Mùa Đánh Bắt Cá Bông Lau
Từ tháng 11 âm lịch đến tháng 4 năm sau, con nước bắt đầu chuyển dần trong xanh cũng là lúc dân “bà cậu” vào mùa đánh bắt cá bông lau – loài cá quý hiếm sống trên sông Hậu chỉ xuất hiện một lần trong năm.
Cá bông lau là loài da trơn, thân mình thon dài, đuôi đỏ, chỉ đánh bắt trong môi trường tự nhiên nên cá được nhiều người ưa chuộng bởi thịt trắng, sạch, béo, mùi thơm đặc trưng và giàu dinh dưỡng. Loài cá này không dễ đánh bắt, ngày nay lại càng hiếm hơn khiến giá bán rất cao, từ 150.000 - 250.000 đồng/kg, có khi bắt được cá lớn bán được cả triệu đồng. Theo kinh nghiệm riêng, người đánh bắt xác định những vùng nước có ổ cá để giăng lưới, rồi nằm tài đợi cả đêm cũng như dân chạy xe ôm chờ khách.
“Hôm nào trúng được ba, bốn con là “vô mánh” thu về bạc triệu, cũng có hôm chỉ về tay không. Song vì giá trị con cá này khá cao nên ai cũng ham, không được mẻ lưới này thì làm mẻ lưới khác”, ông Nguyễn Hữu Phước (xã Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang) - dân “bà cậu” có hàng chục năm kinh nghiệm đi bắt cá bông lau nhấn giọng.
Ông Phước kể, hồi nhỏ đã theo cha đi thả lưới. 20 năm trước, người ta không chỉ đánh bắt cá bông lau mà còn có cá hô và vô số cá nước ngọt. Mùa cá trúng đậm, nghề này giúp cả nhà sống khỏe, nhờ vậy mà ông sắm được 15 công đất, cất nhà cửa đàng hoàng và nuôi con ăn học. Hiện nay, số lượng cá còn rất ít, họ không đánh bắt cá hô và các loại cá nhỏ nữa, chỉ “săn” cá bông lau nhờ giá trị cao cùng một vài loại phổ biến bán ở chợ.
Mỗi đêm ở ngã ba sông Vàm Nao giáp ranh huyện Phú Tân và Chợ Mới, ngã ba nhánh bắc Cái Đầm hội tụ cả chục chiếc ghe đánh bắt. Theo tục lệ của dân trong nghề, đầu mùa cá bông lau, dân bà cậu cúng đầu heo, vịt, bánh trái để được “độ”, đêm nào “săn” được nhiều con họ cũng trả lễ tạ ơn. Khi đã ra bãi chia “địa phận”, gặp số ghe đông thì ai đến trước thả lưới trước, chờ đợi và tôn trọng nhau chứ không tranh giành.
Anh Tuấn, con trai ông Phước cho biết, giờ đang là đầu mùa, cả chục ghe chỉ được vài người may mắn, qua tháng Giêng cá mới nhiều, đồng thời cũng khó đánh bắt hơn vì gió và sóng mạnh. “Chỉ những người có kinh nghiệm, nhìn con nước đoán ổ cá mới đánh bắt được. Có người một đêm được vài ba con, có người cả tháng trời không được con nào là lẽ thường”. Bởi mê cái lợi về giá trị kinh tế nên họ vẫn kiên trì, dù việc đánh bắt bây giờ khó khăn hơn xưa.
Ban đêm đợi hoài không tới tài, nhiều ghe chụm tại, tốp ngồi uống trà tán dóc, tốp đánh bài giải khuây, nhờ vậy mới thức trắng đêm chứ đi riêng lẻ không thể nào kiên nhẫn nổi. Để giữ mối, mấy năm nay gia đình ông Phước vừa đánh bắt, vừa đi nơi khác mua lại cá để bán. Khách hàng cũng làm quen những điểm tập kết nên mỗi sáng có mối điện có cá là họ tập trung thu mua hết. Những con bự được bạn hàng chở lên chợ Châu Đốc, Long Xuyên.
Điều kỳ lạ là con cá bông lau rất dễ mất trọng lượng, cá mới vớt lên sau vài lần cân là đã mất đi vài trăm gram. Vả lại chúng cũng rất dễ chết, nhất là những con lớn nên ghe nào bắt được cá lớn mà giữ sống chở về tận nơi sẽ bán được giá cao. Mùa này nước trong, cá bông lau bụng ít mỡ, không tanh và thịt rất sạch nên có giá hơn. Cá nhỏ quá hay lớn quá ăn cũng không ngon, con tầm 4 - 5 kg là vừa nhất.
Mấy món truyền thống được chế biến từ cá bông lau chỉ có kho mặn, kho lạt, nấu canh chua, ướp sả chiên tươi, nhưng món nào ra món đó, ngon mà không lẫn lộn. Dân vùng sông nước mê con cá bông lau nên nghề đánh bắt loài cá này theo đó được truyền qua nhiều thế hệ.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 1 tháng nay, trong khu vực kè biển thuộc khu phố 5, phường Đức Long, thành phố Phan Thiết xuất hiện rất nhiều nghêu. Nhiều hộ dân sống lâu năm ở đây cho biết đây là điều khá đặc biệt, bởi khu vực biển này từ trước đến giờ chưa bao giờ xuất hiện con nghêu và chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây từ khi có kè biển bao bọc.
Những ngày giữa tháng 3, gia đình ông Trần Văn Tuất ở thôn 9, xã Nam Bình đang tưới nước đợt 3 cho 2 ha cà phê. Theo ông Tuất thì năm nay thời tiết có những biểu hiện là sẽ khô hạn hơn năm ngoái nên ông chú trọng vào những biện pháp canh tác nhằm đảm bảo an toàn cho vườn cây.
Bước sang năm 2014 là năm thứ 4, Công ty CP Cao su Hà Giang triển khai trồng, chăm sóc các giống cao su kháng lạnh. Ký ức về thiệt hại do giá rét năm 2010 vẫn chưa nguôi, nhưng đó cũng là bài học, là kinh nghiệm vô cùng quý giá để cho người trồng cao su thêm phần quyết tâm trên vùng đất khó.
Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết trong thời gian vừa qua như rét đậm, rét hại kéo dài, hạn hán... việc triển khai sản xuất vụ Xuân ở Yên Minh theo đúng khung thời vụ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Với lợi thế thời gian nuôi ngắn và sản lượng cao, cùng với giá cả liên tục tăng cao, tôm chân trắng đã được nông dân chọn làm đối tượng nuôi công nghiệp. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau chưa sản xuất được con giống thẻ chân trắng. Ngành chức năng chưa ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng kiểm tra chất lượng giống tôm chân trắng. Vì thế, người nuôi tôm có nguy cơ thiếu nguồn tôm giống chất lượng.