Nâng cao khả năng sinh sản đàn trâu ở địa phương
Ở nước ta hiện nay chăn nuôi trâu bò còn phân tán, quy mô nhỏ, chăn nuôi theo phương thức quảng canh và do đặc điểm của từng địa phương nên tồn tại hai kiểu chăn nuôi đó là: chăn dắt và chăn thả do đó mỗi địa phương có những biện pháp hữu hiệu khác nhau để nâng cao tỷ lệ đẻ song tập trung có một số biện pháp sau:
1. Tổ chức phối giống tốt
- Đối với đàn trâu bò cày kéo, trâu bò đàn phối giống bằng phương thức nhảy trực tiếp trước hết phải bố trí:
+ Đủ đực (20-30 cái/ 1 con đực)
+ Phân bố đực hợp lý
Ở nông thôn do đặc điểm quần cư của từng vùng, có tập quán sinh hoạt, sản xuất chăn thả trâu bò tương đối độc lập, cho nên nhiều khi theo số liệu thống kê của địa phương có thể là số liệu đực đủ, là phù hợp với số lượng gia súc cái, song nhiều trường hợp đực giống chỉ tập trung ở một vài xóm còn ở các xóm khác không có đực giống do vậy khi trâu bò cái động dục thì không có đực.
Trong các trường hợp như vậy cần phải tổ chức tạo điều kiện cho đực cái gặp nhau.
Điều này rất có ý nghĩa đối với các vùng đồng bằng phương thức chăn dắt là phổ biến, và càng đặc biệt đối với đàn trâu khi có tỷ lệ động dục ngầm cao.
Biện pháp có thể là dùng đất đầu làng, cuối xóm làm bãi chơi chung cho trâu bò.
Hàng ngày trước và sau khi đi chăn dắt, đi làm trâu bò được tập trung lại một nơi thuận tiện nhất để sinh hoạt sinh dục.
Đây là biện pháp rẻ tiền và có hiệu quả cao.
- Đối với đàn trâu bò phối tinh nhân tạo trước hết phải có đội ngũ dẫn tinh viên có tay nghề cao.
Việc phát hiện và phối giống kịp thời, đúng thời điểm mang tính chất quyết định đến việc nâng cao tỷ lệ đẻ do vậy yêu cầu cán bộ kỹ thuật phải thường xuyên bám sát đàn gia súc.
Vấn đề ghi chép, theo dõi con giống phải tốt, đặc biệt ở các trang trại quy mô lớn.
2. Các biện pháp kỹ thuật khác
- Thường xuyên nâng cao chất lượng đực giống bằng cách chọn lọc tốt, những con không thể làm giống thì kiên quyết thiến.
- Thay đổi đực giống giữa làng này với làng khác để tránh hiện tượng cận huyết.
- Giải quyết tốt dinh dưỡng, chú ý cả con đực, con cái.
Đặc biệt chú ý vào mùa sinh sản.
- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để khắc phục hiện tượng chậm sinh ở đàn gia súc bằng việc sử dụng các kích tố hoặc thông qua việc sử dụng các loại thức ăn bổ sung có chứa các chất có hoạt tính sinh học cao nhằm kích thích hoạt động sinh dục ở cả con đực và con cái.
- Vấn đề thú y phải thực hiện tốt, đặc biệt là phòng và điều trị các bệnh về đường sinh dục.
- Loại thải kịp thời những con khả năng sinh sản và sức sản xuất thấp.
3. Có chính sách đúng đắn
Nhà nước hay từng địa phương phải có các chủ trương chính sách đúng đắn để khuyến khích người nông dân quan tâm thực sự đến vấn đề sinh sản của gia súc như là vấn đề trợ giá cho gia đình chăn nuôi đực giống.
Chính sách mua bán gia súc hoặc là vấn đề lưu thông, giao lưu buôn bán giữa các vùng, giữa các quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
Những nhân tố ảnh hưởng khiến trâu bò mắc các bệnh nhiễm khuẩn qua móng và hiện tượng vỡ móng do nhiễm khuẩn. Một số lưu ý trong điều trị hà móng cho trâu bò. Bệnh hà móng thường gặp ở trâu hoặc bò nuôi nhốt trong chuồng trại hoặc chế độ cho ăn không thích hợp về các loại khoáng đa vi lượng hoặc vi lượng.
Bệnh ngã nước ở trâu bò mà nông dân thường gọi là bệnh do ký sinh trùng do một loài vi sinh vật ký sinh trong máu gây ra, có tên là tiêu mao trùng (còn gọi là Xura). Bệnh thường chỉ xuất hiện khi chuyển trâu, bò từ miền núi xuống đồng bằng. Bệnh gây thiệt hại lớn bởi nó có thể làm chết cả đàn.