Mua tạm trữ muối sớm, diêm dân sẽ có lợi
Ông Bảnh cho biết, nếu được Chính phủ đồng ý, chính sách này được thực thi sẽ giúp diêm dân tại các tỉnh trong cả nước tiêu thụ được muối với giá ổn định, có lợi nhuận, tránh được cảnh nợ nần và không bị tư thương ép giá như hiện nay.
Ông có thể thông tin cụ thể hơn về kiến nghị này?
- Đây không phải là lần đầu tiên, Cục kiến nghị về việc mua tạm trữ muối, trước đó năm 2010 và 2015 Cục đã có kiến nghị thu mua tạm trữ muối hỗ trợ cho diêm dân. Việc kiến nghị là một việc làm đúng đắn và phù hợp với tình thế hiện nay về sản xuất muối.
Hiện nay tình hình sản xuất do nắng hạn kéo dài và một số lý do khách quan khác cho nên là lượng muối tồn trong dân rất lớn dẫn đến hiện tượng cung vượt quá cầu. Chính điều đó đã khiến cho giá muối tuột dốc nhanh. Ví như muối loại tốt chỉ khoảng dưới 300.000 đồng/tấn, muối xấu còn trên dưới 200.000 đồng/tấn. Trong khi đó giá muối phải đạt từ 400.000-500.000 đồng/tấn diêm dân mới có lãi.
Theo ước tính của chúng tôi, cả nước đang tồn khoảng hơn 800.000 tấn muối, trong đó riêng của bà con diêm dân khoảng gần 500.000 tấn, chủ yếu ở khu vực ĐBSCL.
Vậy vì sao cục chỉ đề nghị tạm trữ 200.000 tấn?
- Sau khi điều tra thực tế và dựa vào các đề nghị của các tỉnh, Cục đã kiến nghị lên Bộ NNPTNT đề xuất Chính phủ cho mua tạm trữ khoảng 200.000 tấn muối. Tôi được biết, trong phiên họp Chính phủ cuối tuần vừa rồi, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã trình bày trước phiên họp và đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhất trí, cho biết sẽ trình lên Thủ tướng cho triển khai sớm nhất có thể.
Sau khi kiến nghị trên được Chính phủ đồng ý, Bộ NNPTNT sẽ triển khai cho các tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành thu mua muối cho bà con ngay.
Giá thu mua tạm trữ thế nào, thưa ông?
- Để đảm bảo quyền lợi cho người làm muối, Nhà nước sẽ thu mua tạm trữ muối với giá khoảng từ 400.000-500.000 đồng/tấn thì diêm dân mới có lãi, có vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất vụ mới được.
Theo kiến nghị, việc thu mua tạm trữ muối sẽ triển khai vào thời điểm nào là thích hợp nhất?
- Theo tôi, nếu được Chính phủ đồng ý sớm sẽ triển khai thu mua tạm trữ trong đầu tháng 6 tới là tốt nhất sẽ giúp cho diêm dân vơi bớt thiệt hại. Nếu để lâu quá các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bước vào mùa mưa khiến việc bảo quản của bà con gặp khó khăn và sẽ càng thiệt hại nặng hơn.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Vụ tôm nuôi được gọi là thành công khi đạt năng suất, sản lượng cao, chi phí thấp mà bán được giá cao. Người nuôi có được hiệu quả kinh tế khá, có tích luỹ trong sản xuất như mong đợi để có thể tái sản xuất vụ sau tốt hơn và đỡ phải vay hỏi nợ.
Ngày 30/5/2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị số 4361/CT-BNN-TY về việc tăng cường công tác thú y thủy sản.
Hai tháng nay, khoảng 1.000 tấn ngao nuôi tại vựa ngao Mai Phụ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) không tiêu thụ được. Nguyên do ngao ế là ảnh hưởng của hiện tượng hải sản chết bất thường vừa qua khiến người tiêu dùng không dám ăn, thương lái không dám thu mua... Hệ quả là người nuôi ngao đang có nguy cơ vỡ nợ.