Mướp đắng Triệu Vân giúp nâng cao thu nhập cho người dân
Đến xã Triệu Vân (Triệu Phong - Quảng Trị) những ngày này sẽ mãn nhãn với những vườn mướp đắng xanh mướt, trĩu quả, bởi gia đình nào ở đây cũng có ít nhất vài giàn trồng mướp đắng.
Cuộc sống của nhiều gia đình ở xã Triệu Vân được cải thiện nhờ cây mướp đắng.
Mướp đắng được mùa
Có mặt tại nhà chị Hồ Thị Tuyền ở thôn 9 (xã Triệu Vân), hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là khu vườn rộng gần 2 sào (1 sào Trung Bộ = 500m2) được phủ xanh bởi cây mướp đắng.
Mặc dù đã gần trưa nhưng chị Tuyền vẫn tất bật thu hoạch mướp đắng để kịp giao cho thương lái đúng hẹn. Vừa luôn tay hái những quả mướp đắng xanh non, chị Tuyền vừa cho biết, với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, chị tập trung khai thác vùng đất cát vốn có của gia đình bằng cách trồng các loại cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như lạc, đậu đen xanh lòng... Trong đó, cây mướp đắng được chị đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2010, đến nay, trở thành cây trồng mang lại thu nhập chính cho gia đình.
Những năm trước, với gần 2 sào trồng mướp đắng, chị thu được hơn 1 tấn quả. Vụ đông xuân 2017 - 2018, mặc dù đầu vụ thời tiết không thuận lợi nhưng nhờ nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên cây mướp đắng vẫn phát triển tốt, năng suất dự kiến đạt 0,8 - 1 tấn/sào.
“Thương lái hẹn đến thu mua mướp đắng nên tôi tranh thủ hái cả trưa để kịp bán. Năm nay, giá có thấp hơn so với năm ngoái, chỉ còn 6.000 - 10.000 đồng/kg nhưng nhờ được mùa nên thu nhập cũng tương đối khá. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được gần 1,5 tấn mướp đắng, thu về hơn 12 triệu đồng”, chị Tuyền nói.
Hiệu quả từ mô hình sinh học
Rời vườn nhà chị Tuyền, chúng tôi đến mô hình trồng mướp đắng theo phương pháp an toàn sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của ông Hồ Hồng Hạnh ở thôn 9 (xã Triệu Vân).
Trao đổi với chúng tôi, ông Hạnh cho biết, trước đây, ngoài nghề chài lưới, gia đình ông chẳng biết làm gì với gần 2 sào đất cát trắng bạc màu. Cách đây khoảng 15 năm, thay vì trồng các loại rau màu có giá trị kinh tế thấp, ông quyết định chuyển toàn bộ sang trồng mướp đắng. Ban đầu là làm giàn tre, sau thấy hiệu quả, ông quyết định đúc trụ bê tông, phủ lưới làm giàn để trồng mướp đắng.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mướp đắng, ông Hạnh chia sẻ, gần 2 sào trồng mướp đắng của mình, ông hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại thuốc BVTV nào. Để thu hút các loại côn trùng gây hại bên trong các giàn mướp đắng, ông tự chế và treo các hộp bẫy sinh học làm từ giấm trộn với đường cho cô đặc lại, hòa với rượu cho lên men; hỗn hợp này sau đó được trộn với một chút thuốc BVTV rồi cho vào các hộp nhựa có đục lỗ treo rải rác bên trong các giàn mướp đắng.
Theo ông Hạnh, một trong những loại côn trùng ảnh hưởng lớn đến năng suất mướp đắng là ruồi vàng. Quả mướp đắng nào bị ruồi vàng chích hút sẽ bị khô vàng và rụng. Với hỗn hợp bẫy sinh học tự làm, do có mùi ngọt và thơm nên rất thu hút ruồi vàng bay vào.
Ông Hạnh cũng phấn khởi cho biết, trồng mướp đắng không khó nhưng đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ và có sự am hiểu về cây trồng, mỗi vụ mướp đắng trồng trong khoảng 45 - 60 ngày thì bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài 4 - 5 tháng. Cứ khoảng 3 ngày, gia đình ông lại thu hoạch một lần, trung bình khoảng 50 – 70kg mướp đắng/lần. Năm nay, giá mướp đắng có thấp hơn so với mọi năm, thời điểm đầu vụ có giá 7.000 - 10.000 đồng/kg, đến chính vụ thì giảm xuống còn 4.000 - 5.000 đồng/kg. Do vậy, thay vì chờ thương lái đến tận nơi thu mua, ông đưa lên tận chợ để bán được giá cao hơn, bình quân 6.000 - 10.000 đồng/kg.
“Nhờ trồng theo hướng sinh học, đảm bảo sạch nên sản phẩm mướp đắng của tôi được thị trường ưa chuộng. Những quả thẳng, đẹp thì dùng làm thực phẩm; những quả bị cong, vẹo thì xắt khô để làm thuốc hoặc nấu nước uống. Với 1,5 sào trồng mướp đắng này, từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu được gần 10 triệu đồng, ước tính đến cuối vụ cũng có thêm 10 -15 triệu đồng nữa”, ông Hạnh nói.
Ông Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân, cho biết, là vùng đất cát, độ phì nhiêu thấp nên các loại cây trồng ở địa phương có hiệu quả thấp. Tuy nhiên, cây mướp đắng lại rất thích hợp với đất cát. Ban đầu chỉ vài hộ trồng nhưng nhờ hiệu quả kinh tế tốt, đến nay, toàn xã Triệu Vân đã phát triển được hơn 30ha mướp đắng, tập trung ở thôn 9 với gần 200 hộ tham gia trồng. Hằng năm, bình quân mỗi sào mướp đắng cho thu nhập gần 15 triệu đồng. Nhờ có thu nhập từ trồng cây mướp đắng mà cuộc sống của nhiều gia đình trong xã dần ổn định, một số gia đình đã thoát nghèo.
“Để cây mướp đắng trở thành thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương, thời gian tới, xã sẽ có những chính sách hỗ trợ nông dân như: phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng mướp đắng. Đặc biệt, sẽ xây dựng thương hiệu cho cây mướp đắng, tìm kiếm doanh nghiệp liên kết thu mua sản phẩm để hạn chế tình trạng ép giá, mang lại thu nhập cao cho người dân”, ông Đức nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, việc bổ sung khoảng 0,5% muối vào khẩu phần ăn là khá phổ biến. Muối là nguyên liệu có sẵn, rẻ và vô cùng quan trọng
Đông A1 là giống lúa thuần chất lượng của Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất khá
Sau nhiều năm gắn bó và nghiên cứu, anh Phạm Hồng Lẫm ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã xây dựng mô hình SX sầu riêng sạch theo hướng hữu cơ