Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Một số lưu ý về canh tác lúa trong mô hình tôm - lúa

Một số lưu ý về canh tác lúa trong mô hình tôm - lúa
Tác giả: PGS.TS Mai Thành Phụng
Ngày đăng: 19/10/2021

ĐBSCL dự báo tình hình xâm nhập mặn sẽ ngày càng khốc liệt, nhất là ở các tỉnh ven biển, nên mô hình tôm - lúa đang được xem là giải pháp rất hiệu quả.

Cần sử dụng giống có xác nhận, phù hợp với mô hình tôm - lúa. Ảnh: LHV.

Mô hình tôm – lúa thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL

Vùng ĐBSCL mùa mưa thường bắt đầu từ trung tuần tháng 5 đến hết tháng 11. Sau khi rửa mặn xong có thể sử dụng nước mưa để trồng lúa từ tháng 7 đến tháng 12. Mùa khô bị xâm nhập mặn nhất là ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang..., bà con có thể nuôi tôm sú (nước lợ, thời gian nuôi bắt đầu khoảng tháng 1 và kết thúc vào tháng 6).

Trồng lúa trong vuông tôm giúp cải thiện môi trường đất, từ đó giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm (do các chất hữu cơ được khoáng hóa và cây lúa hấp thu dần trong quá trình canh tác).

Sau vụ tôm, tiến hành trồng lúa sẽ giúp giảm đầu tư phân bón (tận dụng xác bả thực vật, lượng thức ăn thừa của tôm), giảm dịch hại (do luân canh), chất lượng lúa gạo rất cao (lúa sạch, lúa hữu cơ) hạn chế tối đa việc dùng phân bón, thuốc hóa học.

Năng suất nuôi tôm - lúa trên 1 ha bình quân đạt khoảng 300 - 500 kg tôm và 4 - 7 tấn lúa. 

Do có hiệu quả cao và bền vững nên mô hình nuôi tôm - lúa có tốc độ tăng trưởng khá nhanh tại ĐBSCL. Nếu như năm 2000, diện tích nuôi tôm - lúa của cả khu vực chỉ có 71.000 ha thì hiện nay (2020), diện tích đã tăng lên khoảng 180.000 ha, chiếm khoảng 30% tổng diện tích nuôi tôm sú toàn vùng và sản lượng đạt 80.000 tấn. Các tỉnh có diện tích thả nuôi tôm - lúa lớn gồm Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Một số lưu ý về canh tác lúa trong mô hình tôm - lúa

Chọn giống: Các giống lúa canh tác phổ biến ở hầu hết các tỉnh là giống lúa mùa địa phương: Một bụi đỏ, Tài nguyên hoặc giống lúa trung mùa ST 24, ST25. Một số vùng sản xuất bằng giống lúa ngắn ngày như OM5451, OM6976, OM7347, OM 2517, OM5464, OM5981, IR 50404… Năng suất lúa biến động rất lớn, từ 3 tấn/ha đến 6,0 tấn/ha tùy theo mức độ thâm canh của từng vùng.

Thời vụ gieo cấy: Chủ yếu là mưa đều, rửa mặn xong (độ mặn dưới 1 phần ngàn) mới gieo sạ. Đối với giống nhóm B (thời gian sinh trưởng tương đương 120 ngày): Gieo sạ từ 10/8 đến 30/8 tính theo dương lịch. Các giống lúa mùa có thể gieo mạ từ 20/7 đến 30/7. Đối với giống nhóm A1 (thời gian sinh trưởng từ 90 - 100 ngày): Gieo sạ từ 01/9 – 20/9; lượng giống sạ 80 - 100kg/ha. Sử dụng giống xác nhận.

Bón phân: Trên đất nuôi tôm do lớp bùn non rất tốt, đủ sức nuôi cây lúa trong tháng đầu, nếu bón phân sớm, nhất là phân đạm rất dễ bị bệnh đạo ôn (cháy lá) tấn công, nhưng lớp bùn sẽ bị lúa hút hết sau 1 tháng, nên các lần bón sau rất quan trọng. Khi bón phân cần cân nhắc đến điều kiện đất đai, thời tiết và tình hình của cây lúa mà điều chỉnh cho phù hợp. Bón phân được chia ra 2 trường hợp:

Đối với lúa sạ: Khi bón lót, bà con không nên bón nhiều phân đạm, cần bón nhiều phân lân và can-xi để giải độc chất hữu cơ, giải độc phèn. Đồng thời, cung cấp chất lân cho bộ rễ lúa phát triển mạnh trong giai đoạn đầu nhằm tăng khả năng chống chịu của cây lúa trong điều kiện bất lợi.

Cần bón lót phân chuyên dùng Đầu Trâu Mặn Phèn (20% CaO, 14% P2O5, 14% SiO2, 4%N), với lượng bón 100 – 160 kg/ha (gia giảm tùy độ phèn mặn của đất, rửa mặn tốt chỉ cần bón 100kg/ha, đất bị mặn khá nên bón 150 - 160 kg/ha) 

Đối với nón thúc, giai đoạn lúa 10 ngày sau sạ không nên bón, bởi cây lúa đang giai đoạn hấp thu dinh dưỡng từ lớp bùn non của ruộng. Chỉ bón thúc đẻ lúc lúa từ 18 - 22 ngày sau sạ. Cần bón đầy đủ và cân đối giữa NPK + trung vi lượng: Bón 100-150kg Đầu Trâu Lúa Tôm (21-10-10 +1% Ca + TE).

