Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nam Định Xây Dựng Hệ Thống Sản Xuất Khoai Tây Giống Sạch Bệnh

Nam Định Xây Dựng Hệ Thống Sản Xuất Khoai Tây Giống Sạch Bệnh
Ngày đăng: 03/09/2014

Khoai tây là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Nam Định với nhiều vùng sản xuất chất lượng cao như: Nam Hùng, Nam Giang (Nam Trực); Thành Lợi, Liên Minh (Vụ Bản); Yên Đồng, Yên Cường, Yên Nhân (Ý Yên); Giao Phong, Giao Yến (Giao Thủy)…

Năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha, hằng năm tổng sản lượng khoai tây toàn tỉnh đạt khoảng 30 nghìn tấn. Người trồng đạt lợi nhuận từ 30-33 triệu đồng/ha, cao gấp 3,5 lần so với trồng cây lạc và 10 lần so với đậu tương.

Mặc dù hiệu quả kinh tế của cây khoai tây cao nhưng đến nay diện tích trồng của toàn tỉnh mới đạt 2.000-2.300ha, bằng 1/3 diện tích đất có khả năng canh tác khoai tây. Bên cạnh đó, sản lượng và chất lượng khoai tây thương phẩm còn thấp so với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng giống khoai tây đạt chất lượng giống xác nhận mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu canh tác; 70% còn lại do người dân tự nhân giống qua nhiều thế hệ.

Thậm chí vẫn còn tình trạng đến thời vụ, người dân nhập khoai tây thương phẩm Trung Quốc về làm giống sản xuất... Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng khoai tây thương phẩm mà còn là nguồn lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình canh tác và gây thoái hóa nhanh nguồn giống gốc.

Để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây giống sạch bệnh tại tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2017” với tổng kinh phí đầu tư lên đến gần 21 tỷ đồng được trích từ nguồn vốn đầu tư phát triển khoa học công nghệ, nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ, vốn sự nghiệp kinh tế của tỉnh, vốn đối ứng của doanh nghiệp với các biện pháp, chương trình hoạt động đồng bộ từ xây dựng hệ thống, trang bị hệ thống cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm sản xuất khoai tây giống sạch bệnh đáp ứng được 50% nhu cầu giống cho sản xuất khoai tây tại tỉnh ta.

Trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng có kinh nghiệm tổ chức thực hiện các dự án KHCN, tiềm lực cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, Sở KH và CN được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý Đề án. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN), Trung tâm Giống cây trồng (Sở NN và PTNT) là đơn vị trực tiếp thực hiện Đề án.

Mục tiêu cần đạt của Đề án là phải đảm bảo bổ sung hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng và giống xác nhận với quy mô 1.000-1.200 tấn giống xác nhận/năm.

Đồng thời tổ chức đào tạo cán bộ kỹ thuật, tập huấn cho 1.000 nông dân vùng được quy hoạch có kiến thức khoa học về sản xuất khoai tây giống, khoai tây thương phẩm và tuyên truyền phổ biến rộng rãi kỹ thuật sản xuất khoai tây có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Triển khai thực hiện Đề án, các đơn vị đã cử 20 cán bộ kỹ thuật tham gia tập huấn bồi dưỡng kỹ thuật kiểm định công nhận các cấp giống, kỹ thuật sản xuất các cấp giống tại Viện Sinh học nông nghiệp (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội).

Đây là những cán bộ kỹ thuật nòng cốt đảm nhận công việc sản xuất giống khoai tây sạch bệnh và trực tiếp hướng dẫn cho nông dân trong tỉnh quy trình kỹ thuật chuẩn sản xuất khoai tây giống sạch bệnh và khoai tây thương phẩm, đảm bảo năng suất, chất lượng cao.

Theo nội dung Đề án, việc áp dụng quy trình sản xuất khoai tây giống sạch bệnh tại tỉnh ta được thực hiện bắt đầu từ giống khoai tây Solara và Diamant nhập từ nước ngoài, được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN tách Meristem (mô phân sinh) trong phòng nuôi cấy mô tế bào và tiến hành nhân tiền giống gốc; bước nhân giống gốc sẽ được nuôi cấy theo công nghệ khí canh để tạo ra giống siêu nguyên chủng trong môi trường nhà lưới đa năng.

Trung tâm Giống cây trồng tỉnh tiếp tục sử dụng giống siêu nguyên chủng này sản xuất cách ly trên diện tích 10ha ruộng thử nghiệm của Trung tâm để tạo ra giống nguyên chủng.

