Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Nâng cao chất lượng sản phẩm thủy hải sản khai thác

Nâng cao chất lượng sản phẩm thủy hải sản khai thác
Tác giả: Ngọc Khuê
Ngày đăng: 16/03/2016

Sóc Trăng có đội tàu đánh bắt là 1.159 chiếc, tổng công suất 136.284,5 CV, trong đó đội tàu khai thác xa bờ là 315 chiếc, tổng công suất 116.072 CV. Sản lượng khai thác năm 2015 đạt 62.900 tấn, tăng 7% so với năm 2014. Tuy sản lượng khai thác tăng, nhưng hiệu quả thấp do năng suất đánh bắt và chất lượng sản phẩm ít được cải thiện. Bên cạnh đó, đội tàu tỉnh Sóc Trăng chưa được trang bị thiết bị bảo quản sản phẩm khai thác phù hợp với điều kiện khai thác dài ngày trên biển.

Các chủ tàu cho biết, hiện nay lượng cá sau khi đánh bắt vẫn còn phải bảo quản theo phương pháp truyền thống, chủ yếu vẫn dùng vật liệu cách nhiệt là xốp ghép, khả năng giữ lạnh thấp, mức tiêu hao đá lớn ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Hiện nay, các tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu dùng đá xay để ướp cá mà không có công đoạn làm lạnh từ từ nên chất lượng cá khi đưa vào bờ không tốt. Đối với việc bảo quản khô, phương pháp sấy mực đang được sử dụng trên các tàu lưới kéo đôi, câu mực vẫn còn nhược điểm như thời gian sấy lâu, mực sấy trong hầm máy chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường (mùi dầu, khói, nước hầm máy). Một số chủ tàu thuê tàu nhỏ chở lượng hải sản đánh bắt được vào đất liền tiêu thụ thường xuyên nên chi phí vận chuyển tăng cao, không đạt hiệu quả về kinh tế.

Do chất lượng sản phẩm thấp nên giá bán không cao và giá bán sản phẩm tăng ít hơn sự gia tăng giá thành chi phí sản xuất, như chi phí ngư cụ, dầu nhớt, nước đá… Do đó về lâu dài, các chủ tàu cần phải có các trang thiết bị máy móc bảo quản đạt chuẩn, mới đảm bảo hiệu quả cho mỗi chuyến đi biển đánh bắt. Ông Trần Hoàng Dũng – Chi Cục Phó Chi Cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Đối với các tàu khai thác xa bờ cần phải nâng cấp, đầu tư các trang thiết bị bảo quản để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp tăng giá trị sản phẩm. Còn đối với ngư dân và doanh nghiệp đánh bắt ở vùng biển xa thì phải tham gia các tổ hợp tác hoặc các nghiệp đoàn khai thác để hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt trên biển. Ngoài ra chúng tôi cũng tăng cường phát triển các tàu dịch vụ hậu cần cá giúp ngư dân có thời gian bám biển lâu hơn và giảm thời gian bảo quản sản phẩm trên tàu”.

Việc trang bị những kiến thức cần thiết về chất lượng thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm là rất quan trọng, không chỉ nâng cao ý thức cho chủ tàu đánh bắt, mà còn góp phần giảm tổn thất sau khai thác cho ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi nhằm đảm bảo vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản. Để đạt được điều này, các phương tiện cần phải nắm rõ một số quy định cơ bản về kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá. Thạc sĩ Trịnh Kiều Nhiên - Trưởng Phòng Khai thác và Phát triển Nguồn lợi thủy sản cho biết: “Đối với các tàu cá có công suất mày từ 90 CV trở lên thì phải đăng ký giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra theo các hình thức: Kiểm tra lần đầu, kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất. Khi phát hiện thấy tàu nào chưa đầy đủ các điều kiện về đăng ký an toàn thực phẩm thì phải tiến hành đăng ký lại”.

Thời gian tới, đây cũng là những điều kiện kiện bắt buộc đối với các phương tiện hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản. Theo đó trước hết các chủ phương tiện cần biết về các điều kiện cần có để đảm bảo vệ sinh ATTP trên tàu cá. Ông Nguyễn Đức Hạnh - Cán bộ quản lý Trạm Đăng kiểm Cảng cá Trần Đề, cho biết: “Khi kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu cá, tiêu chuẩn đầu tiên là boong tàu phải đạt độ trơn và nhẵn bóng, các hầm tàu phải đảm bảo kỹ thuật để giữ được độ tươi của cá sau khi muối. Không sử dụng hóa chất để muối cá, việc vệ sinh hầm tàu phải đúng quy trình”.