Đối với bón đón đòng: Trước khi lúa vào giai đoạn tượng đòng, cần tạo điều kiện cho cây lúa chuyển sang màu vàng (xiết nước giữa vụ). Khi lúa chuyển vàng, bóc ra có tim đèn (đòng đòng đất) 1 - 3mm sẽ bón phân theo kỹ thuật "không ngày không số". Lúa màu vàng, bón Đầu Trâu Lúa Tôm (21-10-10 +1% Ca + TE) 80-100kg/ha; lúa xanh nhạt, bón Đầu Trâu Lúa Tôm (21-10-10 +1% Ca + TE) 60-80kg/ha; lúa xanh đậm, bón 50-70 kg KCl/ha (tuyệt đối không bón đạm).

Đối với lúa cấy: Bón lót Đầu Trâu Lúa Tôm 80 kg/ha cùng chung với Mặn phèn trườc khi cấy. Đến 10-15 ngày sau cấy, bón Đầu Trâu Lúa Tôm 100 - 120 kg/ha. Đón đòng bón Đầu Trâu Lúa Tôm 80 - 100 kg/ha.

Chú ý: Không phun thuốc trừ sâu sớm trong vòng 40 ngày. Không phun thuốc sâu định kỳ, chỉ phun khi mật số sâu hại tới ngưỡng, nhớ áp dụng theo "4 đúng". Đối với bệnh, trong 40 ngày đầu thăm đồng phát hiện có vết chấm kim thì phun ngay. Giai đoạn từ 40 ngày đến trổ đều có thể chủ động phun ngừa các bệnh đạo ôn, đốm vằn, cháy bìa lá vi khuẩn, lem lép hạt, vàng lá chín sớm.

Quản lý nước: Áp dụng kỹ thuật tưới khô - ướt xen kẽ giúp tiết kiệm nước và cây lúa khỏe. Chú ý đầu vụ rửa mặn tốt trước khi gieo sạ (độ mặn <1 phần ngàn mới gieo). 

Thu hoạch – sau thu hoạch: Thu hoạch đúng độ chín (85 - 90% độ chín) cho năng suất và chất lượng cao nhất. Hiện nay, nếu nông dân bán lúa tươi tại ruộng là hay nhất. Nếu chưa bán được phải tìm cách sấy lúa, trong 24 giờ đầu cần hạ độ ẩm của lúa từ 22 - 28% xuống còn dưới 17% và sau 48 giờ độ ẩm dưới 15%. Nếu muốn bảo quản lâu hơn 1 tháng cần sấy đến độ ẩm 13%.

Khuyến cáo quy trình chăm bón, bón phân cho cây lúa trong mô hình lúa - tôm

Đối với lúa sạ: 7 - 10 ngày sau sạ, bón Đầu Trâu Lúa Tôm 80kg/ha; 18 - 22 ngày sau sạ, bón Đầu Trâu Lúa Tôm 100 - 120 kg/ha. Đón đòng, bón Đầu Trâu Lúa Tôm 80 - 100 kg/ha.

Đối với lúa cấy: Bón lót Đầu Trâu Lúa Tôm 80kg/ha cùng chung với Mặn phèn trườc khi cấy. Đến 10 - 15 ngày sau cấy, bón Đầu Trâu Lúa Tôm 100 - 120 kg/ha. Đón đòng, bón Đầu Trâu Lúa Tôm 80 - 100 kg/ha.

Đặc biệt, hiện nay sản xuất lúa ngày càng chịu tác động xấu từ biến đổi khí hậu, giá phân bón tăng cao, giá lúa giảm thì sản xuất lúa tại các vùng sinh thái nuôi tôm được xem là khá phù hợp bởi tận dụng được thiên nhiên, môi trường, sử dụng phân bón và thuốc BVTV ít hơn, chi phí sản xuất thấp nhưng năng suất lúa lại cao, tăng lợi nhuận cho nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Phục hồi cây thanh trà Thượng Phước Phục hồi cây thanh trà Thượng Phước

Qua thời gian, nhiều diện tích cây thanh trà Thượng Phước đã già cỗi, thoái hóa và sâu bệnh. Việc khôi phục loại cây trồng này đang được chính quyền

18/10/2021
Nhà kính hoàn thành mục tiêu kép trong nông nghiệp bền vững Nhà kính hoàn thành mục tiêu kép trong nông nghiệp bền vững

Vừa giúp tăng năng suất cây trồng, vừa giảm chi phí canh tác và các khí thải ảnh hưởng môi trường, nhà kính được đẩy mạnh trên quy mô toàn thế giới.

18/10/2021
Sâu đầu đen hại dừa Sâu đầu đen hại dừa

Dừa được trồng phổ biến ở miền Tây đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Tuy nhiên dừa hay bị sâu đầu đen gây hại khiến cây có thể bị chết.

19/10/2021
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.