Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Mưa trái vụ làm khổ người trồng rau miền Tây

Mưa trái vụ làm khổ người trồng rau miền Tây
Tác giả: Chúc Ly
Ngày đăng: 14/12/2016

Thời điểm này, nhiều nông dân (ND) miền Tây đang tất bật chuẩn bị cho vụ rau màu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2017. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến thất thường nên việc gieo trồng, chăm sóc của bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Trong ảnh: Nông dân quận Bình Thủy (TP.Cần Thơ) đang chăm sóc dưa hấu tết. Ảnh: Chúc Ly

Mưa trái vụ làm khổ nhà nông

Những ngày này, đến một số địa phương có truyền thống trồng rau màu tết tại tỉnh Hậu Giang, TP.Cần Thơ, không khó để bắt gặp hình ảnh những người ND đang tất bật chăm sóc những luống rau màu. Đây được xem là thời điểm “vàng” để người dân xuống giống vụ rau màu tết – vụ được kỳ vọng nhất về giá. Tuy nhiên những cơn mưa dầm trái vụ khiến nhiều bà con rất lo lắng, nhất là về chất lượng rau màu.

Chỉ tay về hướng 7 công đất (khoảng 1.300m2) dưa hấu mới xuống giống, ông Nguyễn Bé Tư (ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ), cho biết: “Tranh thủ trời nắng, tôi đặt bầu giống dưa hấu xuống ruộng liền, do trời mưa nên phải trồng trong bầu trước, tốn công hơn trồng trực tiếp nhưng an toàn. Về kỹ thuật thì ND chúng tôi không sợ, do đã có nhiều kinh nghiệm, nhưng lo nhất là thời tiết trong vụ không thuận lợi. Năm nay làm vụ màu tết này quá khó khăn, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ vì mưa nắng thất thường”.

Còn ông Nguyễn Văn Ngoạn (xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), cho hay: “Năm nay tôi quyết định xuống giống màu né vụ tết, phải qua tháng Giêng âm lịch mới có thu hoạch. Thời điểm này thật sự khó khăn nếu xuống giống rau, màu vì mưa dầm trái vụ. Nhiều hộ xung quanh đã xuống giống đang lao đao vì nhiều diện tích bị hư cây con, sâu bệnh nhiều”.

“Tôi dự định sẽ xuống giống 5 công dưa leo cho vụ tết, sẽ thu hoạch vào ngày giáp tết và qua tháng Giêng, nhưng do mấy hôm nay vẫn còn mưa lớn nên tôi chưa dám xuống giống. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên cây màu đang khiến tôi rất lo lắng. Từ trước đến nay, tôi có thói quen ít xài phân hóa học nhưng nay tình hình dịch bệnh thế này buộc tôi phải xài nhiều phân, thuốc hơn để phòng trừ bệnh, chi phí cũng sẽ đội lên” – anh Võ Hoàng Giang (xã An Xuyên, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) chia sẻ thêm.

Giảm sản lượng, kỳ vọng vào giá

Theo khuyến cáo của ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL, để ứng phó tốt với thời tiết thì ngoài yếu tố kinh nghiệm, ND cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình dịch bệnh nhằm sớm phát hiện và xử lý kịp thời để có một vụ rau màu thắng lợi. Đồng thời, ở giai đoạn đầu vụ, nhà nông cần lưu ý không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không được dùng trên rau, có tính lưu tồn cao.

Theo Phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), thời điểm này, ND trong địa bàn huyện đã xuống giống được 94ha dưa hấu các loại (giảm gần 50% so với cùng kỳ năm rồi), tập trung chủ yếu ở 3 xã Hòa Mỹ, Phương Bình và Hòa An.

Ông Nguyễn Thế Tự - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp thông tin: Dưa hấu là loại cây trồng thích ứng với khí hậu ấm áp, khô ráo, đầy đủ nắng sẽ giúp cây phát triển tốt, năng suất cao. Còn trong điều kiện nhiệt độ thấp, mưa nhiều rễ sẽ bị thối chết, khi đậu trái thì chất lượng kém. Năm nay lũ đến muộn và nước rút chậm, lại có mưa dầm nhiều nên dây dưa phát triển kém. Không chỉ riêng dưa hấu, mà các loại rau màu khác đều bị ảnh hưởng. Năm nay, vụ rau màu tết toàn huyện khoảng 450ha, sản lượng sẽ giảm nên giá cả có thể tăng cao.

Khuyến cáo cho ND, ông Trần Ngọc Thể - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, thông tin: “Lúc này mưa trái mùa nhiều, cây rau màu mới xuống giống sẽ bị èo uột, úng nước nên khó phát triển, khiến ND phải tốn thêm công chăm sóc. Bên cạnh đó, một số loại bệnh gây hại trên cây con phát triển mạnh, nhất là bệnh gây chết cây con. Khi bà con tiến hành trồng lại sẽ bị trễ mùa vụ, nếu cứu được rau màu bằng thuốc bảo vệ thực vật thì lại đội thêm chi phí, năng suất cũng không cao”.

“Đối với dưa hấu và các loại rau màu khi trồng gặp mưa là rất khó khăn cho bà con. Với tình hình hiện tại, đối với những diện tích chưa xuống giống thì bà con nên đánh rãnh cho thông thoáng để thoát nước nhanh. Ngoài ra, phải thường xuyên kiểm tra bệnh do nấm gây thối gốc, để dùng thuốc phòng trừ kịp thời ở giai đoạn cây con” – ông Thể nhấn mạnh.


Có thể bạn quan tâm

Sản xuất hữu cơ cứu hồ tiêu khỏi “chết yểu” Sản xuất hữu cơ cứu hồ tiêu khỏi “chết yểu”

Canh tác hồ tiêu ở Đồng Nai đang gặp nhiều vấn đề cần được giải quyết như: đa số nông dân chưa có thói quen áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác

13/12/2016
Nông dân giỏi liên kết, hỗ trợ nhau làm giàu Nông dân giỏi liên kết, hỗ trợ nhau làm giàu

Hầu hết 27 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đã có câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đáp ứng nhu cầu thiết thực về liên kết

13/12/2016
“Dốt” ngoại ngữ, gặp khó khi xuất khẩu cà phê “Dốt” ngoại ngữ, gặp khó khi xuất khẩu cà phê

Ông Đoàn Xuân Hòa (Bộ NNPTNT) cho rằng trình độ ngoại ngữ hạn chế đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp Việt Nam.

13/12/2016
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.