Năm 2017: Dự báo xuất khẩu rau quả đạt hơn 3 tỷ USD
Số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 1/2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt 230 triệu USD (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016), dự báo xuất khẩu rau quả trong cả năm 2017 sẽ đạt khoảng hơn 3 tỷ USD.
Năm 2016 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD (Ảnh Internet)
Cũng theo số liệu của Tổng cục thống kê, hiện tại các sản phẩm rau quả của Việt Nam đã vươn xa tới gần 60 thị trường trên thế giới, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước. Riêng các loại trái cây như vải thiều, chôm chôm, thanh long, xoài, nhãn… của Việt Nam đã có mặt tại những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo (đạt 2,2 tỷ USD).
Theo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016 có hơn 10.500 tấn hoa quả tươi của Việt Nam được kiểm dịch để xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, tăng gấp đôi so với 2015. Trong đó, sản lượng thanh long sang Mỹ tăng gấp đôi, xoài sang Hàn Quốc tăng gấp đôi. Hiện tại vẫn còn rất nhiều nhà nhập khẩu tại các quốc gia này tiếp tục tìm Việt Nam kết nối với các nhà cung ứng rau quả trong nước, như Tập đoàn Meika Shoji (Nhật Bản) đang tìm kiếm nhà xuất khẩu chuối Việt Nam với số lượng lớn để tiêu thụ tại Nhật - thị trường Nhật Bản có sức tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn chuối/năm. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam có nguồn cung chuối đáp ứng đủ tiêu chuẩn nhập khẩu của Nhật Bản, sẽ là cơ hội lớn bởi thị trường này đang đa dạng hóa nguồn cung ứng.
Gần đây nhất, trong tháng 1/2017, Australia đã công bố bản báo cáo cuối cùng về việc đánh giá các yêu cầu an toàn sinh học đối với trái thanh long Việt Nam. Hiện đang tiến hành các bước cuối cùng để thiết lập quy trình hoạt động tiêu chuẩn cho các cơ sở xử lý thanh long bằng hơi nước và hoàn tất điều kiện nhập khẩu với trái thanh long từ Việt Nam.
Công ty Tập đoàn EDX (đại diện Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam) đang hoạt động khá mạnh với các dịch vụ tư vấn xuất khẩu, trong đó có tư vấn xuất khẩu mặt hàng trái cây qua thương mại điện tử, số lượng doanh nghiệp sản xuất, chế biến rau quả tìm đến EDX để được hỗ trợ tìm kiếm đối tác xuất khẩu ngày càng gia tăng cùng nhiều cơ hội, do các nhà nhập khẩu tại nhiều quốc gia cũng muốn trực tiếp tiếp cận nhà xuất khẩu và nguồn hàng. Các loại trái cây, rau củ Việt Nam đang được đánh giá vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu trong những năm tiếp theo, điều đó sẽ tiếp thêm động lực để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Trong bối cảnh xuất khẩu rau quả phụ thuộc lớn vào Trung Quốc với hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, việc có thêm thị trường mới với các sản phẩm chất lượng cao như xoài, vải thiều, chuối, thanh long… sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu rau quả giảm thiểu được rủi ro, cùng với những cơ hội gia tăng sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, điều đó cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực quyết tâm bền bỉ của các doanh nghiệp Việt trong việc đáp ứng tốt yếu tố chất lượng, tuân thủ các quá trình đòi hỏi nghiêm ngặt từ các thị trường nhập khẩu khó tính như Mỹ, Australia, cũng như sự chủ động tìm kiếm các kênh quảng bá, tìm kiếm đối tác nhập khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là bài toán đầy thách thức, cần các yếu tố tiềm lực tài chính, nhân lực tâm huyết, tầm nhìn
Để tăng năng suất, chất lượng chè, nhiều địa phương đã chuyển sang sử dụng phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên dùng cho cây chè rất hiệu quả.
Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cho người dân đồng thời mở ra hướng mới trong sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.