Sản lượng cá đánh bắt được đưa đi tiêu thụ

Về con người, quy định:

- Mọi thuyền viên phải giữ gìn vệ sinh cá nhân trong sinh hoạt và trong khi làm việc trên tàu. Mỗi thành viên trên tàu phải nắm vững các biện pháp phòng tránh nhiễm bẩn hoặc làm hư hại đến thuỷ sản trong quá trình tiếp nhận, xử lý, chế biến, bảo quản, bốc dỡ và vận chuyển.

- Những người tham gia bảo quản xử lý nguyên liệu thủy sản phải: Mặc bảo hộ lao động, Không được ăn, uống, hút thuốc trong khi xử lý, bảo quản thủy sản;Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc vơi nguyên liệu, dụng cụ bẩn, sau khi đi vệ sinh.

- Hàng năm, thuyền viên phải được kiểm tra sức khoẻ định kỳ;

- Khu vực vệ sinh phải bố trí cách ly với các khu vực xử lý, bảo quản thuỷ sản. Phải giữ sạch sẽ và làm vệ sinh thường xuyên; chất thải phải được xử lý không gây ô nhiễm môi trường.

- Phải có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của động vật gây hại lên tàu, Không nuôi gia súc, chó, mèo trên tàu

- Có đủ nước sạch và xà phòng sát trùng để rửa tay.

Ngoài ra, theo quy định, mỗi tàu các phải tuân thủ đầy đủ việc ghi lại toàn bộ nhật ký khai thác cũng như vệ sinh tàu cá trong suốt quá trình đi biển để tiện cho yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản về sau. Ngay sau khi đưa lên sàn tàu, thuỷ sản phải nhanh chóng được phân loại, loại bỏ tạp chất và làm sạch; thao tác phải nhanh, nhẹ nhàng, tránh dập nát sản phẩm; hạn chế tối đa thời gian sản phẩm tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật. Thuỷ sản phải được làm lạnh càng nhanh càng tốt; Khay chứa thuỷ sản phải được kê xếp sao cho thuỷ sản không bị dập nát trong quá trình bảo quản, vận chuyển và bốc dỡ. Các loại thuỷ sản có chất lượng khác nhau, mục đích sử dụng khác nhau hoặc thời gian được đánh bắt khác nhau phải được bảo quản riêng; đặc biệt không sử dụng hóa chất kháng sinh, phụ gia, chất bảo quản trong danh mục cấm sử dụng để bảo quản thủy sản như: Ure, hàn the, Chloramphenicol… vì đây là những hóa chất có thể gây ra các bệnh nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Ông Phạm Văn Thoại – Ngư dân thị trấn Trần Đề, cho biết: “Chúng tôi sử dụng muối để muối cá, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, vì làm ăn uy tín thì sản phẩm của mình được nhiều người tin dùng lâu dài, khi đó lợi nhuận còn cao hơn”.

Hiện nay một số tàu cá muốn đầu tư hầm bảo quản thủy hải sản, cũng như áp dụng các công nghệ mới thì phải thay đổi một số bộ phận cũ trên tàu nên chi phí đầu tư cao hơn. Do vậy tỉnh cần có chính sách hỗ trợ để ngư dân có điều kiện thay thế trang thiết bị và phương pháp bảo quản hải sản, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập của ngư dân, giúp bà con yên tâm bám biển.


Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng trở lại Xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng trở lại

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 40%.

16/03/2016
Bắc Ninh thành công từ mô hình nuôi cá nheo thương phẩm Bắc Ninh thành công từ mô hình nuôi cá nheo thương phẩm

Với hơn 5.432 ha mặt nước, những năm qua, toàn tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh xây dựng các mô hình, đưa các giống thuỷ sản mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng như nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi lươn không bùn, nuôi ếch, ba ba… Mô hình nuôi cá nheo thương phẩm mới được triển khai năm 2015 nhưng mang lại kết quả khả quan, được nhiều người dân hưởng ứng.

16/03/2016
Giải pháp kỹ thuật đối phó với tình hình hạn, mặn trong nuôi thủy sản Giải pháp kỹ thuật đối phó với tình hình hạn, mặn trong nuôi thủy sản

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2016, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm, sâu trên diện rộng và kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực cho sản xuất, người nuôi cần thực hiện các giải pháp kỹ thuật như sau:

16/03/2016
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.