Từ đó, Trung tâm phối hợp với các xã: Yên Đồng (Ý Yên); Liên Minh (Vụ Bản); Nam Hồng (Nam Trực); Giao Phong (Giao Thủy); Trực Chính (Trực Ninh) tổ chức sản xuất khoai tây giống xác nhận trên quy mô 127ha, sản lượng ước đạt 1.270 tấn, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về sản xuất cấp giống nguyên chủng theo tiêu chuẩn QCVN 01-52:2011/BNNPTNT.

Đây là nguồn giống đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ NN và PTNT được cung ứng cho các HTXNN và người dân sản xuất khoai thương phẩm trên địa bàn tỉnh với giá ưu đãi thấp hơn giá thị trường từ 5-10% để khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích sản xuất.

Để thực hiện thành công Đề án, các đơn vị đã đầu tư lắp đặt 1.200m2 nhà khí canh với đầy đủ thiết bị đảm bảo cho sản xuất giống gốc; 16 nghìn m2 nhà lưới đa năng để sản xuất củ siêu nguyên chủng; xây mới và sửa chữa 25 kho lạnh bảo quản củ giống gốc và giống siêu nguyên chủng; bổ sung máy test (kiểm tra) vi-rút, máy tách Meristem cho phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật và các loại máy phục vụ sản xuất như máy làm đất, máy bơm…

Đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, sửa chữa, nâng cấp 25 kho lạnh tại vùng sản xuất để bảo quản khoai tây giống đúng quy trình kỹ thuật; xây dựng các phương án đề phòng rủi ro trong quá trình thực hiện như: tổ chức quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào như nước, phân bón và các biện pháp chăm sóc; kịp thời dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra; có biện pháp bổ sung trồng khoai tây trong vụ xuân nếu vụ đông bị ảnh hưởng của dịch bệnh và thời tiết; chủ động dự phòng nguồn giống gốc để bổ sung khi thời tiết bất thuận và thuê đất tại những vùng có điều kiện đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất củ giống siêu nguyên chủng tại một số xã lân cận của các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, Ý Yên. Trong giai đoạn tiếp theo sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét cấp quỹ đất để đảm bảo duy trì lâu dài hệ thống.

Đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây giống sạch bệnh tại tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2017” chính thức được triển khai thực hiện từ vụ đông năm 2014. Đây là cơ sở để thực hiện định hướng đưa nông nghiệp công nghệ cao vào thực tế sản xuất theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Linh Hoạt Điều Chỉnh Chính Sách Lúa Gạo Linh Hoạt Điều Chỉnh Chính Sách Lúa Gạo

Nhiều đề xuất về chính sách cung- cầu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững ngành sản xuất lúa gạo ở Việt Nam đã được đưa ra tại Hội thảo “An ninh lương thực tại Việt Nam: Thực trạng, chính sách và triển vọng”.

29/06/2012
3 Giống Lúa Mới Có Giá Trị Kinh Tế Cao 3 Giống Lúa Mới Có Giá Trị Kinh Tế Cao

Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa thuần vừa được nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm một số giống lúa mới có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Thái Nguyên” với 3 giống lúa mới.

24/05/2012
Hỗ Trợ Khôi Phục Sản Xuất Cho Người Nuôi Tôm Bị Thiệt Hại Do Các Dịch Bệnh Nguy Hiểm Gây Ra Hỗ Trợ Khôi Phục Sản Xuất Cho Người Nuôi Tôm Bị Thiệt Hại Do Các Dịch Bệnh Nguy Hiểm Gây Ra

Ngày 22/5/2012 Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định số 1219/QĐ-UBND về việc hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người nuôi tôm bị thiệt hại do các dịch bệnh nguy hiểm gây ra trên địa bàn tỉnh.

26/05/2012
Sớm Hoàn Thiện Dự Án Phát Triển Nấm Sớm Hoàn Thiện Dự Án Phát Triển Nấm

Bộ NN&PTNT vừa giao Cục Trồng trọt sớm hoàn thiện Dự thảo Đề án phát triển nấm ăn và nấm dược liệu đến năm 2020.

29/06/2012
Mô Hình Sản Xuất Nông Sản Bằng Phân Hữu Cơ Vi Sinh Mô Hình Sản Xuất Nông Sản Bằng Phân Hữu Cơ Vi Sinh

Người dân tại vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã đã được chuyển giao kỹ thuật xây mô hình sản xuất nông sản bằng phân hữu cơ vi sinh.

13/03/2012