia.
Là hộ chăn nuôi bò sữa nhiều năm, nhưng hơn một năm nay, anh Nguyễn Thanh Phương ở ấp Trà Lây 2, xã Thuận Hưng đã chuyển hẳn sang thực hiện mô hình vỗ béo bò. Đầu năm 2017, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ một số bà con ở địa phương cũng như trên internet và được ngành chuyên môn hướng dẫn quy trình, kỹ thuật vỗ béo bò, anh Phương đã tìm mua 6 con bò tơ giống bò Pháp siêu thịt và bò sữa đực về vỗ béo, với tổng vốn trên 60 triệu đồng. Theo anh Phương, sở dĩ anh lựa chọn 2 giống bò này để vỗ béo bởi nó có vóc dáng cao to, tốc độ tăng trọng nhanh.
Sau khi mua bò về, đối với bò siêu thịt thì anh nuôi thêm 8 tháng và bò sữa thì phải nuôi đủ 18 tháng sau đó vỗ béo thêm 3 tháng, còn đối với bò tơ sau khi mua về chỉ cần vỗ béo thêm 3 tháng là bán. “Nuôi bò vỗ béo kỹ thuật đơn giản hơn rất nhiều so với nuôi bò sữa lại nhanh được bán, vốn đầu tư ít và phù hợp với những gia đình thiếu nhân công lao động” - anh Phương chân tình chia sẻ.
Anh Phương tận dụng 4 công đất để trồng cỏ, do đó đảm bảo được thức ăn xanh và giàu dinh dưỡng cho bò. Ngoài ra, anh còn tận dụng phế phẩm nông nghiệp và hèm để cho bò ăn nên bò tăng trọng rất tốt. Nhờ tham gia các dự án nên anh Phương biết cách ủ rơm với phân urê cho bò ăn để cung cấp chất dinh dưỡng, giúp bò tăng trọng nhanh.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường được quan tâm. Qua sự hỗ trợ của các dự án cùng nguồn vốn đối ứng của gia đình, anh Phương đã đầu tư xây dựng hố ủ phân và xây dựng hầm biogas, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và tận dụng nhiên liệu để đun nấu. Ngoài ra, anh còn đầu tư máy băm cỏ để giảm công lao động và giúp bò dễ ăn. Hệ thống chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát nên đàn bò của gia đình phát triển tốt. Do chăm sóc đúng kỹ thuật nên một năm anh Phương có thể vỗ béo được 4 đợt, trung bình mỗi lần anh xuất bán 6 con bò, với giá dao động từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí anh còn lời hơn 5 triệu đồng/con.
Theo định hướng, thời gian tới, Mỹ Tú tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ, nguồn thức ăn xanh phục vụ nuôi bò thịt; đồng thời chú trọng phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng gia trại, trang trại để tăng giá trị ngành chăn nuôi, nâng cao chất lượng đàn bò, tạo điều kiện để đàn bò thịt phát triển mạnh mẽ. Cùng với phát triển đàn bò sữa, bò thịt thì mô hình vỗ béo bò lấy thịt là hướng đi hiệu quả, có vai trò quan trọng trong việc phát triển chăn nuôi, mở ra hướng đi phù hợp đối với nhiều nông hộ, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Chàng kỹ sư 9x Trần Quốc Tuấn ngụ xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang đã chế tạo thành công máy phun thuốc trừ sâu không người lái. Sản phẩm này đã thu về lợi
Dưới đây là chia sẻ của Tiến sĩ Trần Tấn Việt về thực tế triển khai nuôi ong mắt đỏ và kết quả áp dụng tại các nông trường trồng mía trong thời gian qua.
Từ năm 2006 đến nay, Bộ NN-PTNT đã rót khoảng 40 tỷ đồng để triển khai nghiên cứu chọn tạo giống lúa theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCl.