Một số tiến bộ kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất cây ăn quả có múi
Trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cây ăn quả có múi nói riêng, để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả vườn cây, ngoài yếu tố giống thì các biện pháp kỹ thuật đóng vai trò vô cùng quan trọng
Vườn bưởi da xanh của ông Huỳnh Xuân Nhạn, xã Hành Tín Đông đầu tư trồng
Hiện nay, kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả có múi của người dân trên địa bàn huyện Nghĩa Hành còn nhiều hạn chế, năng suất và chất lượng chưa thể hiện hết tiềm năng của giống là do các nguyên nhân: Kỹ thuật bón phân chưa cân đối, hợp lý; công tác phòng trừ sâu, bệnh hại thực hiện chưa đúng, người dân sử dụng quá nhiều thuốc BVTV, kỹ thuật quản lý độ ẩm chưa đảm bảo, chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên hoặc khi nào thấy lá héo thì mới tưới, quả còn bị nám, cháy, ruồi vàng gây hại…
Những tồn tại trên dẫn đến vườn cây sinh trưởng kém, tán không cân đối, sâu, bệnh hại nặng…. từ đó năng suất cây trồng thấp, cây suy thoái nhanh và dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để nâng cao năng suất, chất lượng quả và hiệu quả sản xuất cây ăn quả có múi, chúng ta cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:
1. Áp dụng biện pháp tưới nước tiên tiến, tiết kiệm: Phương pháp tưới nước nhỏ giọt giúp phân bố lượng nước đồng đều cho tất cả các điểm mà không làm xói mòn hoặc nén chặt đất trồng; tưới nhỏ giọt ít phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên như địa hình dốc hay chia cắt, thành phần cũng như cấu trúc đất, giúp tiết kiệm nước so với phương pháp tưới truyền thống. Hiện nay, vật tư, vật liệu lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm có trên thị trường, lắp đặt 1 lần sử dụng lâu dài. Theo kinh nghiệm nhiều nơi cho thấy áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt thì năng suất cây trồng tăng lên khoảng 40% và lượng nước tưới tiết kiệm 40 – 70% so với các biện pháp tưới thông thường.
2. Ứng dụng biện pháp phòng trừ ruồi vàng hại quả: Các loại cây ăn quả giai đoạn từ khi đậu quả đến chín thường bị một số côn trùng, sâu, bệnh phá hại như: Ruồi vàng đục quả, nhện trắng… làm cho mẫu mã quả xấu, quả bị thối, rụng dẫn đến giảm năng suất, phẩm chất và hiệu quả kinh tế. Đặc biệt. trên cây bưởi ruồi vàng là đối tượng gây hại mạnh, cần sử dụng túi bao quả, bẫy, thuốc sinh học trong phòng trừ giúp nâng cao sản lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, quá trình sinh trưởng phát triển thì quả còn chịu các tác động của rất nhiều yếu tố ngoại cảnh trong đó ánh nắng gay gắt của mùa hè và nhiệt độ không khí cao làm cho quả rất dễ bị cháy, rám nắng. Bao quả bằng túi chuyên dụng mã số: 3B-27, phun thuốc phòng trừ ruồi bằng dung dịch EntoPro nồng độ 10%, phun mỗi cây 50ml pha loãng, phun 1 tuần/lần hoặc dùng bẫy nhử ruồi vàng.
3. Ứng dụng biện pháp phun phân bón lá: Cây trồng hút dinh dưỡng qua đường rễ, ngoài ra có thể lấy dinh dưỡng qua lá, khi phun phân bón qua lá cây trồng có thể hấp thu được tới 90 – 95% dưỡng chất có trong phân. Chính vì vậy, việc bổ sung phân bón cho cây trồng nói chung và cây ăn quả có múi nói riêng qua đường lá là một việc làm rất cần thiết, nhằm bổ sung kịp thời dinh dưỡng để tăng chất lượng của quả. Phun phân bón lá Đầu trâu 902 (17-21-21) và Yogen 16.
4. Ứng dụng biện pháp phun GA3 để giảm hạt: GA3 (Gibberellin) là một hợp chất vòng có hoạt tính sinh lý rất mạnh là hoocmon có hoạt tính mạnh và được sử dụng rộng rãi nhất, vai trò sinh lý quan trọng của GA3 đối với cây trồng là kích thích sự giãn tế bào theo chiều dọc, kích thích sự nảy mầm của hạt và củ, ảnh hưởng đến phân hóa giới tính của các cơ quan sinh sản (ức chế sự phát triển hoa cái, kích thích phát triển hoa đực), kích thích sự sinh trưởng của quả, tạo quả không hạt. Sử dụng chế phẩm kích phát tố GA3 Thiên Nông nồng độ 90 – 110 ppm, phun vào thời điểm ra hoa có tác dụng làm giảm 47 – 55% số hạt và 50 – 58% khối lượng hạt trong quả so với không phun.
5. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng trừ sâu đục thân, cành: Hiện nay vườn cây bị sâu đục thân, đục cành gây hại (5-10%) làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển cũng như năng suất của cây trồng. Biệp pháp phòng trừ sâu đục thân: Quét thuốc Booc – đô 10% lên thân cây vừa hạn chế nấm bệnh xâm nhập vừa tạo môi trường không thuận lợi, tránh sâu đẻ trứng. Bơm thuốc trừ sâu nội hấp Padan 0,2% vào các lỗ đực và bịt kín bằng đất sét.
6. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bẫy ngài chích hút quả: Giai đoạn quả già đến chín thường bị một số côn trùng, sâu, bệnh phá hại, đặc biệt là ngài chích hút hại quả; việc sử dụng thuốc hóa học để phun phòng trừ ngài chích hút ít có hiệu quả. Do đó làm lồng bẫy ngài chích hút là một biện pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao, an toàn cho sản phẩm, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tồn dư thuốc BVTV, nâng cao phẩm chất quả.
Bẫy ngài chích hút quả: Dùng 25 bẫy lồng treo trên 1 ha, treo xung quanh vườn. Chất liệu gồm: Vải màn 2,5m2, thanh tre nứa hoặc thép, dây dù, ni lon để lên đĩa mồi. Cách làm: Đường kính vòng lớn 40cm; chiều cao lồng 60cm, đường kính vòng nhỏ 15cm, chiều cao hình nón 35cm; đĩa ni lon chứa mồi; mồi dẫn dụ bằng mít dai, dứa chín, cam chín, xoài chín, ổi chín….. Thu bắt ngài: Sau một đêm, sáng hôm sau tiến hành bắt ngài bằng cách lật ngược bẫy rồi giết ngài.
7. Ứng dụng tiến bô kỹ thuật phòng trừ nhện trắng gây nám quả, hiện tượng muội đen: Các loại cây ăn qủa có múi, giai đoạn đậu quả non thường bị nhện trắng gây hại làm mẫu mã quả xấu, quả bị nám, muội đen, vẹo quả làm giảm năng suất phẩm chất và hiệu quả kinh tế. Biện pháp trừ nhện trắng gây nám quả cho cây có múi: Sử dụng thuốc Zinep (0,3%) kết hợp thuốc trừ nhện (Comail 0,1%, hoặc Phumai 3,6EC. Phun 3 đợt, đợt 1: Sau khi rụng cánh hoa (khoảng hơn 75%), đợt 2: Sau đợt 1 là 20 ngày, đợt 3: sau đợt 2 là 30 ngày.
8. Biện pháp khắc phục hiện tượng rụng quả: Thường xuyên tạo hình, tỉa cành thông thoáng; tưới, tiêu nước hợp lý. Không để vườn cây bị quá ẩm; nếu vườn cây bị trũng, úng nước thì phải bổ sung thêm đất, lên luống làm rảnh để thoát nước. Phòng trừ tốt các bệnh do nấm gây ra; sau các đợt mưa to, mưa kéo dài tiến hành phun thuốc có chứa gốc đồng (Cu) lên toàn bộ tán cây và đất xung quanh gốc cây hoặc vào mùa mưa định kỳ phun thuốc phòng bệnh 15 – 20 ngày/lần; rải vôi bột sau mùa mưa. Vào tháng 11 - 12 hàng năm quét thuốc Booc – đô 10% hoặc vôi dưới gốc; sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma phòng trừ nấm bệnh, tuyến trùng hại rễ, vừa tạo điều kiện tốt cho vi sinh vật có ích trong đất phát triển, kích thích sự tăng trưởng và phục hồi bộ rễ, phân giải các chất xơ, kết hợp với phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất xốp hơn chất mùn nhiều hơn. Bón phân vô cơ, hữu cơ cân đối, hợp lý; bổ sung dinh dưỡng qua lá để cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây vào những thời kỳ nhạy cảm như phát triển lộc, ra hoa, đậu quả, điều kiện thời tiết bất thuận.
Trên đây là các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất cây ăn quả có múi; sản phẩm quả đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe cho người lao động và người tiêu dùng, góp phần làm giàu, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn huyện.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Senegal tăng mạnh so với năm 2018, tuy nhiên, giá gạo sụt giảm.
Mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Nhân có quy mô khá lớn với hệ thống chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát.
Điều quan trọng là đầu mùa khô phải tiêu diệt một số loại kiến đen, khi mật độ kiến giảm thì dẫn tới rệp sáp phát triển rất chậm và dễ phòng trừ.