Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá rô phi

Một số phát hiện mới trên cá rô phi

Một số phát hiện mới trên cá rô phi
Tác giả: Nguyễn An
Ngày đăng: 06/09/2019

Rô phi là loài cá được nuôi nhiều thứ hai trên thế giới. Mới đây, các nhà khoa học Ai Cập đã công bố kết quả nghiên cứu thành công một giống rô phi mới, mở rộng tiềm năng nuôi loài cá này. Thế nhưng, hiện cá rô phi đang bị đe dọa bởi một loại virus nguy hiểm.

GIANT đã được WorldFish phát triển thay thế cho giống GIFT

Tiềm năng giống rô phi mới

Một giống cá rô phi vừa được tổ chức WorldFish nghiên cứu và phát triển thành công ở Ai Cập. Theo kết quả ban đầu, giống mới có năng suất được cải thiện đáng kể, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thấp hơn và lợi nhuận cho người nuôi tốt hơn.

Chương trình chọn giống mới được thực hiện ở Trung tâm nghiên cứu Abbassa, Abu-Hammad, Sharkia, Ai Cập nhằm cải thiện giống cá rô phi cải tiến gen (GIFT) nổi tiếng và được áp dụng rộng rãi, phát triển đầu tiên trong hệ thống sản xuất ở các nước khu vực châu Á. Kết quả, giống rô phi mới được biết đến với cái tên Abbass Nile Tilapia (GIANT). Giống rô phi này đã được cải tiến gen, phát triển bằng cách sử dụng các kỹ thuật trong genomic và tương tự, một nghiên cứu mới về hiệu suất của cá bố mẹ GIANT cho thấy nó đang hoạt động rất tốt.

Đề tài này được xem là nghiên cứu mới nhất với chủ đề: “Đánh giá tác động của việc sản xuất giống cá rô phi Abbass Nile cải tiến gen (GIANT-G9) so với các chủng thương mại ở một số khu vực của Ai Cập”. Từ đó, xem xét tác động phân phối cá bố mẹ của giống cho 11 trung tâm nhân giống tôm bố mẹ (BMC) tại 5 khu vực. Các trung tâm này sau đó đã nhân rộng cá bột lên 160 trại sản xuất cá rô phi cung cấp tất cả cho 1.500 trang trại cá trong năm 2017. Trong nghiên cứu của họ, các nhà khoa học của WorldFish trình bày kết quả đánh giá tác động của giống G9 trong 83 trang trại cá này ở bốn khu vực Ai Cập, gồm Kafr El Sheikh, Fayoum, Behera và Alexandria.

Nghiên cứu của họ chỉ ra rằng việc sử dụng GIANT trong tất cả các khu vực đã đạt được năng suất cá cao hơn đáng kể (18,8%, 12,3%, 26,4%) và FCR (tỷ lệ chuyển đổi thức ăn) thấp hơn 15,7%. Kết quả này phản ánh tác động tích cực đến lợi nhuận ròng của họ so với những hộ nuôi đang sử dụng các giống khác. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu kết luận rằng: “Nhìn chung, nông dân nuôi cá GIANT có doanh số bán cá trung bình cao hơn đáng kể (5,567 USD/ha) so với những hộ thả giống cũ (5.192 USD/ha) trong tất cả các khu vực”.

Tuy nhiên, họ cũng lưu ý, các trang trại ở bốn khu vực có kết quả khác nhau, với các trang trại ở Kafr El Sheikh và Behera cho thấy kết quả cải thiện ít hơn. Do đó, để có được phân tích khách quan về hiệu suất của GIANT, nên thực hiện đánh giá tương tự với các thế hệ mới của giống được hỗ trợ bởi các thử nghiệm hiệu suất trang trại.

TiLV có thể truyền từ cá bố mẹ sang cá con

Đó là kết quả của một nghiên cứu mới trên Tạp chí Bệnh cá (Journal of Fish Diseases) vừa được công bố. Theo đó, Tilapia lake virus (TiLV) có thể truyền từ cá bố mẹ sang cá con mà không sống chung, tức là thông qua đường lây truyền dọc.

Tilapia lake virus (TiLV) là virus gây bệnh cho cá rô phi trên toàn cầu. Bệnh gây ra các tổn thương và xuất huyết, ăn mòn da, bất thường ở mắt và tử vong hàng loạt. Hiện tại, không có cách điều trị hay vaccine phòng bệnh, nhưng điều này có thể thay đổi trong tương lai. Tỷ lệ chết trong các ổ dịch tự nhiên khoảng 9 - 90%; bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu tập trung ở cá giống (cá con). Cá rô phi đỏ (cá điêu hồng) giống nuôi lồng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ chết có thể lên tới 90% trong vòng một tháng sau khi thả.

Mặc dù TiLV được biết lây truyền theo chiều ngang (từ cá bệnh sang cá khỏe trong cùng ao nuôi, trại nuôi, qua nguồn nước, dụng cụ...) và đã được chứng minh thông qua việc sống chung với cá nhiễm bệnh nhưng không có thí nghiệm trực tiếp nào cho thấy khả năng truyền dọc từ cá bố mẹ sang con cháu.

Trong nghiên cứu này, sự bùng phát tự nhiên của TiLV ở cá bố mẹ và cá con trong hai trại sản xuất cá rô phi đã được xác nhận. Các nhà nghiên cứu đã có thể phân lập RNA TiLV trong gan và tuyến sinh dục của cá rô phi bố mẹ bị nhiễm bệnh. Khi thử nghiệm cá con hai ngày tuổi về sự hiện diện của TiLV, kết quả chỉ ra rằng chúng đã di truyền virus từ cá bố mẹ.

Trước những kết quả này, các nhà nghiên cứu đã khuyến cáo và nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học triệt để, bằng cách ưu tiên phòng ngừa và đảm bảo rằng virus không được đưa vào trang trại, bệnh sẽ không có cơ hội phát triển. Cùng đó, họ cũng đề xuất phát triển cá rô phi bố mẹ không có TiLV để hạn chế sự lây lan TiLV theo chiều dọc.


Có thể bạn quan tâm

Các gien có thể giúp nuôi thâm canh cá rô phi hiệu quả hơn Các gien có thể giúp nuôi thâm canh cá rô phi hiệu quả hơn

Các gien trong cá rô phi vằn đã được các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu thủy sinh bền vững (CSAR) tại Đại học Swansea

23/08/2019
Đột phá giống cá rô phi Đột phá giống cá rô phi

Loài cá rô phi cao cấp này được nhân giống trong Phòng thí nghiệm Khoa học Đời sống Temasek (TLL)

31/08/2019
Phương pháp mới điều trị bệnh nấm velvet trong nuôi cá Phương pháp mới điều trị bệnh nấm velvet trong nuôi cá

Khi các nước EU xem xét cấm nhiều phương pháp trị liệu hóa học sử dụng trong nuôi cá, các nhà nghiên cứu đề nghị sử dụng hợp chất humic và hydro peroxide

03/09/2019