Nâng cao chất lượng tôm thương phẩm
Để nuôi tôm hiệu quả, giá bán cao, ngoài việc tôm đạt kích cỡ, tôm thương phẩm còn cần có chất lượng tốt, sáng bóng.
Thông thường ở cuối vụ, trước khi thu hoạch, người nuôi tôm ít quan tâm đến chế độ bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất cho tôm trong khi ở thời điểm này môi trường nuôi thường bị ô nhiễm. Vì vậy tôm nuôi dễ bị mắc một số các bệnh như mòn đuôi, cụt râu, đóng rong, đen mang, mềm vỏ… dẫn đến chất lượng tôm thương phẩm không cao. Biện pháp tối ưu là cần phải giữ môi trường nuôi luôn ổn định. Hơn nữa, người nuôi nên tăng cường quạt nước để tạo dòng nước thu gom chất thải, bổ sung ôxy cho tôm nuôi, đồng thời kích thích tôm hoạt động nhiều hơn, chuyển hóa thức ăn tốt hơn.
Tôm nuôi bị mòn đuôi, cụt râu, thối gãy phụ bộ là do lượng thức ăn cung cấp cho tôm không đủ hoặc môi trường ao nuôi bị ô nhiễm. Quan sát ao thấy tôm bơi chậm chạp, yếu dần và dễ bị ăn thịt lẫn nhau. Râu, đuôi, chân bò bị mòn, có màu đen, trên thân tôm có nhiều chỗ bị xây xát. Nếu mòn đuôi do tôm đói, cắn nhau thì điều chỉnh lượng thức ăn cho vừa đủ, một thời gian sau tôm khỏe mạnh, lột xác thì các chỗ mòn đuôi sẽ hết. Nếu mòn đuôi, cụt râu do vi khuẩn, vi nấm có thể sử dụng kháng sinh CIDEX 4 liều lượng 1 lít/4.000 m³ nước, hoặc dùng SUNDINE 57 liều lượng 1 lít/5.000 m³ nước. Đồng thời tăng cường Vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho tôm.
Ngoài ra, khi chất lượng nước không tốt, tảo, một số loài nấm, động vật nguyên sinh phát triển quá mức bám trên vỏ và mang tôm phát triển mạnh làm cho tôm khó khăn trong việc lột xác. Để khắc phục hiện tượng này, chú ý quản lý tốt các yếu tố môi trường ao nuôi như pH, độ kiềm, độ trong, ôxy, tăng cường thay nước. Nếu tỷ lệ nhiễm bệnh cao có thể sử dụng formol liều lượng từ 15 - 20 ppm đánh vào ban ngày sau đó thay nước. Nếu không hết bệnh, tiếp tục sử dụng formol lần hai để diệt khuẩn, nấm nhằm tẩy nhớt bám trên thân tôm kết hợp thay nước 20 - 30%. Trong quá trình điều trị bổ sung Vitamin C, men vi sinh để nâng cao sức đề kháng, đồng thời để phân hủy chất hữu cơ lắng tụ.
Xử lý hiện tượng tôm mềm vỏ, chậm lớn bằng cách cải thiện chất lượng nước, sử dụng thức ăn chất lượng cao đủ chất dinh dưỡng. Sử dụng vôi bột với liều lượng 2 - 3 kg/100 m2 để ổn định pH. Bổ sung men vi sinh để nâng cao chất lượng nước và một số chất khoáng giúp tôm cứng vỏ.
Có thể bạn quan tâm
Sử dụng Probiotic thông qua con đường bổ sung vào thức ăn và xử lý nước đã được chứng minh có tác dụng thiết thực đối với việc phòng bệnh trong nuôi trồng
Mưa làm cho môi trường bị thay đổi đột ngột, nhiệt độ, độ mặn giảm. Nước mưa có tính axit, rửa trôi phèn từ đất xuống làm giảm độ kiềm, độ pH
Quản lý chặt chẽ lượng thức ăn, chất lượng thức ăn, môi trường trong suốt quá trình ương không những kiểm soát hiện tượng dính chân còn nâng cao sức đề kháng